Theo thống kê của Sở y tế Hà Nội, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 11 ca mắc sởi, nâng tổng số ca lên 43, trong đó 1 trường hợp tử vong.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trẻ bị bệnh sởi tử vong chủ yếu là do biến chứng viêm phổi nặng.
Do đó, khi con trẻ chẳng may bị sởi, cha mẹ cần chú ý để phát hiện sớm biến chứng viêm phổi ở trẻ.
Có 2 dấu hiệu chính để cha mẹ nhận biết trẻ bị viêm phổi. Đó là khi thấy trẻ thở nhanh và rút lõm lồng ngực.
Dấu hiệu thở nhanh ở trẻ được hiểu là, một em bé bị sởi, kèm theo ho hoặc sốt mà xuất hiện nhịp thở nhanh hơn những ngày thường.
Về chuyên môn Nhi khoa, thở nhanh với trẻ dưới 2 tháng tuổi là khi trẻ có nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên; Trẻ từ 2 tháng đến dưới 1 tuổi, thở nhanh là khi có nhịp thở 50 lần/phút trở lên; Trẻ từ 1 – 5 tuổi, thở nhanh khi có nhịp thở 40 lần/phút trở lên.
Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng đếm được chính xác nhịp thở của con. Do đó, cha mẹ hãy quan sát nhịp thở của con, thấy nhanh hơn ngày thường nhiều thì rất có thể trẻ đã bị viêm phổi.
Còn khi trẻ bị sởi, kèm theo ho, sốt và có thêm dấu hiệu rút lõm lồng ngực thì 80% là trẻ bị viêm phổi nặng.
Để phát hiện chính xác dấu hiệu rút lõm lồng ngực ở trẻ, cha mẹ hãy vén áo con lên và nhìn trẻ thở, quan sát khoảng 2 phút, nếu thấy lồng ngực của trẻ lõm vào khi trẻ hít vào thì khả năng trẻ bị viêm phổi nặng.
Khi có dấu hiệu này, cha mẹ phải đưa con đến bệnh viện để điều trị ngay lập tức bất kể là ngày hay đêm.
Ngoài ra, biến chứng viêm não do bị sởi cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ.
Bệnh sởi thường gặp ở trẻ dưới 9 tháng tuổi, do chưa được tiêm phòng sởi và thường gặp ở trẻ nam nhiều hơn nữ.
Với các biểu hiện đặc trưng là sốt, phát ban, ho, mắt đỏ (viêm kết mạc mắt), sổ mũi (chảy nước mũi).
Cũng có nhiều trường hợp người lớn mắc sởi, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều.
Đây là bệnh là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do virus sởi gây ra và thường xảy ra vào mùa đông xuân, khi thời tiết ẩm kéo dài.
Bệnh sởi rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người như trong trường học.
Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh.
Thời kỳ ủ bệnh thường là 12 - 14 ngày, nhưng có thể kéo dài đến 21 ngày. Thời kỳ lây truyền là từ 1 ngày trước khi bắt đầu giai đoạn tiền triệu (thông thường khoảng 4 ngày trước khi phát ban) đến 4 ngày sau khi xuất hiện ban, ít nhất là sau ngày thứ 2 phát ban.
Bệnh sởi có tính lây truyền cao nhất, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi nào đạt được > 95% tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu sởi trong quần thể dân cư.
Tất cả những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc xin sởi đều có cảm nhiễm với bệnh sởi. Sau khi mắc bệnh sởi tự nhiên sẽ được miễn dịch bền vững.
Bệnh sởi làm suy yếu sức đề kháng của cơ thể cho nên thường kèm theo biến chứng như phế quản phế viêm, viêm tai, tiêu chảy gây nên bởi vi khuẩn gây bệnh có điều kiện. Những bệnh này khi mắc cùng bệnh sởi có diễn biến rất nặng.
Trẻ em được sinh từ người mẹ trước đây đã bị bệnh sởi thì trẻ đó sẽ được miễn dịch thụ động do kháng thể mẹ truyền cho trong khoảng từ 6 đến 9 tháng tuổi hoặc lâu hơn tùy thuộc vào số lượng kháng thể mẹ tồn dư trong thời gian có thai và tỷ lệ giảm kháng thể trong máu mẹ.
Kháng thể mẹ còn tồn tại ở trẻ em sẽ ngăn cản sự đáp ứng miễn dịch khi tiêm vắc xin sởi ở lứa tuổi này.
Nếu gây miễn dịch cho trẻ vào lúc 15 tháng tuổi thì sẽ đạt được tỷ lệ đáp ứng miễn dịch cao từ 94 - 98%. Việc gây miễn dịch lại bằng một liều bổ sung có thể làm tăng mức độ miễn dịch tới 99%.
Trẻ em sinh ra từ người mẹ đã được gây miễn dịch bằng vacxin sởi thì trẻ đó cũng có kháng thể thụ động của mẹ truyền cho, nhưng chỉ ở mức độ thấp và vẫn còn cảm nhiễm với bệnh sởi. Vì vậy, những trẻ này cần được gây miễn dịch sớm hơn.
Biện pháp dự phòng bệnh sởi
- Giáo dục sức khỏe cộng đồng, nhất là đối với các bà mẹ và thầy cô giáo, cần cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh sởi để cộng tác với ngành y tế trong việc tiêm vắc xin sởi cho trẻ em.
- Tiêm chủng mũi 1 cho tất cả trẻ em từ 9 - 11 tháng tuổi và tiêm nhắc lại mũi 2 cho trẻ 6 tuổi trong tiêm chủng thường xuyên. Thực hiện chiến dịch tiêm vacxin sởi bổ sung cho trẻ ở lứa tuổi cao hơn ở vùng nguy cơ cao (nơi vẫn còn vi rút sởi lưu hành, tỷ lệ tiêm chủng thấp…), tăng cường giám sát bệnh.
- Trẻ em bị mắc bệnh sởi không nên đến trường ít nhất 4 ngày sau khi phát ban. Bệnh nhân sởi ở trong bệnh viện phải được cách ly đường hô hấp từ lúc bắt đầu viêm long cho đến ngày thứ 4 của phát ban để khỏi lây sang bệnh nhân khác.
- Tăng cường dinh dưỡng để phòng suy dinh dưỡng. Đặc biệt, dùng thêm vitamin A để tránh loét giác mạc, mù mắt.
- Vệ sinh răng miệng, da, mắt.
- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bị sởi, cần đưa trẻ đi thăm khám và điều trị ngay theo chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt, cần chú ý những biểu hiện biến chứng viêm phổi, viêm não khi trẻ bị sởi để đưa trẻ đi điều trị kịp thời.