Đặt ra tình huống về cảm xúc của chính các em khi buộc phải tát nhau, nhà báo Thu Hà cho rằng đây là một kiểu phạt học sinh thực sự vô nhân tính.
Vụ việc học sinh lớp 6 bị phạt 231 cái tát phải nhập viện cấp cứu gây ra sự phẫn nộ trong xã hội trong những ngày vừa qua. Nhiều hot Facebooker đã lên tiếng.
Được sự đồng ý của nhà báo Thu Hà, Gia Đình Mới xin chia sẻ với độc giả, các bậc phụ huynh học sinh bài viết này:
"Giáo viên ra lệnh cả lớp tát một học sinh 231 cái phải nhập viện
Mình hỏi Xu Sim, nếu giáo viên bắt con tát một bạn nào đó thì con sẽ làm gì?
Sim nói: “Con không tát!”
“Nếu không tát bạn thì cô tát con?”
“Dù có bị phạt thì con cũng không tát bạn. Nếu cô giáo đánh con, con sẽ chạy”.
Xu nói: “Con không tát! Con sẽ xin ra khỏi lớp".
“Nhưng nếu cô giáo kiên quyết không cho ra ngoài thì sao?”
“Thì con sẽ tè ra quần, và xin đi ra nhà vệ sinh. Rồi ra khỏi lớp con sẽ chạy lên báo hiệu trưởng, và báo với mẹ”.
Cách của Xu Sim có thể chưa hoàn hảo, nhưng với những đứa trẻ yếu thế ở Việt Nam thì tạm chấp nhận được. Con các bạn có ý kiến gì không?
Gandhi, nhà tư tưởng Ấn Độ đã nói: “Quyền lực chỉ có sức mạnh khi chúng ta đồng ý với nó”.
Ước chi 23 bạn không đồng ý, hoặc chí ít vài bạn không đồng ý, thì bạn kia đã không bị tới 231 cái tát.
Một kiểu phạt học sinh thực sự vô nhân tính
Cháu mình cũng từng bị một vụ tương tự. Đầu năm, cô giáo cho cháu mình làm phụ trách kỷ luật, cho phép tát bạn khác. Và tới khi cậu bị vi phạm nội quy thì cô cho bạn khác tát lại.
Cái tát cháu mình bị nhận, vừa là do lệnh của cô, vừa là uất ức của cá nhân học sinh từng là nạn nhân trước đó. Bằng hình phạt này cô giáo đã biến các học sinh trong lớp thành kẻ thù của nhau, chĩa súng vào nhau.
Không, không nên gọi nó là hình phạt, nên gọi đó là sự tra tấn ghê tởm. Thực sự là vô giáo dục, vô nhân đạo, khi trao cho lớp trưởng, lớp phó kỷ luật, rồi đội cờ đỏ, sao đỏ… quyền được đứng trên người khác, như mật thám, săm soi, bắt lỗi và phạt bạn bè. Như thể thầy cô phục dựng lại trong lớp học những cuộc đấu tố cải cách ruộng đất năm xưa.
Tổn thương cho tất cả, hủy hoại nhân cách của tất cả. Cả bạn bị tát và cả bạn đi tát bạn, và cả mối quan hệ giữa bạn bè với nhau.
Quá độc ác
Ngày 20/11 mình từng nói đừng gọi nghề giáo là nghề cao quý, đừng tung hô, đừng đẩy lên quá cao, đừng ép “tôn sự trọng đạo”, “tiên học lễ”.
Họ là con người, bình thường. Và cũng như mọi người bình thường, họ cũng có lúc sai. Khi giáo viên sai, nếu học sinh được dạy phải tuân thủ, phục tùng, thì cái sai đó sẽ bị đẩy tới mức độ kinh khủng. Như quả cầu tuyết, càng lăn xa càng to lên.
Sau bài báo 231 cái tát, vẫn có những giáo viên lo rằng nếu thiếu hình phạt thì hs sẽ hỗn láo, sẽ tự do quá đà, sẽ không quản được, không dạy được...
Mình biết nhiều phụ huynh đang phải cắn răng trả gấp mấy chục lần học phí công lập, chỉ để kéo con mình chạy trốn khỏi hệ thống công lập nặng thi đua, tha hóa thành tích này.
231 cái tát, không chỉ là tát em học sinh ớp 6 trường Duy Ninh, mà chính là cái tát vào những triết lý giáo dục đang được nhiều nhà nghiên cứu đề xuất, tát vào tự do và phẩm giá của học sinh, tát vào tư duy phản biện, tinh thần tự chủ của học sinh.
Ba mẹ ạ, không trông chờ hết vào nhà trường được đâu. Ko chỉ lên án là đủ, hãy là những ba mẹ hành động, thay đổi ngay trong nhà mình. Đừng chỉ dạy con ngoan, còn phải dạy con biết từ chối, biết nói "Không".
Hãy dám cho con mình được cãi, được phản biện, để con mình không bị ép làm một con zombie, không bị ép làm một con cừu trong đàn cừu im lặng nhẫn tâm!