Sự việc một nam sinh lớp 6, trường THCS Duy Ninh (Quảng Bình) nói tục bị cô giáo yêu cầu 23 bạn cùng lớp tát vào má 231 cái và phải nhập viện điều trị đang gây xôn xao dư luận.
Ngày 24/11, trao đổi với Gia Đình Mới, chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh, Công ty TNHH Mạnh Linh School Psychology cho rằng, hình phạt bắt học trò tát vào mặt bạn vì bạn nói tục là hành vi phi giáo dục, phi đạo đức và cần bị lên án.
Hình phạt tát học sinh không có trong giáo trình mà các trường sư phạm giảng dạy học viên. Hành vi này của cô giáo làm tổn thương nghiêm trọng thể xác, tinh thần của học sinh trong lớp.
“Đối với học sinh bị tát, khi bị các bạn tát tập thể có sự cổ súy từ cô giáo thì học sinh không chỉ bị ảnh hưởng về sức khỏe mà còn gặp phải sang chấn tâm lý nặng nề.
Cái đau về thể xác nhìn thấy chỉ 1 phần nhưng sang chân tâm lý, bị đánh hội đồng, bị phải đối mặt với cả thế giới lớp học của em, còn nặng nền hơn gấp nhiều lần.
Mà những sang chấn tâm lý này có thể gây ra nhiều hệ lụy với học sinh. Hiện tại việc nhà trường và gia đình có thể làm tốt nhất là hỗ trợ tâm lý cho trẻ (cả em bị tát và các học sinh trong lớp đã tát bạn).
Còn đối với các em học sinh trong lớp, việc cả lớp tát bạn tưởng chừng các em không phải là người bị hại nhưng thực tâm chứng kiến cảnh đó các em sẽ hoảng loạn, kinh hồn bạt vía.
Tiếp đến là những cảm giác tội lỗi sẽ ám ảnh lâu dài trong tâm trí trẻ thơ của các em. Lớp học sẽ không còn bầu không khí bình an.
Hơn nữa, chính hình phạt của cô giáo khiến những đứa trẻ bắt đầu biết, làm quen và thành thạo với những hành vi bạo lực, làm nhục người khác , hung tính, mất đi tình yêu thương từ khi chúng còn rất nhỏ.
Và như vậy, hành vi bạo lực sẽ hình thành và in hằn trong suy nghĩ của những đứa trẻ, để rồi khi một sự việc xảy ra chúng sẽ có suy nghĩ dùng bạo lực để giải quyết vấn đề” – chuyên gia tâm lý Mạnh Linh chia sẻ.
Đặc biệt, đối với phụ huynh học sinh, khi sự việc xảy ra sẽ gây ra làn sóng bức xúc lớn, sẽ dẫn đến mâu thuẫn, bất hòa với thầy cô, với nhà trường.
Và như vậy, trong mối quan hệ tổng hòa giữa nhà trường, thầy cô, học sinh, cha mẹ học sinh, câu chuyện này sẽ còn được nhắc nhiều làm cho bầu không khí nặng nề sẽ bao trùm lên trường học và gia đình.
Vị chuyên gia tâm lý này cũng cho biết, điều đáng lo nhất là tình trạng sức khỏe, tâm lý của em học sinh bị tát. Nếu không được hỗ trợ tâm lý kịp thời thì sự uất ức, tổn thương, sang chấn rất có thể sẽ làm hại cả cuộc đời đứa trẻ.
Vậy nên, để những vụ việc tương tự không tái diễn, mỗi người thầy, người cô cần luôn nghiêm khắc với chính bản thân mình, cần tuân thủ một cách bài bản những phương pháp dạy học khi đứng trên bục giảng.
Khi đưa ra những hình phạt để nhằm mục đích uốn nắn học sinh, những người thầy, cô giáo cần đặt ra câu hỏi và tự trả lời: Hình phạt đó có hiệu quả không? Hình phạt đó có ảnh hưởng tới thể xác, tinh thần học sinh hay không? Nếu mình là học trò mình sẽ cảm thấy như thế nào?
Chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh có kinh nghiệm làm việc gần 10 năm với học sinh, sinh viên, thầy cô, nhà trường, cha mẹ học sinh và các nhóm cộng đồng yếu thế tại trường thực hành của Đại học Sư phạm Hà Nội.
Trước thực trạng các vấn đề tâm lý học đường hiện nay đang diễn ra ngày càng nhiều, mức độ ngàng càng phức tạp, để lại hậu quả nặng nề, Mạnh Linh School Psychology mong muốn góp sức mình vì một thế giới sức khỏe tâm thần khỏe mạnh, đặc biệt là sức khỏe tâm thần học đường.
Mạnh Linh school psychology luôn hướng tới việc cải thiện, chăm sóc, hỗ trợ tâm lý cho học sinh, sinh viên, các bạn trẻ, cha mẹ học sinh, thầy cô , nhà trường thông qua các dịch vụ: tư vấn, tham vấn, trị liệu, đào tạo, tập huấn cho cha mẹ học sinh, cho giáo viên...
Bảo mật thông tin khách hàng và tôn trọng thân chủ là đạo đức nghề nghiệp mà Mạnh Linh Psy luôn đặt lên hàng đầu.
An BìnhBạn đang xem bài viết Cô giáo bắt cả lớp tát 231 cái: Tát học sinh không có trong giáo trình sư phạm tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].