Tết Dương lịch 2018 đã gõ cửa phòng bệnh của bao em nhỏ ở viện Huyết học & Truyền máu Trung ương. Cũng là lúc những người mẹ tâm tư ôm con vào lòng sau câu hỏi ngây thơ: Mẹ ơi, năm mới đến rồi, bao giờ con khỏi bệnh để về nhà mình hả mẹ?
Mong sao con khỏe mạnh hơn trong năm mới
Đăng Khoa 8 tuổi, quê ở Nghĩa Hưng, Nam Định. Em mắc bệnh bạch cầu cấp thể L2 (ung thư máu) được gần 1 năm nay. Trừ những lúc thuốc thang mệt mỏi hay sốt cao phải nằm bẹp trên giường thì Khoa lộ rõ là một em bé hướng ngoại và vui tính.
Ngày thường, hễ có cô chú tình nguyện viên nào đến bệnh viện thăm và chơi là em chạy đến ôm ấp, kéo đi loanh quanh các phòng bệnh với cái miệng cười ngoác hết cỡ.
Chiều cuối năm của Khoa còn ‘rực rỡ’ hơn ngày thường gấp bội. Khoa phấn khích ra mặt khi được đón người anh họ ‘hợp cạ’ đã lâu lắm rồi mới gặp lại. Em đứng ngồi không yên, chạy vòng quanh anh và lặp đi lặp lại ‘con mong ra viện để về đánh nhau với anh’ rồi cười ha ha.
Chị Ngân, mẹ của Khoa cho biết em đã hí hửng từ mấy hôm nay khi biết tin hai bác sẽ đưa anh họ đến bệnh viện thăm mình. Nhìn con cười vui sướng, chị Ngân cũng vơi đi phần nào những lo nghĩ từng ngổn ngang trong năm cũ. Chị tâm sự:
‘Khoa thèm được về nhà lắm, nhất là những ngày nghỉ lễ như thế này. Đây là dịp gia đình họ hàng quây quần bên nhau. Thương con nhưng biết làm sao được.’
Chị Ngân đành mong chờ đến Tết Nguyên đán Khoa khỏe mạnh hơn rồi về quê chơi thăm cho thỏa lòng con trẻ. Tết Dương lịch này ở bệnh viện, dẫu sao chị vẫn cảm thấy mình là người mẹ may mắn vì còn có con ở bên mình.
Từ xa bước lại gần phòng 601 của Khoa bệnh máu trẻ em đã nghe văng vẳng tiếng nhạc vui nhộn của bộ phim hoạt hình Tom & Jerry trứ danh. Nhưng khi bước vào mới thấy chẳng mấy ai ngước nhìn lên theo dõi màn hình TV.
Chị Phan Thị Định loay hoay bóc cam cho con gái nhỏ Bảo Ngọc đang vừa ăn vừa chơi búp bê và cũng vừa truyền thuốc.
Những ngón tay non nớt, nhỏ xíu của Ngọc phải chịu đựng bao nhức nhối của kim truyền, của thuốc vẫn đang hồn nhiên vỗ về ‘em búp bê’ vào lòng.
Bảo Ngọc 5 tuổi nhưng đã chiến đấu với ung thư máu (bạch cầu cấp thể L2) được 2 năm. Chừng ấy thời gian em đã vượt qua 6 đợt truyền hóa chất. Đây là đợt thứ 19 Ngọc truyền hóa chất duy trì.
Sức khỏe của Ngọc khá ổn định nhưng vẫn hay bị thiếu máu, cứ 3 tuần em phải nhập viện 1 lần. Thường em chỉ nằm viện 2 ngày thôi, nhưng khi ốm sốt thì phải nằm lại bệnh viện cả tuần.
Chị Định kể, khi sinh bé thứ hai được 20 ngày thì Ngọc phát hiện mắc ung thư. Không thể ở bên chăm sóc cho Ngọc trong giai đoạn đầu tiên khắc nghiệt ấy, chị luôn muốn bù đắp lại cho con.
Khi nghe con hỏi ‘Mẹ ơi, năm mới đến rồi, bao giờ con khỏi bệnh để về nhà mình hả mẹ?’ chị Định chỉ biết nín lặng ôm con vào lòng.
Chị thầm thì ước nguyện:
‘Mong sao con sẽ khỏe mạnh hơn trong năm mới, mong sao!’
Buổi chiếu phim cuối cùng của năm 2017 ở viện Huyết học
Sau khi chuẩn bị tươm tất cơm nước cho chồng và con gái nhỏ, dù trong ngày cuối cùng của năm nhưng chị Cẩm Bào vẫn không nỡ bỏ lỡ một buổi chiếu phim đặc biệt.
Chị Cẩm Bào bị ung thư vú cách đây 5 năm, đã bị mất đi một phần cơ thể, rồi khi bị di căn xương chậu không thể đi lại được, thậm chí đã chết lâm sàng thì chị vẫn không muốn đầu hàng số phận.
Một năm qua chị vẫn kiên trì điều trị hóa chất, vẫn dành thời gian và sức lực để đến với bao đồng bệnh trong các hoạt động giao lưu, thiện nguyện.
Song song với hoạt động tặng xe lăn cho một số bệnh viện ung bướu ở Hà Nội, Huế..., chị Cẩm Bào và câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện Hoa Ưu Đàm còn thường xuyên tổ chức chiếu phim tại khoa Nhi bệnh viện K Trung ương cơ sở Tân Triều và gần đây là Khoa Bệnh máu Trẻ em – Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương.
Ngày 31/12/2017 chính là buổi chiếu phim lần thứ 3 và là buổi chiếu phim cuối cùng của năm 2017 tại đây.
Ngồi ở hàng ghế đầu là bé Hạng Thị Do, 9 tuổi người dân tộc H'mông. Từ đầu đến cuối Do không rời mắt khỏi bộ phim hoạt hình vui nhộn 'Hãy đợi đấy!'.
Chị gái Hạng Thị Tùng 13 tuổi là người luôn bên cạnh chăm sóc cho Do ở bệnh viện trong suốt hơn 1 năm qua cũng rất thích xem phim.
Tùng kể, đi chăm em ở bệnh viện đợt này đã là đợt thứ 4 rồi, nghĩa là em đã qua được 4 lần hóa chất. Nhớ bố mẹ, nhớ thôn bản lắm nhưng phải tạm quên đi vì muốn em khỏe mạnh hơn.
Dịp này ở Sapa quê của hai chị em Tùng, Do vui lắm. Thường sẽ mổ lợn, gói bánh chưng. Hai chị em thích được mặc đồ đẹp đi chơi với các bạn trong bản mà đành phải hẹn năm sau.
'Đây là buổi thứ 3 con được xem phim. Con thích lắm vì phim hay và vui. Con muốn được xem nhiều lần nữa.' - Do vui vẻ 'phản hồi' ở cuối buổi chiếu phim.
Ngồi ở dãy ghế sau cùng, chị Cẩm Bào lặng lẽ ngắm nhìn những gương mặt chăm chú, những cái há hốc miệng ngạc nhiên thích thú của bao em bé mà cảm thấy lòng ấm áp. Chị yêu các em nhỏ ở đây như yêu con gái nhỏ của mình, chị thương các em như thương chính mình.
Với chị Cẩm Bào, đây là những giây phút ý nghĩa để tiễn năm cũ và chào đón năm mới. Chị có thêm động lực để sống khỏe hơn, sống tốt hơn.
Cầu mong năm cũ kết thúc cũng là lúc sẽ qua đi bao mất mát, bao nỗi buồn đau của bao người bệnh, để rồi nhường chỗ cho những hy vọng, những lạc quan.
Sẽ là những nụ cười thật sự hạnh phúc, thật sự tươi sáng trong năm mới 2018 này.