Có cha mẹ vội vàng cho con là ‘hỗn láo’ khi trẻ có những biểu hiện cảm xúc tiêu cực như cáu giận, đánh bố mẹ. Có cha mẹ cố tình ‘lờ đi’…
Gia Đình Mới xin giới thiệu bài viết của chị Nguyễn Thị Thu, một bà mẹ Việt ở Nhật Bản, với nhiều kinh nghiệm thú vị để xử lý tình huống này.
Nguyễn Thị Thu tốt nghiệp cử nhân ngành Khoa học Hệ thống cộng sinh tại trường Đại học Fukushima (Nhật Bản).
Sau đó, cô hoàn thành chương trình tiến sĩ chuyên ngành Môi trường bền vững tại Đại học Tsukuba, tỉnh Ibaragi.
Năm 2013, cô tốt nghiệp chương trình thạc sĩ chuyên ngành Khoa học môi trường tại Đại học Tsukuba, tỉnh Ibaragi.
Cô thường có các bài viết về chăm sóc, giáo giục trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, nhà trẻ trên trang Facebook cá nhân.
Các bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kinh nghiệm thực tế của một bà mẹ Việt có con nhỏ và những kiến thức được tìm hiểu bài bản về phong cách giáo dục trẻ em của Nhật Bản.
‘Thừa nhận cảm xúc của con’ ngay từ khi con 1 tuổi
Có lần mình với Bon đi taxi, lúc ấy Bon đang rất cáu và khó chịu vì phải chờ đợi mẹ quá lâu. Anh tài xế hỏi mình ‘Bé nhà chị có vẻ hay cáu nhỉ’. Mình bảo ‘À, cháu đang khó chịu vì phải ngồi đợi mẹ lâu quá đấy’.
Bon cáu kỉnh: ‘Con không yêu mẹ, con không thích chú’.
Mình vẫn nhẹ nhàng: ‘Mẹ xin lỗi đã để Bon phải đợi nhé. Mình nói thế chú lái xe sẽ buồn đấy. Ừ, tạm thời con có thể không thích bất cứ ai lúc này cũng được.’
Mình vẫn thường cho Bon là con có quyền không thích bất cứ ai trong 5 phút, không sao cả, vì người lớn hay trẻ con đều có quyền đó mà, quyền được ở một mình, được xả cảm xúc để trở nên bình tĩnh hơn.
‘Nhưng chỉ không thích mẹ trong 5 phút thôi rồi mình lại giảng hòa nhé’.
Anh tài xế hỏi tiếp: ‘Khi bé cáu thì có hay ném đồ không chị, chứ con nhà em giờ mới hơn một tuổi rưỡi nhưng lúc nào cáu lên không thích là cầm đồ ném. Mẹ nó quát, đe nẹt mãi mà nó vẫn chưa chừa chị ạ’.
Đây là câu mình rất hay được hỏi, và cũng chứng kiến rất nhiều. Đó là trẻ có hành động hư và người lớn ra sức quát nạt, đe dọa để đứa trẻ dừng lại. Hoặc khi đứa trẻ nổi cáu chúng cào mặt mẹ, đánh mẹ.
Mình trả lời: ‘Đối với con trẻ chúng chỉ có cách thể hiện cảm xúc của mình thông qua hành động hoặc là lời nói. Như bé nhà anh thì chưa biết nói nên sẽ dùng hành động, còn bé nhà em đã hơn 3 tuổi biết nói rồi thì thể hiện qua lời nói, cử chỉ’.
Để đứa trẻ có thể kiềm chế được cơn tức giận, buồn bực, khó chịu như một người trưởng thành là cả quá trình trẻ cần có thời gian trải nghiệm rồi mới tự đúc rút ra cho mình, và trong quá trình ấy rất cần ba mẹ làm là thừa nhận cảm xúc và dạy con những hành vi đúng đắn.
Đến người lớn cũng đã trải qua con đường trẻ đã đi mà còn không kiềm chế được cảm xúc, huống hồ con trẻ mới chỉ là những búp non chập chững vào đời.
- Bước 1: Điều quan trọng nhất khi này không phải là cấm đoán mà chính là sự thừa nhận cảm xúc ấy của trẻ. Và nói thay cho trẻ cảm xúc ấy để dạy trẻ cách diễn đạt
Ba mẹ biết là con đang nổi cáu.
Ba mẹ biết là con thích chơi cái này.
Ba mẹ biết con đang rất buồn…
- Bước 2: Sau đó sẽ nói cho trẻ hậu quả của hành động ấy, nếu trẻ làm như thế thì sẽ gây ra hậu quả gì, có ảnh hưởng gì đến người xung quanh, và cảm xúc của ba mẹ sẽ ra sao.
Nhưng con ném đồ thì đồ chơi sẽ rất đau.
Mẹ không vui khi con ném đồ chơi như thế.
Con nói như thế thì mẹ rất buồn
Con nói như thế thì mọi người đều không vui.
Con làm bẩn như thế bác lao công lại mất công dọn đấy
- Bước 3: Cuối cùng mới đưa ra những lời khuyên, hình phạt với trẻ tùy vào hoàn cảnh
Nếu con ném đồ chơi thì mẹ sẽ cất đồ chơi này đi, và con không được chơi trong 1 tuần (ba mẹ nghiêm túc thực hiện đúng lời nói).
Với những gì liên quan đến sự an toàn của tính mạng hay ảnh hưởng đến người khác thì ba mẹ cần ngồi ngang tầm, nhìn vào mắt trẻ để nói một cách rõ ràng với giọng nghiêm túc những thông điệp ấy ‘Con không được ném đồ chơi nữa nhé. Con không được bẻ cành cây. Con không được nhảy thình thình trong thang máy Bon nhé’.
Khi con đánh mẹ, nói ‘Không yêu mẹ’ - mẹ cần hiểu đúng thông điệp của bé
Đây là tình huống mà hầu như ba mẹ nào cũng gặp phải. Giai đoạn bé tầm 2-3 tuổi khi không kiềm chế được cảm xúc cáu giận, bực tức vì ba mẹ không chiều theo ý mình là bé sẽ đánh, cào cấu. Mình cũng từng trải qua mấy tháng với Bon như thế.
Mình hiểu rằng chỉ là con chưa biết cách kiềm chế cảm xúc, con chỉ biết thể hiện ra bằng hành vi ấy và chưa biết rằng mình đánh mẹ như thế là không được phép.
Thế thì giống như trên, điều đầu tiên vẫn là thừa nhận cảm xúc ‘Mẹ biết con cáu vì mẹ không cho con xem tiếp video đúng không. Nhưng Bon đánh mẹ thì mẹ đau lắm.
Mẹ rất yêu Bon, nhưng con đánh mẹ thì mẹ rất buồn’.
Có 1-2 lần khi Bon cào mặt bạn, đánh bạn mình đã không kiềm chế được, đành cầm bàn tay Bon để tét lên bàn tay: ‘Mẹ đánh vào bàn tay Bon xem con có đau không nhé. Nếu con đau thì bạn cũng đau như thế đấy’.
Nhưng rồi sau đó mình nhận thấy việc mình đánh Bon như thế sẽ không hiệu quả, con không hối lỗi, con lại có thể học tính bạo lực từ hành vi đó của mẹ. Thế nên mình dùng phương pháp đánh vào tâm lí, để Bon dần hiểu rằng mình đánh ai đó, đánh mẹ mà mình yêu quý thì mẹ sẽ buồn, từ đó Bon không đánh mẹ nữa.
Quả thật, giai đoạn Bon đánh mẹ chỉ kéo dài 2-3 tháng là hết, đánh bạn chỉ kéo dài nửa năm là dần dần con biết học cách điều chỉnh hành vi của mình. Để học được điều ấy đứa trẻ phải tốn cả 3-4 tháng, thậm chí là mất cả 1 năm.
Vì thế nếu có lời khuyên nào với các ba mẹ mình đều muốn nói rằng hãy thừa nhận và kiên nhẫn chờ đợi con. Rồi những cơn phản kháng, những tật xấu cũng sẽ qua đi chứ không bao giờ là kéo dài mãi, nếu ba mẹ ứng xử với con nhẹ nhàng thì chắc chắn con cũng sẽ nhẹ nhàng.
Vì con cái là tấm gương phản chiếu mọi hành vi của cha mẹ mà.
Bon luôn luôn nói ‘không’ ở giai đoạn lên 2 cho đến giờ và chắc sẽ còn tiếp tục thêm vài năm nữa. Nó là bằng chứng của sự trưởng thành nên mình không cảm thấy lo lắng lắm.
Vì chỉ khi đứa trẻ cảm thấy thực sự an toàn chúng mới dám nói ra cảm xúc thật của mình, và ở bên ba mẹ chính là nơi an toàn nhất nên chúng rất muốn được làm ‘nũng’.
Điều mình làm chỉ là chờ đến lúc con bình tĩnh sau câu hét ‘Con không thích’ để đồng cảm: ‘À, con không thích đúng không…’. Ngay cả khi Bon nói ‘Con ghét mẹ’, mình vẫn luôn nói: ‘Nhưng mẹ rất yêu Bon đấy’.
Bởi vì câu ghét ở đây chỉ mang thông điệp là: Con cần mẹ thấu hiểu con, chứ không phải là ghét thực sự.
Như mẹ Teresa có nói ‘Trái với yêu thương là không quan tâm’, chứ trẻ luôn bày trò để ba mẹ quan tâm đến mình là vì chúng vô cùng yêu thương cha mẹ.
Thừa nhận còn là chấp nhận sự yếu đuối của trẻ, cho trẻ được cơ hội giải tỏa cảm xúc và trải nghiệm ‘A, mình làm được rồi!’ thật nhiều.
Bé nhút nhát ở chỗ đông người: đừng vội la mắng
Rất nhiều mẹ cũng hỏi mình sao con đi chỗ đông người lại rất nhút nhát mà ở nhà thì nói chuyện líu lo. Mình từng chứng kiến nhiều ba mẹ lại la mắng con ‘Có gì đâu mà nhút nhát’.
Ngoài ra nó cũng có thể đến từ một phần tính cách của bé có thể thuộc tuýp trẻ luôn căng thẳng.
Điều mà ba mẹ có thể làm để giúp trẻ giảm bớt sự căng thẳng và bất an trước môi trường lạ đó là:
- Hãy dẫn trẻ đến những nơi trẻ thích, và những nơi để trẻ tăng cơ hội giao tiếp với nhiều người. Mục đích là để trẻ có thể trải nghiệm thêm nhiều cơ hội ‘không sao đâu, con có thể làm được’.
Không cần ép buộc ngay mà hãy để trẻ tự mình nhận ra sau mỗi trải nghiệm ‘Vui quá. mình làm được rồi’. Điều này cũng luôn đúng với những trẻ không chịu chào hỏi.
Ba mẹ chỉ cần làm mẫu, sau đó sẽ khen ngợi trước mỗi sự cố gắng nhỏ của trẻ như ‘hôm nay con đã biết nhìn người đối diện khi chào rồi đấy’.
- Khóc là cách để giải tỏa cảm xúc nên hãy đồng cảm với cảm xúc của trẻ.
- Hãy cho trẻ vẽ tranh. Đưa hộp bút và tớ giấy rồi hỏi con cảm thấy thế nào, hãy vẽ lại những cảm xúc của con cho mẹ xem nhé!
- Rất cần sự kiên nhẫn và hành động của ba mẹ trong một thời gian dài để bé có thể thay đổi được tính cách đó của mình.
Cuộc đời này, điều con cần nhất chính là sự thừa nhận. Trong những năm tháng đầu đời đó là thừa nhận những cảm xúc của con.
Qua những tháng ngày lớn lên cùng con đây là bài học rất lớn mình đã học được. Để rồi sẽ còn rất nhiều những bài học về sự thừa nhận sau này.
Vì sao trẻ con ở Việt Nam thường hay bắt ba mẹ phải bế, ăn vạ, khóc lóc chốn đông người?
Chính vì người lớn chưa bao giờ thừa nhận những nhu cầu về cảm xúc của trẻ cả. Chính là cách ứng xử của người lớn thiếu đi một bước của sự thừa nhận-đón nhận những cảm xúc ấy của trẻ, nên trẻ mới trở nên phản kháng và cáu kỉnh, khóc lóc ăn vạ như vậy. Còn cha mẹ Nhật lại rất tâm lí trong việc ứng xử điều này với con trẻ.
Thừa nhận cảm xúc của trẻ, phân biệt giữa nhu cầu được chiều chuộng về cảm xúc và sự nuông chiều thái quá chính là cách ửng xử tinh tế mình đã học được từ ba mẹ Nhật.
Khi Bon đòi bế mình vẫn thừa nhận cảm xúc bằng cách ôm con, bế con lên một chút.
Sau đó mình sẽ lựa cách 'Ôi mẹ nặng quá. Bon tự đi bộ giúp mẹ nhé' rồi giả vờ thả tay cho cu cậu tụt xuống vì nặng.
Thường thì Bon chỉ đòi hỏi bế một chút xíu thôi rồi sau đó sẽ chịu khó đi bộ, khi ấy mình mỉm cười khen ngợi con: 'Cảm ơn Bon nhé!'