Trẻ con Nhật có khả năng kiềm chế cảm xúc và hành động rất tốt ở chốn đông người. Các bé cũng rất tự lập và thường được khen chín chắn, già dặn so với tuổi.
Cùng Gia Đình Mới tìm hiểu bí quyết dạy con thông thái của mẹ Nhật.
Dạy con theo kiểu gần gũi
TS Heidi Keller, giáo sư tâm lý học của Đại học Osnabrück đã chia ra hai cách dạy con: gần gũi và giữ khoảng cách.
Về khái niệm, dạy con theo kiểu gần gũi liên quan đến việc người mẹ thường xuyên ôm con và ở bên con, trong khi dạy con kiểu giữ khoảng cách chú trọng đến việc giao tiếp bằng mắt, biểu cảm khuôn mặt và lời nói giữa cha mẹ và con cái.
Dạy con theo kiểu gần gũi là cách mẹ Nhật áp dụng. Họ ngủ chung, tắm chung và chơi những trò chơi để mẹ và bé gần gũi hơn.
Mẹ Nhật rất chủ động đoán biết nhu cầu của trẻ, tránh để trẻ khóc ăn vạ. Với người mẹ Nhật, nhu cầu của con được đặt lên hàng đầu và những gì đứa trẻ cần cũng trở thành những thứ mẹ cần.
Phụ nữ Nhật cũng thường xuyên ở bên con, ít nhất là trong 2 năm đầu đời. Thực tế, một cuộc điều tra cho thấy, mẹ Nhật chỉ xa con trung bình 2 tiếng/tuần, trong khi mẹ Mỹ xa con khoảng 24 tiếng/tuần.
Ở Nhật, những việc như thuê người giúp việc, hai vợ chồng đi xem phim và nghỉ cuối tuần cùng nhau rất hiếm và khó chấp nhận.
Dạy con sống tự lập
Tuy dành nhiều thời gian bên con nhưng mẹ Nhật luyện cho con thói quen tự lập từ nhỏ: tự thức dậy, tự làm vệ sinh cá nhân, tự ăn, tự đi bộ đến trường.
Để tạo cho con thói quen tự giác, đầu tiên cha mẹ Nhật đưa ra nếp sinh hoạt gia đình hợp lý, tạo cho trẻ thói quen sinh hoạt khoa học, đưa ra những quy định rõ ràng trong nhà và bố mẹ phải là người đầu tiên tuân thủ những quy định ấy.
Bên cạnh đó, cha mẹ Nhật cảnh báo con những thứ nguy hiểm không được chạm vào và không để chúng gần trẻ. Ứng với mỗi độ tuổi, trẻ học cách sử dụng các loại vật dụng nguy hiểm như dao kéo, v.v.
Người Nhật tin rằng, càng trang bị cho con nhiều kiến thức thì trẻ sẽ càng tự lập và tự tin.
Dạy con sống vị kỷ
Trong khi cha mẹ phương Tây yêu cầu con phải nghe lời (thông qua lời nói và hình phạt), mẹ Nhật lại nói cho đứa trẻ hiểu những việc nó làm ảnh hưởng không tốt đến người khác như thế nào.
Vì thế, từ khi còn nhỏ, trẻ con Nhật được dạy phải luôn nghĩ đến mọi người trước tiên và hành động sao cho không động chạm đến lợi ích và cảm xúc của những người xung quanh, không gây mất hòa khí.
Đó là lý do dù ở đâu: nhà hàng, viện bảo tàng, trung tâm mua sắm, trên đường phố hay toa tàu điện ngầm đông đúc, bạn sẽ nhận ra trẻ con Nhật luôn giữ trật tự và ngồi yên, không nghịch ngợm.
Không kỷ luật hoặc mắng mỏ con chốn đông người
Nếu một đứa trẻ Nhật quấy khóc ở nơi công cộng, ví dụ khi đang đi tàu điện ngầm, cha mẹ đứa bé sẽ xuống tàu điện, tìm một góc khuất rồi bắt đầu nói chuyện nhẹ nhàng với con.
Cha mẹ Nhật không kỷ luật hay la mắng con chốn đông người – đó là cách họ giữ thể diện cho con cái và cho chính mình.
Trong tiếng Nhật, 'kỷ luật' là 'shitsuke' - từ này dịch ra cũng có nghĩa là 'đào tạo' hoặc 'nuôi dạy'. Cha mẹ là tấm gương để con cái học tập, vì thế cách họ gặp riêng để bảo ban con cũng dạy cho con nhiều điều hơn là to tiếng trước mặt nhiều người.
Quỳnh AnhBạn đang xem bài viết Những cách dạy con khiến cả thế giới ngưỡng mộ của phụ nữ Nhật Bản tại chuyên mục Dạy con của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].