Chị Nghiên (ở Trung Quốc) là một người phụ nữ với tư tưởng hiện đại, từ khi có con, chị luôn muốn nuôi con theo những phương pháp tiến bộ mà nhiều bà mẹ khác vẫn áp dụng.
Chưa từng nghĩ rằng việc để bố mẹ chăm sóc con cái thay mình là một điều đương nhiên. Nhưng sự có mặt của mẹ chồng khiến cuộc sống và các kế hoạch của chị đảo lộn.
Mẹ chồng chị Nghiên là một bà nội trợ vô cùng truyền thống, thích dọn dẹp, thích sạch sẽ và ưa phàn nàn.
Với tiêu chuẩn của một người phụ nữ nội trợ truyền thống, mẹ chồng chị Nghiên cảm thấy khả năng làm nội trợ của chị Nghiên rất kém.
Trong công việc gia đình cũng như cách dạy con đều ‘chướng mắt khiến bà không muốn cũng phải động tay vào’.
Do đó, chị Nghiên không chỉ tốn công sức chăm sóc con, mà còn tốn nhiều công sức hơn nữa để giải quyết mối quan hệ trong nhà.
Dù chỉ là những chuyện nhỏ như con có cần đi vệ sinh hay không, có cần dùng gối hay không, mặc mấy cái áo, uống thuốc gì đều phải tranh cãi với mẹ chồng.
Chị Nghiên muốn dạy con theo phương pháp tiến bộ, con sai phải chịu phạt, rèn cho con tính độc lập... Nhưng mẹ chồng chị vì thương cháu, cộng thêm quan niệm cổ hủ, luôn chiều cháu và muốn giành hết mọi việc nuôi cháu về phía mình.
Khi nảy sinh bất đồng ý kiến, mẹ chồng chị lại làm quá lên rằng con dâu không coi mình ra gì, không coi mình ra gì nghĩa là không coi con trai mình ra gì.
Mẹ chồng chị Nghiên quan niệm, con cái là vật sở hữu của bố mẹ, vợ là vật sở hữu của chồng. Vì thế vợ của con trai mình đương nhiên cũng thuộc sự chi phối của mình.
Việc mẹ chồng và con dâu sống chung với nhau, mọi việc đều phải nghe theo mẹ chồng là lẽ đương nhiên.
Chị Nghiên vì để giữ hòa khí, cái gì nhịn được thì nhịn, kết quả, mẹ chồng càng được thể tìm con trai nói chuyện, khóc lóc, nói rằng bản thân không được con dâu chấp nhận, bị khinh thường.
Chồng chị Nghiên chỉ nghe những lời phàn nàn của mẹ, dần dần cũng bất đồng ý kiến với chị nhiều hơn, quan hệ của hai người ngày càng lạnh nhạt.
Mâu thuẫn không chỉ dừng ở đấy. Sự lạnh nhạt ngày càng tăng và những lời phàn nàn không dứt của mẹ chồng còn khiến chị Nghiên nghĩ đến chuyện ly hôn.
Mâu thuẫn trong cách giáo dục con, trong cách sống giữa chị và mẹ chồng gây ra nhiều vấn đề, từ đó trở thành mâu thuẫn trong cả gia đình.
Một gia đình vốn dĩ ấm áp bỗng trở thành một ‘cuộc chiến’, tạo ra khoảng cách và căng thẳng giữa chính những người thân trong nhà.
Trong cuộc sống, những câu chuyện như vậy diễn ra không ít, có nhiều bố mẹ sẵn sàng giúp con cái chăm sóc cháu.
Ngoài tình yêu với con với cháu, trong thâm tâm họ còn mong muốn thông qua việc chăm sóc cháu để thấy mình còn có ích và có ‘quyền lực’ trong gia đình.
Tâm lý này không tránh khỏi những sự bất đồng và kiểm soát quá mức đối với gia đình của con. Bố mẹ tuy có mục đích tốt, nhưng không phải mục đích tốt nào cũng mang lại kết quả tốt.
Việc một người con dâu, một người mẹ chồng vốn dĩ chẳng có quan hệ máu mủ bỗng dưng trở thành một trong những người thân nhất trong gia đình là một điều mà không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận.
Nhưng vì hạnh phúc gia đình và sự phát triển con cái, hãy tìm cách thông cảm cho nhau để tình cảm gia đình thêm hạnh phúc, bền chặt.
Lam ĐiểuBạn đang xem bài viết Khi mẹ chồng và nàng dâu mâu thuẫn trong cách nuôi dạy con tại chuyên mục Dạy con của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].