Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

5 bài học cần dạy con ngay để không bao giờ phải ‘đăng tin tìm trẻ lạc’

Những bài học an toàn như ‘Khi con bị lạc, con cần làm gì?’ là điều không bao giờ quá sớm để dạy con. Hãy tìm cách truyền đạt phù hợp để bé hiểu về kỹ năng này ngay ở độ tuổi mầm non.

37057896125_525759f8d2_z

 Trẻ thường lơ đễnh nên nếu cha mẹ không để ý vài giây thì việc các em bị lạc ở chỗ đông người có thể xảy ra 

Nguyên tắc bất di bất dịch là trẻ mầm non đi đâu cũng cần cha mẹ, người lớn đi cùng. Tuy nhiên, những trường hợp lạc mất con vẫn thường xuyên xảy ra, khi cha mẹ chỉ lơ đãng vài giây. Để cơn ác mộng mang tên ‘đăng tin tìm trẻ lạc’ không bao giờ xảy ra với gia đình mình, hãy dạy trẻ 5 bài học đơn giản sau.

1. Dạy con ‘Không đi theo, nói chuyện với người lạ’ là hoàn toàn sai lầm

Hiện nay hầu hết cha mẹ dạy bọn trẻ không bao giờ đi theo người lạ, thậm chí không nói chuyện với người lạ để không bị lạc, bị bắt cóc. Nhưng đó là cách dạy hoàn toàn sai lầm.

Khái niệm ‘người lạ’ với một đứa trẻ mầm non hoàn toàn mù mờ. Bọn trẻ thường đồng nhất ‘người lạ’ là người xấu, tồi tệ, đáng sợ. Vì thế, một người bề ngoài ‘có vẻ’ thân thiện thì chúng hoàn toàn không đề phòng.

Thay vì đưa cho con một khái niệm không rõ ràng, cha mẹ cần dạy trẻ: ‘Tuyệt đối không đi đâu mà không xin phép cha/mẹ’. Đây là bài học chúng ta cần nhắc trẻ ngay từ khi bé có thể hiểu về sự an toàn. Cần nhắc đi nhắc lại bài học này một cách rõ ràng và dễ hiểu.

tre bi lac_2

 Dạy con biết tên thật của bố mẹ để được giúp đỡ khi bị lạc

2. Dạy trẻ biết tên thật của bố mẹ

Một đứa trẻ bị lạc thường vừa khóc vừa gọi ‘Mẹ ơi!’. Khó lòng nhận ra tiếng của bé giữa một đám đông.

Trẻ mầm non cần được cha mẹ dạy họ tên đầy đủ của cha mẹ. Bé cần hiểu rằng, khi bị lạc, phải gọi: ‘Mẹ Hà ơi!’, ‘Mẹ Dung ơi!’... và nói tên đầy đủ của cha mẹ cho những người giúp đỡ.

Nhiều bố mẹ lo sợ rằng khuyến khích trẻ hét, gọi to để nhờ người giúp đỡ sẽ khiến bé thành ‘mồi ngon’ cho những kẻ có ý định bắt cóc. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn không diễn ra như vậy.

Những kẻ bắt cóc thường tìm kiếm những đứa bé đi một mình, không thu hút sự chú ý của bất kỳ ai. Một đứa trẻ đang gào khóc gọi mẹ giữa chỗ đông người quá nguy hiểm để chúng dám tiếp cận.

3. Dạy trẻ nhờ sự giúp đỡ của các bà mẹ khác

Nếu con bạn bị lạc, đã gọi tên mẹ nhưng mẹ không biết để tìm, bước tiếp theo bé cần làm là nhờ sự trợ giúp.

Đây lại là một lý do nữa khiến bạn không nên dặn con ‘Tuyệt đối không nói chuyện với người lạ’.

Trẻ ở lứa tuổi mầm non có thể được dạy: khi bị lạc hãy tìm sự trợ giúp của các bà mẹ khác (người đang có con nhỏ đi theo).

Trẻ lớn hơn có thể biết nhờ công an, bảo vệ giúp – nhưng nhiều bé mầm non không thể phân biệt những người này với những người mặc quần áo thông thường.

Một cách lo gic, các bà mẹ với con nhỏ đi cùng là an toàn nhất. Các bà mẹ sẽ nhiệt tình dành nhiều thời gian cho việc giúp đỡ trẻ đi lạc hơn so với các ông bố vì các ông bố dễ bị ‘nghi ngờ’ có dụng ý xấu.

Tất nhiên, bài học số 1 và số 2 vẫn cần thiết. Hãy dạy trẻ khi bị lạc thì đứng im tại chỗ đang đứng, hét gọi tên mẹ và nhờ những phụ nữ ở gần giúp.

37057890355_063c629d22_k

 Trẻ đơn độc, không ai để ý dễ gặp nguy hiểm hơn là một bé đang gào khóc thu hút sự chú ý của mọi người

4. Thường xuyên nói về sự an toàn

Một trong những khó khăn lớn nhất đe dọa sự an toàn của trẻ là cha mẹ không biết làm cách nào để dạy trẻ về chủ đề khá trừu tượng này.

‘Phòng bệnh hơn chữa bệnh’, câu này hoàn toàn đúng với việc dạy trẻ về kỹ năng khi bị lạc. Trong cuộc sống hàng ngày, tốt nhất hãy thường xuyên nói với con một cách bình tĩnh, đúng mực về các nguyên tắc đảm bảo an toàn.

Bạn không cần phải dạy trẻ rằng những gì có thể khiến bé tổn thương, cách dạy này vừa mơ hồ vừa khiến trẻ có những nỗi sợ hãi không đáng có. Hãy dạy trẻ dần dần, từng chút một những ‘nguyên tắc’ rõ ràng, dễ hiểu để bé chủ động đề phòng tình huống xấu.

Ví dụ, ở giữa một siêu thị đông người, hãy hỏi đứa con 3 tuổi của bạn: ‘Con sẽ làm gì nếu con không nhìn thấy mẹ?’. Sau đó, gợi ý cho con những bước đơn giản để có sự giúp đỡ.

Điều quan trọng nhất, khi nói với trẻ mầm non về chuyện bị lạc, là luôn luôn khẳng định: ‘Nếu con bị lạc, mẹ sẽ tìm được con. Con chỉ cần bình tĩnh, làm theo đúng những gì mẹ đã dặn’.

5. Trò chơi đóng vai

Khi giải thích với một đứa trẻ về vấn đề gì đó, bạn có thể rơi vào vòng luẩn quẩn những câu hỏi ‘Tại sao’.

‘Tại sao con nên gọi tên mẹ?’ – ‘Để mẹ tìm được con’... ‘Tại sao mẹ phải tìm con?’... ‘Vì con bị lạc’... ‘Tại sao con bị lạc’... Ahhhh đến đấy chắc các mẹ sẽ ‘đuối’ vì giải thích.

Một cách đơn giản hơn để xử lý vấn đề là thông qua trò chơi đóng vai. Tuy nhiên, trẻ con độ tuổi này rất dễ bị tổn thương, vì vậy việc ‘diễn tập’ cần hướng đến khía cạnh tích cực để xử lý vấn đề chứ không phải theo cách gây cho trẻ sự sợ hãi.

Ở nhà hoặc thậm chí ở những không gian công cộng an toàn (như sân trường học, sân khu chung cư), hãy để cho con ‘giả vờ’ như bị lạc mất mẹ. Sau đó, con có thể làm theo các bước đã được hướng dẫn: đứng im một chỗ và gọi tên mẹ.

Nên có một người phụ nữ quen thuộc tham gia cùng để trẻ thực tập cách nhờ một bà mẹ khác giúp đỡ.Những bà mẹ có con nhỏ đi cùng thường dễ giúp đỡ trẻ bị lạc

36869777626_3097f12097_z

Trẻ bị lạc nên nhờ một bà mẹ khác giúp đỡ

Theo thống kê của Văn phòng Tư pháp vị thành niên và phòng chống tội phạm Hoa Kỳ, ở nước này cứ mỗi 40 giây lại có 1 trẻ em mất tích. Mỗi năm có 115 trẻ em ở Mỹ bị bắt cóc và không trở về với gia đình.

Các bà mẹ ở Mỹ đã có nhiều chia sẻ trên mạng xã hội về ‘mẹo’ để đề phòng con bị lạc. Một số sáng kiến là: viết số điện thoại vào bên trong giầy của con, đeo thẻ tên cho con – có ghi đầy đủ tên cha mẹ, địa chỉ nhà, dạy con dùng còi thổi to lên khi bị lạc...

Phương Phương/giadinhmoi.vn

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO