Khai giảng, đừng quên những nơi trường sập, nhà trôi không có 'ngày hội đến trường'

Khi hàng triệu học sinh đến trường khai giảng thì vẫn có rất nhiều em bé ở vùng vừa bị thiên tai, bão lũ không có lễ khai giảng vì trường sập, nhà trôi.

Hôm nay là ngày khai giảng 5/9, ngày trẻ em nô nức đến trường bắt đầu một năm học mới. 

Sáng khai giảng, con gái rạng rỡ theo ba đến trường không quên giao hẹn chiều mẹ đón. Con được học một ngôi trường xinh đẹp giữa Thủ đô và mẹ khá hài lòng.

Ảnh: Tú Anh

Nhưng mới chỉ hai ngày trước, chúng ta đi ra từ vùng lũ, chính là quê ngoại, nơi mà nhà của bạn mẹ ngập đến mái, trường của bạn mẹ chỉ toàn bùn.

Nhà ông bà ta may mắn không ngập nhưng chúng ta đã sống cùng nỗi lo sợ của tất cả mọi người khi mà mưa đã ngưng, trời đã nắng nhưng nước sông vẫn cứ dâng cao trông thấy theo nguồn xả thủy điện, khi mà những ngôi nhà có thể bị cuốn phăng đi bất cứ lúc nào, khi mà chỉ cần đưa mắt nhìn xa dăm mét quanh huyện là có thể thấy nước trắng mênh mông, khi mà bà ngoại con về nhà và vừa mới mang theo tin đã có người mất tích theo dòng lũ và người đó là người mẹ quen...

Ông ngoại đã đưa con ra cây cầu Hồ Chí Minh vững chãi bắc qua sông Mã, để con thấy nước hung hãn chảy, tràn lên xóm làng, ngập quá cả chiều cao của lưới đánh bóng chuyền nơi ông bà vẫn giao lưu với các bạn...

Khi chúng ta nghe qua đài báo, thiên tai rất khủng khiếp, là điều gì đó không thể tin nổi, ta đau xót đến mức phát khóc, chẳng dám xem tin tức. Nhưng khi chúng ta sống trong vùng lũ, mọi chuyện đến một cách tự nhiên, là mất mát trong tầm mắt và dẫu nó to lớn đến đâu, ta không thể không bình thản đón nhận.

Sau khi con đến trường, bạn mẹ, là giáo viên, nhắn tin rằng khai giảng mà cô ấy chỉ muốn rơi nước mắt vì ở đó học sinh không có “ngày hội đến trường” - như ai đó nói, trường thì sập, nhà thì trôi, khai giảng nỗi gì.

Con lại gì đây sau cơn lũ? Nậm Ngà một trong những điểm trường khó khăn nhất của Mường Tè - Lai Châu. (Ảnh minh họa) Nguồn: FB Nguyễn Long Khánh

 

Trong khi con được vui vẻ đến trường, thì có nhiều nơi phải cố gắng rất nhiều mới có thể tổ chức buổi khai giảng cho các bạn. Ảnh minh họa: Nậm Ngà một trong những điểm trường khó khăn nhất của Mường Tè - Lai Châu Nguồn: FB Nguyễn Long Khánh

Một bạn khác của mẹ cũng làm giáo viên và còn hoạt động Đoàn rất mạnh đã nhanh chóng quyên góp được mấy chục thùng sách vở, dự định hỗ trợ cho học sinh vùng lũ nhưng đã bị từ chối sách. Họ trả lời rằng học sinh đã đủ sách.

Trong khi đó bạn cho biết cháu bạn ấy ở chính nơi đó được bà dẫn đi mua sách cho kịp khai giảng nhưng vẫn chưa đủ. Và đó là nhà ở thị trấn - có chút điều kiện và đỡ thiệt hại hơn nhiều lần những xã vùng sâu xa, khó khăn khác. Mẹ không biết phía sau lời từ chối đó là gì, chỉ biết sách đã không đến với người cần chúng.

Nhiều người đã nói về hệ luỵ của hoạt động từ thiện và mẹ không phải là người đặt niềm tin rằng những vấn đề xã hội sẽ được giải quyết thông qua hoạt động này. Nhưng có những việc mà người tốt cần làm. Việc bạn mẹ làm là cần thiết và mẹ sẽ chung tay với họ. Vì mẹ hiểu cảm giác bất lực, buông xuôi của những người “không biết chạy đi đâu”.

Con à, khi con lớn lên, có thể con không hăng hái với những hoạt động thiện nguyện, chỉ cần con không phải là người nói lời từ chối với những ai cần giúp đỡ. Như thế dù là ngày lễ hay ngày thường cũng đều sẽ là ngày hội với con.

Chỉ cần con luôn nhớ trái tim mình ấm áp, chỉ cần con không phải là người nói lời từ chối với những ai cần giúp đỡ. Như thế dù là ngày lễ hay ngày thường cũng đều sẽ là ngày hội với con. Ảnh: Tú Anh.

Cao Phượng Diễm/GIADINHMOI.VN


Tin liên quan