Từ năm thầy 5, 6 tuổi, mẹ đã bắt thầy phụ rửa chén. Thầy chưa biết rửa nên mẹ bày chơi trò chơi “Ngăn Nắp”, mẹ gieo vào đầu thầy rằng ai ngăn nắp là người dễ thương. Thế là hai mẹ con cùng chơi trò ngăn nắp, mẹ rửa chén, con úp chén.
Rồi mẹ cho thầy tập làm nhiều việc khác: lau nhà, dọn cơm, cho chó ăn, giặt đồ, nấu đồ ăn, sửa đồ hư, đi siêu thị sắm đồ, lau nhà vệ sinh…Tuy còn nhỏ, nhưng mẹ đều tập cho thầy làm quen công việc trong nhà. Mẹ dạy rằng, học làm người thì phải học lao động tốt.
Năm thầy lớp 6, mẹ dắt thầy lên chùa phụ làm công quả. Các cô ai cũng khen thầy sao còn nhỏ mà biết làm việc phụ bếp giỏi thế. Cuối giờ mẹ dặn, muốn giỏi là phải siêng năng nhưng phải biết khiêm tốn, khiêm tốn mà vẫn mang phong thái tự tin.
Từ lớp 6 đến lớp 9, mẹ cho thầy học Vovinam, một môn võ mà thầy rất yêu thích, thầy có nhiều bạn bè, có cơ hội trình diễn võ thuật với nhiều người. Chính điều đó hun đúc sự dạn dĩ, mạnh mẽ trong tính cách của thầy.
Năm lớp 9, mẹ cho thầy vào cung văn hóa thiếu nhi, học ngoại ngữ, chơi thể thao, chỗ nào nhiều người hoạt náo, mẹ dắt thầy vào hết. Mẹ còn dẫn thầy đi làm từ thiện, cho thầy thấy nhiều mảnh đời thiếu may mắn cần được yêu thương.
Từ lớp 6 đến lớp 12, dù trường xa nhà gần 10km, đi ngược chiều gió biển Nha Trang, mẹ vẫn không chở thầy đi học, mẹ nói: "Con trai, muốn khỏe muốn mạnh, muốn vạm vỡ không?" "Dạ con muốn!" "Vậy con tự đạp xe đi học! Mẹ không chở nhé".
Lúc đầu thầy không vui chút nào, nhưng nhờ thế, cả thành phố Nha Trang trong vòng 6 tháng, một cậu học sinh nhỏ nhắn đã thông thạo đường đi nước bước.
Với tập tính đó năm 18 tuổi thầy lên Sài Thành học đại học. Cậu bé ấy tự thi, tự học, tự tìm phòng trọ, cha mẹ có thể hỗ trợ mọi thứ, nhưng muốn con tự nghiên cứu và thực hành và trải nghiệm.
Có thể con sẽ bị lừa, có thể con sẽ gặp cám dỗ, nhưng đã có mẹ, có cha, như hai người bạn thân sẵn sàng lắng nghe ủng hộ phía sau, để đời giúp con trưởng thành mỗi ngày.
Năm nhất mẹ cho 4 triệu tiền ăn học, năm hai mẹ cho 3 triệu, năm ba mẹ cho 2 triệu, năm 4 chỉ còn 1 triệu tiền ăn học, mọi thứ con phải tự lo. Cái năm 18 tuổi mẹ dồn con vào áp lực tài chính như thế.
Mẹ nói, thanh niên phải biết tự học tự làm, con thầm nghĩ mẹ ác lắm. Nhưng nhờ thế mà con có động lực học ngoại ngữ rất giỏi để đi dạy kèm, con đi làm thuê, thi thố tài năng với bạn bè, con không dám la cà, chơi game, đàn đúm, chỉ lo học và lo làm thêm để trưởng thành.
Ra trường con đã thấy mình dạn dĩ cứng cỏi hơn chàng trai 18 chân ướt chân ráo vào Sài Gòn và khởi nghiệp thành công. Chính vì cách nuôi dạy con như Đại bàng của mẹ, con đã vững vàng tự tin như ngày hôm nay.
Đứa em họ, suốt những năm cấp 2, cấp 3 mẹ chở đi, vì sợ con gái ra đường bắt cóc, bị chọc ghẹo, lo trời nắng con đổ bệnh. Đi đâu mẹ em ấy cũng hỏi, làm gì mẹ cha cũng quản, lên đại học thì cha mẹ lo hết, cho ở nhà người quen, việc làm thêm thì cấm.
Tình yêu cũng ngăn cản, năm nó 17 tuổi, nó biết rung động, nhưng thầy thấy cảnh mẹ nó xé toạc tấm thiệp sinh nhật bạn trai cùng lớp gởi tặng. Nó khóc thảm thương. Ngày em nó 22 tuổi ra trường, không dám yêu, không dám xin việc, tự tin yếu kém, vẫn xin mẹ tiền…
Biết nói gì đây? Con cái trở nên như "sản phẩm" của cha mẹ, suy cho cùng con cũng chính là tấm gương phản chiếu cha mẹ rõ ràng nhất. Thầy tin, mỗi bậc phụ huynh sau khi đọc qua sẽ có câu trả lời cho chính mình.
Mong các con luôn khỏe, luôn yêu đời và là những chú đại bàng dũng cảm trong tương lai.
Thầy Tường cảm ơn các bậc phụ huynh đã đọc bài.
Trần Trinh TườngBạn đang xem bài viết Nuôi con như đại bàng, không nuôi gà công nghiệp tại chuyên mục Dạy con của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].