Mọi kế hoạch nghỉ ngơi của Giáo sư Nguyễn Anh Trí bị đảo lộn khi mà chỉ độ 10 - 15 giây lại có tin nhắn từ Facebook, Zalo, Email... hỏi thăm, chia sẻ của mọi người.
Chuyện thường ngày ở Viện
Tại buổi gặp gỡ báo chí vào tối 3/10, Giáo sư Nguyễn Anh Trí đã bày tỏ sự xúc động, sự biết ơn đối với những tình cảm mà bệnh nhân, học trò, nhân viên của mình đã dành cho ông trong buổi chia tay về hưu.
Nhưng Giáo sư Nguyễn Anh Trí cũng nhấn mạnh rằng, ‘hiện tượng tôi về hưu, việc cán bộ, nhân viên, bệnh nhân, học trò chia tay như vậy hết sức vinh dự, cảm động nhưng tôi không ngạc nhiên lắm.
Bởi, thực tế, ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chúng tôi vẫn luôn đối xử với nhau như vậy.
Những dịp lễ tết, sinh nhật tôi, ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày Thầy thuốc Việt Nam… tôi vẫn nhận được những tình cảm, những lời chúc tốt đẹp từ bệnh nhân, nhân viên, học trò của mình.
Chỉ khác là tình cảm riêng lẻ, không tập trung như hôm tổ chức buổi chia tay tôi. Và không được truyền thông quan tâm nhiều như lần này.
Do vậy, nếu các bạn đã quý tôi, yêu tôi, thương tôi thì hãy để mọi việc trở lại đúng mực’.
Chia sẻ về những cảm xúc của mình trong buổi chia tay về hưu, Giáo sư Nguyễn Anh Trí bày tỏ sự xúc động, niềm vui và nỗi buồn chóng vánh.
Ông kể về chuyện mình tối hôm qua đã xốn xang đến mất ngủ khi nghe một cuộc điện thoại của một người không quen.
Người đó đã gọi điện cho ông và nói rằng ‘con không thể nào ngủ được, trong cuộc đời của con, mỗi bước đi, mỗi sự trưởng thành đều hiện hữu bác’.
Hay như chuyện của anh Ngọc, lái xe của Giáo sư Trí đã rơm rớm nước mắt khi biết tin ông sắp nghỉ hưu. Và đến ngày ông chính thức nghỉ hưu đã nhắn tin bày tỏ ‘anh ơi em khóc đây và đêm nay anh cho em khóc trọn đêm để ngày mai em còn nhẹ lòng làm việc’.
Bên cạnh đó là những dòng email đầy cảm động của Th.S-BS Hoàng Thanh Nga (Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương) với nội dung, cả viện bị ‘đau mắt đỏ’ vì khóc, trời ‘buồn’ nên mưa.
Ngoài ra ‘còn rất nhiều những bức thư, bài thơ gửi tặng, những lời chúc, lời động viên, chúc mừng tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của những người bạn quen và không quen làm tôi ứa nước mắt vì hạnh phúc’ – Giáo sư Nguyễn Anh Trí tâm sự.
Cảm ơn bệnh nhân
Để có được những thành công, danh hiệu, cuộc sống ngày hôm nay, Giáo sư Nguyễn Anh Trí vô cùng cảm ơn những bệnh nhân của mình.
Bởi theo ông, ‘nhờ người bệnh mà tôi có cơ hội học tập, thực tế, tích lũy kinh nghiệm… và dần dần có được những thành công như bây giờ’.
Cũng chính vì vậy mà ông luôn yêu quý, coi bệnh nhân là người thân của mình, đối xử với họ hòa nhã, ân cần, tận tình và bằng tình cảm chân thành từ trái tim.
Trong suốt 14 năm lãnh đạo Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Giáo sư Trí cũng nhắn nhủ, truyền tải tình yêu đối với bệnh nhân cho nhân viên trong Viện.
Để họ hiểu được thành công của những người công tác trong ngành y phụ thuộc rất lớn vào bệnh nhân của mình. Do đó phải biết quý mến người bệnh, cứu giúp và tri ân người bệnh.
Công dân gương mẫu, về hưu khi đúng tuổi
Biết tin Giáo sư Trí nghỉ hưu, thôi vai trò làm quản lý, không ít người đã tỏ vẻ tiếc nuối và trách ông sao không xin ở lại thêm để cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội.
Chia sẻ suy nghĩ của mình về vấn đề này, Giáo sư Trí nói: ‘Tôi thôi chức Viện trưởng tức là thôi vai trò quản lý thì rất nhiều ý kiến bày tỏ tiếc nuối, kể cả học trò, bệnh nhân, nhân viên và nhiều người khác.
Thậm chí, có người còn đề nghị thế này, thế nọ, trách tôi sao không xin ở lại thêm để phục vụ đất nước...
Nhưng tôi cũng muốn mọi người chia sẻ và hiểu rõ, đây chỉ là những ý kiến của riêng họ. Tôi cảm ơn và trân trọng những ý kiến đó.
Nhưng, tôi năm nay tròn 60 tuổi và đủ tuổi về hưu theo quy định của pháp luật, của Nhà nước.
Tôi rất vui vẻ, thoải mái và mãn nguyện vì như đánh giá của Bộ trưởng Bộ Y tế là Giáo sư Trí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và tôi cho rằng, mọi người cũng đánh giá như vậy.
Hơn nữa, dù tôi có là ĐBQH, Giáo sư, bác sỹ, anh hùng lao động, công dân ưu tú... thì tôi vẫn là một công dân.
Mà công dân thủ đô ưu tú thì phải gương mẫu và phải chấp hành quy định của Nhà nước. Do đó, tôi nghỉ ngơi một cách thoải mái, vui vẻ và hoàn toàn mãn nguyện với những gì mình đã làm được trong nhiều năm qua.
Và hơn hết, tôi nghĩ rằng một vị trí quản lý tốt nhất nên 2 nhiệm kỳ nếu anh thực sự cống hiến, giỏi thì đã đủ. Còn lại, hãy tạo cơ hội để những thế hệ trẻ cống hiến và phát triển’.
Tiếp tục công việc thiện nguyện
Mặc dù mọi người đều biết rằng Giáo sư Nguyễn Anh Trí bắt đầu nghỉ hưu từ 1/10, nhưng thực tế ông chưa có những giây phút nghỉ ngơi thuộc về mình.
Có quá nhiều sự quan tâm dành tặng ông sau hiện tượng nghỉ hưu đã làm cảm xúc của ông chống chếnh, chao đảo.
Mọi kế hoạch nghỉ ngơi của ông bị đảo lộn khi mà chỉ độ 10 - 15 giây lại có tin nhắn từ Facebook, Zalo, Email... hỏi thăm, chia sẻ của mọi người.
Và để mọi việc trở lại đúng mực, ông quyết định từ Hòa Bình về Hà Nội gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ cảm xúc của mình, đồng thời nhờ giúp đỡ để bớt đi ‘bão mạng’.
Nói về những dự định sắp tới của mình ông cho biết: ‘Tôi sẽ tiếp tục kế hoạch thành lập Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam và Công viên di sản khoa học ở Hòa Bình.
Bên cạnh đó là thực hiện chương trình tầm soát, quản lý bệnh thalassemia để giúp cho những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Các hoạt động thiện nguyện là niềm vui của cuộc đời tôi. Hơn nữa, tôi rất thích công việc y tế, chăm sóc sức khỏe. Vậy nên, tôi sẽ làm việc không ngừng, dùng cách của mình, kiến thức của mình giúp đỡ người bệnh, giúp đỡ cộng đồng’.
Nhìn lại thành công của mình
Đến lúc này, Giáo sư Nguyễn Anh Trí cảm thấy hài lòng và mãn nguyện với những gì mình làm được cho bệnh nhân, cho Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và cho cả ngành y tế nói chung.
Suốt quãng thời gian làm Viện trưởng, ông đã gần như làm xong các mục tiêu mình đặt ra cho Viện như cơ sở vật chất tăng lên, đẹp hơn, đội ngũ nhân viên tăng cả về số lượng và chất lượng.
‘Tôi không thấy nuối tiếc điều gì khi về nghỉ hưu, thậm chí tôi còn thấy mãn nguyện vì đưa Viện phát triển gấp nhiều lần so với trước đây, nhất là ở lĩnh vực tế bào gốc và chương trình hiến máu nhân đạo cứu người.
Quan trọng hơn nữa là tôi đã xây dựng được cho Viện một bộ máy đoàn kết, gắn bó.
Tôi hy vọng rằng, ở thời điểm tôi lãnh đạo, toàn thể nhân viên của Viện đã đoàn kết, tạo nên thành công và trong tương lai, đội ngũ nhân viên của Viện sẽ đoàn kết và thành công hơn nữa.
Giai đoạn mới, kỷ nguyên mới, những thách thức mới đang chờ đón các bạn. Các bạn hãy sẵn sàng vào cuộc để ứng phó và đoàn kết tạo sức mạnh để đạt được nhiều thành công vang dội hơn nữa’.