Đồng nghiệp nhờ vả quá nhiều, từ chối sao cho khéo?

Giúp đỡ đồng nghiệp là một việc nên làm. Nhưng với một số trường hợp quá thường xuyên 'lợi dụng lòng tốt' thì phải làm sao? Đây là những cách giúp bạn khéo léo từ chối mà vẫn không làm phật ý người nhờ.

Đôi khi công việc của mình còn chưa giải quyết xong, vậy mà một vài đồng nghiệp lại quá ỉ lại vào việc nhờ vả, phải làm sao?

1. Không phải là không muốn giúp đỡ, nhưng tôi phải làm gấp việc sếp A mới giao

Ngày trước tôi vốn rất tốt bụng và nhiệt tình với đồng nghiệp. Vì tôi còn trẻ, nên rất nhiều đồng nghiệp lớn tuổi ỉ vào chuyện tuổi tác để nhờ giúp đỡ. Ban đầu tôi cũng không tiện từ chối, nhưng sau thấy việc gì cũng ỉ lại vào mình, gần như lợi dụng, tôi không muốn tiếp tục giúp đỡ như vậy. Nhưng từ chối thì cũng thấy ngại với mọi người, nên chỉ còn cách cố mà làm. 

Sau này, tôi đã nghĩ ra cách mới. Khi có ai đến nhờ, nếu không muốn giúp, tôi sẽ bảo: “Ngại quá, giờ em lại đang phải làm việc này gấp. Là anh A (lãnh đạo) mới giao cho, đang giục liên tục nên em phải làm gấp, chưa làm hộ anh/chị được”.

Nghe như thế, đồng nghiệp nhờ giúp thường cũng sẽ không làm khó bạn nữa. Còn nếu trường hợp có những người vẫn quyết  nhờ vả đến cùng, bạn cũng không cần quá khách sáo nữa: “Vâng cũng được ạ, thế để em đi bảo anh A nộp muộn một chút cũng được ạ!”. Lúc đấy tự đồng nghiệp của bạn sẽ biết việc của họ cần hơn, hay việc cấp trên giao cho cần hơn.
 
Vì vậy, muốn từ chối, bạn cần nghĩ ra một lý do mà đối phương không thể vượt qua, mà lãnh đạo chính là lá chắn tốn nhất.

2. Không vấn đề gì, nhưng mà có thể đợi em được không?

Có lúc đồng nghiệp nhờ giúp đỡ, mà mối quan hệ giữa cả hai rất tốt, thậm chí họ còn từng giúp đỡ bạn, lúc này không tiện từ chối.

Giả sử bạn nói thật là thời gian để hoàn thành việc của bản thân đang không đủ, sẽ dễ khiến đối phương phật ý, mất đi tình cảm giữa hai người.

Lúc đấy bạn có thể nói: “Chị/anh X, em xin lỗi em đang phải giải quyết việc này hơi gấp một chút. Đợi em làm xong rồi làm ngay việc của anh/chỉ được không ạ. Nhất định tối nay em sẽ hoàn thành xong, anh/chị xem có được không.”

Cách nói này, ban đầu nói không làm ngay được, là hạ kỳ vọng của đối phương xuống thấp, sau đó lại đẩy tâm trạng lên bằng cách nói sẽ giúp họ, nhưng không phải bây giờ, xem đối phương có thể chấp nhận điều kiện thỏa hiệp này không.

Nếu không mở ra phương án “sẽ giúp sau” mà chỉ trực tiếp từ chối giúp đỡ, dù bạn nói lý do không giúp là gì đi nữa, cũng sẽ khiến người nhờ vả thấy không thoải mái. Còn với cách nói này, đồng nghiệp sẽ thấy được bạn từ chối bây giờ, nhưng vẫn có thành ý giúp đỡ.


 3. Rất nhiệt tình giúp đỡ, nhưng có chỗ này em không hiểu, anh/chị có thể làm trước phần này không?

Trong trường hợp không thể chối từ, bạn vẫn có thể nhiệt tình đồng ý và nhờ ngược lại như sau: "Rất sẵn sàng. Nhưng chỗ này liên quan đến doanh nghiệp của anh, em không hiểu lắm. Anh có thể làm trước phần này cho em theo không?"
 
Điều khó khăn nhất để làm là từ 0 đến 1. Rất nhiều người ngại khi “bắt tay” vào làm, còn một khi đã trong đà thực hiện, họ sẽ không nề hà gì hết. Vì vậy, khi bạn nhờ đồng nghiệp bắt đầu 1,2 việc trước, có thể họ sẽ tiếp tục tự làm, vì đã đang đà làm việc và không còn thấy ngại như lúc bắt đầu.

Chưa kể một số người khi thấy bị bạn nhờ ngược lại, thắc mắc ngược xuôi như vậy còn mất thời gian hơn, sẽ bảo để tự làm luôn cho xong. Vậy là họ sẽ tự làm việc của mình mà vẫn thấy được rằng bạn có lòng muốn giúp đỡ.

Quốc Nam/giadinhmoi.vn

Tin liên quan