Bạn mới vào công ty và bỡ ngỡ nhưng khi muốn học hỏi thì chỉ nhận được thái độ qua loa lạnh lùng?
Bạn giúp đỡ đồng nghiệp mới đến vài lần nhưng rồi người này lại ‘quen mui’ luôn nhờ vả bạn và bạn quá ngại từ chối? Cấp trên khó tính luôn xét nét bạn trên từng millimet?
Có vô vàn ‘bức xúc’ có thể xảy ra nơi công sở khiến mỗi ngày đi làm không còn là một ngày vui.
Các nhà khoa học đã thực hiện một thí nghiệm để kiểm chứng liệu việc cố gắng cải thiện quan hệ với đồng nghiệp có hiệu quả hay không.
Trong 1 tháng, các nhà khoa học từ trường ĐH California đã mời các nhân viên tại trụ sở Madrid của Coca Cola đã tham gia thực hiện một khảo sát hàng tuần.
Khảo sát này sẽ đo mức độ hạnh phúc hài lòng, chú ý đến việc mỗi người có thường xuyên nhận được những sự giúp đỡ tử tế và những hành động không-đẹp-lắm hay không.
Đồng thời, các khảo sát cũng tìm hiểu những nguời tham gia có thường hành động tử tế hay bất lịch sự không.
Bốn tuần sau, những người tham gia thực hiện một khảo sát khác, khảo sát này nghiên cứu sâu hơn mức độ hạnh phúc và hài lòng với công việc của từng người.
Sau đó, nhóm nghiên cứu ‘gài’ 19 người trong nhóm 88 nhân viên để thực hiện một nhiệm vụ bí mật: họ được chọn để làm những ‘người cho đi’.
Những người này mỗi tuần đều sẽ làm một vài việc tốt giúp đỡ các đồng nghiệp của mình.
Những việc tử tế này có thể là giúp chuyển đồ uống cho người kia, gửi email cảm ơn, mang giúp đồ đạc… Các nhà nghiên cứu cho họ tự chọn những hành động trong danh sách để chủ động hơn.
Đồng thời, nhóm 19 người này cũng buộc phải không giúp đỡ một nhóm người khác, để có thể thấy sự so sánh.
Sau một thời gian, những hành động tử tế nho nhỏ ấy đã được chú ý và tạo nên một thay đổi lớn lao.
Những ‘người được nhận’ bắt đầu trở nên hòa đồng hơn, và đến cuối thời gian nghiên cứu, họ có mức độ hành động tử tế nhiều hơn gấp 10 lần so với nhóm tương quan so sánh kia.
Một tháng sau khi nghiên cứu kết thúc, những ‘người được nhận’ vẫn giữ tinh thần hứng khởi và sự hạnh phúc, hài lòng với công việc hơn hẳn so với trước kia và so với nhóm tương quan. Họ cũng cảm thấy rằng mình tự chủ hơn trong công việc.
‘Trên tất cả, khi những ‘người được nhận’ được giúp đỡ, họ cũng thường ‘đền đáp’ bằng cách tỏ ra rộng lượng hơn và cũng giúp đỡ đồng nghiệp nhiều hơn khi có cơ hội’ – Tiến sĩ Seth Margolis đến từ trường Y Dược John Hopkins cho biết.
‘Những ‘người được nhận’ trở nên hòa đồng, quảng giao hơn bình thường, và họ không chỉ đáp lại cho mỗi ‘người cho đi’ như kiểu ‘có qua có lại’ – ông nói – ‘Điều này cho thấy rằng những hành động thân thiện và tử tế có thể truyền cảm hứng để những người xung quanh làm điều tương tự’.
‘Người cho đi’ cũng cảm thấy sự tự chủ trong công việc như những ‘người được nhận’ cũng như cảm thấy làm việc hiệu quả hơn.
‘Nếu vòng tròn ‘cho đi và nhận lại’ này tiếp tục, không chỉ công ty mà bản thân mỗi nhân viên cũng sẽ cảm nhận được niềm vui và sự hứng khởi trong công việc, những điều này đều vô cùng quan trọng’.
Bí quyết này có lẽ giản đơn đến khó tin, nhưng sự thực là nếu bạn tử tế với đồng nghiệp của mình (chứ không phải là cố chịu đựng họ) và chủ động giúp đỡ họ khi có thể, môi trường công sở của bạn sẽ ‘dễ thở’ hơn rất nhiều.
Những hành động tử tế có thể chỉ là rất giản dị thôi nhưng chỉ cần bắt nguồn từ sự chân thành, những người xung quanh bạn ắt sẽ cảm nhận được.
Không cần một cuộc khảo sát nào do ai tổ chức, tại sao ngay từ hôm nay bạn không thử bắt đầu ‘thí nghiệm’ nho nhỏ về lòng tốt này của riêng mình?
Mai HoaBạn đang xem bài viết Đã tìm ra chìa khóa để 8 giờ ở công sở trở nên 'dễ thở' hơn tại chuyên mục Cẩm nang của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].