Muốn tiếng Anh sớm trở thành ngôn ngữ thứ 2, Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn như thế nào?
Trong Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất Thủ tướng sớm công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam.
Trao đổi với Gia Đình Mới về vấn đề này, ông Vũ Tiến, giáo viên - chuyên viên Kiểm soát chất lượng đào tạo, Hệ thống Scots English cho rằng, việc công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam là điều tốt và nên được thực hiện sớm.
Bởi có tiếng Anh sẽ giúp Việt Nam hội nhập với thế giới nhanh hơn, tăng khả năng cạnh tranh với các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Tiến, việc thực hiện phổ cập tiếng Anh phải có kế hoạch, lộ trình đào tạo rõ ràng.
“Muốn tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 của Việt Nam phải đổi mới cách dạy và cách học. Nếu vẫn duy trì cách học nặng về ngữ pháp như hiện nay rất khó để thực hiện phổ cập tiếng Anh.
Bản thân tôi khi dạy tiếng Anh cho các học viên tôi thấy một thực tế là các bạn trẻ học rất thụ động, nhiều người học cho có, học chống đối để qua các kỳ thi, ra được trường, lấy được chứng chỉ…
Chỉ rất ít các học viên yêu thích tiếng Anh thực sự, được định hướng rõ ràng là học tiếng Anh để đi du học, để làm việc tại các công ty nước ngoài… mới có ý thức trong việc học tiếng Anh.
Đấy là ở thành phố lớn như Hà Nội mà còn gặp phải thực trạng này thì tại các địa phương khác, nhất là các vùng quê thì việc thực hiện sẽ còn khó khăn hơn nhiều và cần phải có kế hoạch thực hiện bài bản, triệt để hơn”, ông Tiến chia sẻ.
Để làm được điều đó, vị giáo viên tiêng Anh này cho rằng, cần đổi mới cách dạy và học tiếng Anh càng sớm càng tốt, đổi mới chương trình học, tăng thời gian học tiếng Anh.
Người học nên chú trọng nhiều vào giao tiếp và phải chủ động tiếp cận, thầy cô giáo chỉ có vai trò hướng dẫn những bước cơ bản.
Và muốn học viên chủ động, tích cực trong việc học tiếng Anh thì cũng cần phải cho họ thấy được những lợi ích khi học tiếng Anh như cơ hội làm việc nhiều hơn, người biết tiếng Anh khi đi làm sẽ có thu nhập cao hơn, tiếp cận được nhiều thông tin, kiến thức hơn do có thể tự đọc sách, đọc báo, nghe đài bằng tiếng Anh…