Giúp trẻ phân biệt ô vuông, hình tròn, tam giác là cơ sở để giúp con làm quen với hình học. Đây cũng là cách kích trí não, giúp trẻ phát triển thông minh.
Chuẩn bị
- Mỗi trẻ một hình tam giác, 2 hình vuông, 1 hình tròn với màu sắc khác nhau.
- Một số đồ vật có dạng hình vuông, hình tam giác, hình tròn để xung quanh phòng học của trẻ.
Thực hiện
Bố hoặc mẹ giơ hình vuông, hình tròn, hình tam giác lên cho trẻ chọn hình có hình dạng giống như vậy và giơ lên, sau đó nói cho trẻ biết “đây là hình... ” và chỉ cho trẻ biết đâu là các cạnh, đâu là các góc nhọn.
Bố mẹ chọn tiếp một hình vuông có màu sắc khác và cho trẻ chọn hình có hình dạng giống như vậy, nhưng có các màu sắc khác. Sau đó chọn các hình ô vuông và đố trẻ “Đây là hình gì?” để trẻ làm quen với hình.
Tiếp theo, cha mẹ chỉ vào một số đồ vật trong nhà có hình tương tự để trẻ biết, rồi đố trẻ tìm xem những đồ vật nào có hình vuông nữa. Tương tự các hình khác cũng thực hiện như vậy.
Ngoài ra, mẹ có thể áp dụng một số trò chơi sau:
–Chơi trò phân loại: Bạn thử cho bé “vọc” bộ sưu tập hộp đựng thức ăn của mình mà xem. Nào là hình vuông, hình tròn, hình chữ nhật. Giao cho bé nhiệm vụ sắp xếp chúng theo hình dạng. Tiếp đến, những tô, đĩa, hộp đựng sữa, bình đựng nước đều có thể biến thành một công cụ dạy học trực quan và hiệu quả.
–Vẽ hình dạng: Cho bé vẽ ra nhưng hình dạng mình thích và cùng nhau “nghiên cứu” hình dạng đó. Bé sẽ có được những kinh nghiệm vẽ hình ảnh mà không cần phải phán xét chúng đúng hay sai. Tương tự, bạn có thể dùng đất nặn.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần thường xuyên ôn tập cho trẻ bằng cách đặt ra những câu đố về hình dạng của đồ vật mỗi khi cha mẹ cùng trẻ đi ra ngoài, hay cùng chơi. Ví dụ: “đố con biết cái cổng sắt kia có hình gì?”... Qua đó giúp trẻ củng cố kiến thức về hình mà trẻ học được.
Lưu ý: Trẻ mới biết đi đang học kỹ năng mới và rất dễ nhầm lẫn; chẳng hạn, bé có thể gọi một hình tam giác là hình tròn. Bạn không nên khiển trách hay quát mắng con. Chẳng bao lâu nữa, bé sẽ biết phân biệt hình khối.
Với trẻ 18-36 tháng tuổi, mẹ có thể bắt đầu cho trẻ làm quen với hình khối bằng những trò chơi cắt dán, ghép nối, xếp hình. Với các học liệu đơn giản sau được cung cấp bởi chuyên trang Totscholling, bố mẹ có thể cùng chơi với trẻ, thông qua đó dạy trẻ nhận biết màu sắc và hình khối khá dễ dàng.
Tóm lại, trẻ nhỏ thích và có thể học tốt nhất với cách vừa học vừa chơi. Do đó, bạn không cần đặt nặng chuẩn cách phân biệt hình vuông, hình tròn.. mà từ từ mang đến cho bé cảm hứng và niềm vui. Hãy nhìn thế giới dưới góc nhìn trẻ thơ, bạn sẽ thất rất nhiều ý tưởng để giúp con học tốt hơn.