Nhóm được biết đến với tên gọi “Đội vệ sĩ chuyên nghiệp” và đã nhanh chóng nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc với 160.000 người theo dõi trên Douyin (phiên bản tại Trung Quốc của TikTok).
Chia sẻ với truyền thông, tổ chức này cho biết thành viên của họ gồm các sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu, chủ doanh nghiệp và thậm chí cả nữ võ sĩ. Mục đích thành lập ban đầu vào năm 2018 là để cung cấp dịch vụ an ninh cho những người nổi tiếng và nhân vật của công chúng.
“Đến năm 2022, ngày càng có nhiều người liên hệ với chúng tôi để được trợ giúp về các vấn đề cá nhân. Do những lỗ hổng trong luật pháp, một số vấn đề không thể giải quyết được bằng các biện pháp truyền thống, vì vậy chúng tôi bắt đầu giúp đỡ nhóm người dễ bị tổn thương theo cách riêng của mình”, Lei - một thành viên của tổ chức cho biết.
Họ đóng vai trò như những vệ sĩ trong bộ trang phục vest đen và vẻ ngoài cộm cán, có lẽ vì vậy mà họ bị cư dân mạng gán cho cái mác giống mafia. Tuy nhiên, khác với “giao diện” xã hội đen, thực chất họ lại hiền lành và rất cảm thông, thậm chí không ngần ngại hỗ trợ xử lý các vấn đề cá nhân nhạy cảm cho khách hàng.
Lei đề cập 70% khách hàng của họ là phụ nữ từ 25 đến 35 tuổi, họ đã liên hệ thông qua nền tảng Douyin. Chi phí dịch vụ dao động từ vài nghìn đến hơn vài chục nghìn nhân dân tệ. Một số dịch vụ có thể chỉ mất vài giờ, trong khi những dịch vụ khác có thể kéo dài tới một năm.
Lei kể lại sự việc một khách hàng nữ đã thuê nhóm của họ thám tùng ra tòa để ly hôn với người chồng vũ phu: “Ngay khi cô ấy rời khỏi tòa án, người đàn ông đã ném axit để trả thù. May mắn thay, một thành viên trong nhóm của chúng tôi đã dùng ô che chắn cho cô ấy”.
Trong trường hợp khác, một cô gái trẻ tìm cách chia tay bạn trai thì bị hắn bạo và dọa tung ảnh thân mật. Cô đã liên lạc với nhóm của Lei và chi khoảng 20.000 nhân dân tệ (~70.000.000 VND) để đảm bảo kết thúc mối quan hệ một cách an toàn.
Khách hàng của tổ chức này đôi khi có những em nhỏ là nạn nhân của nạn bạo lực học đường.
Họ sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để giải quyết các vấn đề về bạo lực gia đình và bắt nạt, tuy không quá cực đoan như “đe dọa” nhưng cũng “gần giống như vậy”.
Lei nhấn mạnh rằng dịch vụ của họ “luôn tuân thủ luật pháp” và sẽ hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng liên hệ với cảnh sát hoặc tìm kiếm trợ giúp pháp lý khi cần thiết. Các video được chia sẻ trên Douyin cũng cho thấy họ thường xuyên tiến hành giáo dục pháp luật và đào tạo các kỹ năng thể chất cho đội ngũ nhân viên.
Không giống như các băng nhóm xã hội đen thật, tổ chức này tự nhận mình chỉ là những người bảo vệ phái yếu nên được cư dân mạng đặt biệt danh là “mafia trắng” hay “xã hội trắng”.