Sự cần thiết của việc truyền thông cho nam giới về chủ đề bình đẳng giới
Hai năm vừa qua, Công ty Cổ phần sữa TH nơi anh Hà Danh Đức làm việc đều tổ chức chiến dịch “Tô cam” nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Thông qua các hoạt động truyền thông ý nghĩa như nâng cao nhận thức về màu cam – biểu tượng của đấu tranh xóa bỏ bạo lực giới, chia sẻ con số báo động 63% phụ nữ và trẻ em gái từng bị bạo lực trong đời, cùng việc phân tích những hậu quả nghiêm trọng từ các hành vi bạo lực, anh Đức càng hiểu rõ hơn những định kiến và khuôn mẫu giới mà phụ nữ phải đối mặt. Anh cùng các đồng nghiệp trong công ty đã nỗ lực tuyên truyền, hành động để những người phụ nữ xung quanh đều được đối xử một cách công bằng và hạnh phúc.
Tuy vậy, anh vẫn cảm thấy chưa đủ, vì khi tìm hiểu về những định kiến, khuôn mẫu giới, anh nhận thấy rằng nam giới cũng phải chịu nhiều rào cản không kém. “Phải đẻ được con trai để nối dõi tông đường” - đó là một trong những khuôn mẫu giới thường gặp nơi anh sinh sống. Những câu hỏi “Khi nào thì đẻ tiếp?”, những câu đánh giá “Đàn ông không có con trai nối dõi thì vứt”, hay quan niệm phải “ngồi chiếu dưới” khiến nhiều nam giới không cảm thấy thoải mái trong những buổi tụ họp với gia đình hay đồng nghiệp.
Anh cũng từng nghe bạn bè than phiền mỗi khi phải nghe về “đàn ông phải kiếm tiền giỏi”. Nơi anh sinh sống có rất nhiều người đi xuất khẩu lao động, nhưng nếu người đi là vợ, thì áp lực vô hình sẽ dồn lên vai người chồng, như “đàn ông mà lại để cho phụ nữ ra ngoài kiếm tiền” hay “đàn ông mà lại ở nhà chăm con”. Anh rất trăn trở về việc làm sao để truyền thông cho cộng đồng hiểu rằng năng lực của mỗi người không phụ thuộc vào việc cá nhân đó là ai. Mỗi thành viên đều có thể nỗ lực theo những cách khác nhau để cùng chăm sóc tổ ấm.
Là một người cha và người chồng trong gia đình, đôi khi anh cũng từng chịu áp lực về việc phải làm “trụ cột” trong gia đình. Không chỉ là áp lực về vị trí trụ cột kinh tế, anh cũng chịu áp lực “không được yếu đuối”. May mắn là anh vẫn tìm được những sự chia sẻ cần thiết từ các thành viên trong gia đình và đó là điều anh rất trân trọng. Vả anh rất mong cộng đồng xung quanh hiểu điều mà nam giới cần, cũng giống như nữ giới, đó là sự sẻ chia vai trò, trách nhiệm để cùng xây dựng hạnh phúc gia đình.
Tô cam 2024 - Khi nam giới sẵn sàng tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới
Đúng như mong đợi của anh Đức, năm nay, chiến dịch của công ty anh vẫn diễn ra, nhưng có mục tiêu mới, đó là nâng cao nhận thức và khẳng định vai trò của nam giới trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, từ gia đình đến cộng đồng và nơi làm việc. Nội dung này đúng là thứ anh Đức tìm kiếm bấy lâu nay, anh muốn cùng các anh em trong nhà máy khẳng định rằng nam giới hoàn toàn ủng hộ các hoạt động thúc đẩy bình đẳng và cộng đồng cũng cần được truyền thông về những rào cản mà nam giới đang phải gánh chịu.
Ngay khi biết “Tọa đàm Nam giới tiên phong hành động thúc đẩy bình đẳng giới” được tổ chức tại Nghĩa Đàn, Nghệ An, anh lập tức đăng ký và đây cũng là sự kiện đầu tiên liên quan đến thúc đẩy bình đẳng giới cho nam giới mà anh được tham gia. Tọa đàm không chỉ có anh và hơn 200 đồng nghiệp, mà còn có sự tham gia của các diễn giả nổi tiếng: Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em – Bộ LĐTB&XH; Nhà báo Trương Anh Ngọc; PGS. TS. Trần Kiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, Giảng viên cao cấp trường Đại học Luật, ĐHQGHN và các lãnh đạo nơi anh làm việc. Anh cũng lần đầu được biết có một cộng đồng mang tên Diễn đàn Kết nối Nam giới vì Bình đẳng giới và Phát triển bền vững (VNMENNET) - nơi cả ba diễn giả của Tọa đàm đều là Thành viên Ban điều hành.
Anh Đức ấn tượng với những câu chuyện gần gũi của các diễn giả, từ những chuyện đời thường như “ai là người rửa bát trong nhà?”, những câu chuyện thật của chính Nhà báo Trương Anh Ngọc về việc “vì sao nhà có hai con gái mà không đẻ tiếp?” hay quan điểm về "dâu là con, rể là khách" nên chuyển thành "dâu cũng là con, mà rể cũng là con" của ông Đặng Hoa Nam.
Không chỉ lắng nghe những chia sẻ từ các diễn giả, anh và các cán bộ nhân viên trong Tập đoàn TH còn có cơ hội tương tác trực tiếp, đặt câu hỏi xoay quanh các vấn đề về bình đẳng giới và vai trò của từng cá nhân trong việc thay đổi định kiến, cũng như chia sẻ những câu chuyện về bất bình đẳng giới mà họ từng chứng kiến hoặc trải qua.
Giống như anh Đức, anh Đặng Quốc Tuấn Anh từ Công ty CP Thực phẩm sữa TH rất hào hứng khi biết chương trình năm nay hướng đến nam giới. Anh đến Tọa đàm từ sớm, thắt nơ cam trên tay như một sự cam kết thúc đẩy bình đẳng giới của bản thân và toàn thể các cán bộ nhân viên nơi anh làm việc. Thông qua bài trình bày của PGS. TS. Trần Kiên, anh cũng đã hiểu hơn về 4 hình thức của bạo lực, bao gồm: Bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục. Bất ngờ hơn, anh còn biết rằng: Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gây ra cho nền kinh tế Việt Nam tương đương với 1,8% GDP (khoảng 100.507 tỷ đồng).
Anh đồng quan điểm với PGS. TS. Trần Kiên rằng, cộng đồng cần “Thừa nhận - Tôn trọng - Thúc đẩy” để cùng loại bỏ bạo lực, hướng đến một xã hội công bằng và hạnh phúc hơn.
Còn với anh Dư Anh Văn đến từ Trang trại bò sữa số 8, Công ty CP Thực phẩm sữa TH, anh rất ấn tượng với cách chia sẻ gần gũi, đời thường từ các diễn giả. Tọa đàm không bàn luận đến những vấn đề “đao to búa lớn”, mà xoay quanh các câu chuyện thực tế từ các diễn giả và tham dự viên. Anh ấn tượng nhất với những chia sẻ của nhà báo Trương Anh Ngọc trong cuộc sống hàng ngày, từ chuyện phân công người quản lý tài chính, phân chia việc gia đình, chăm sóc con cái và giải quyết mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu.
Anh ủng hộ quan điểm của diễn giả về: Bình đẳng giới không phải là điều mà phụ nữ tự làm cho mình, hay người đàn ông chấp nhận nhún mình trước các cuộc đấu tranh đòi bình quyền của nữ giới. Bình đẳng giới phải xuất phát từ cả hai phía, để cả hai cùng nhìn nhận được các vấn đề mà đối phương đang gặp phải, để từ đó tìm ra phương hướng giải quyết.
Tại tọa đàm, bà Lưu Thị Thu Hiền, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm sữa TH mang đến góc nhìn thực tế từ môi trường doanh nghiệp. Bà chia sẻ kinh nghiệm của Tập đoàn TH trong tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, công bằng cho cả nam và nữ, nơi mỗi cá nhân đều được khuyến khích phát triển toàn diện thông qua chính sách Đa dạng - Công bằng - Hoà nhập - Gắn kết (DEI&B).
Câu chuyện về bình đẳng giới không thể trọn vẹn nếu chỉ nhìn từ góc độ của phụ nữ, và “Tọa đàm Nam giới tiên phong hành động thúc đẩy bình đẳng giới” vừa qua đã phần nào làm sáng tỏ vai trò và trách nhiệm của tất cả mọi người trong hành trình này. Tại đây, các diễn giả và tham dự viên đã cùng nhau chia sẻ những góc nhìn sâu sắc về những định kiến giới truyền thống mà nam giới đang phải đối mặt, từ đó khẳng định rằng bình đẳng giới không phải là câu chuyện của riêng phụ nữ, mà là nỗ lực chung của toàn xã hội để hướng tới một xã hội công bằng và hòa hợp hơn.
Bên cạnh phiên thảo luận bàn tròn, 200 tham dự viên trong các công ty thuộc Tập đoàn TH còn được tham gia trò chơi đồng đội nhằm củng cố các thông tin và kiến thức về bình đẳng giới. Trò chơi đã tạo nên không khí sôi động và giúp tham dự viên hiểu sâu hơn về các khái niệm như định kiến giới, bạo lực giới, và các hành động thiết thực để thúc đẩy bình đẳng giới trong cuộc sống hàng ngày.
Một khoảnh khắc đầy xúc động và ý nghĩa trong tọa đàm là khi các đại diện nam giới từ các công ty thành viên của Tập đoàn TH tại Nghệ An cùng tham gia nghi thức nhấn nút Cam kết hành động, khẳng định quyết tâm xóa bỏ mọi hình thức bạo lực trên cơ sở giới. Đây không chỉ là lời cam kết mạnh mẽ mà còn là biểu tượng cho sự đồng lòng và trách nhiệm của nam giới trong việc xây dựng một xã hội an toàn, công bằng. Hành động này truyền tải thông điệp rằng, việc chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới không chỉ là nhiệm vụ của phụ nữ, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội, với sự tiên phong của nam giới trong vai trò những người thúc đẩy thay đổi tích cực.
Toạ đàm “Nam giới tiên phong hành động thúc đẩy bình đẳng giới” thuộc khuôn khổ chiến dịch “Tô cam 2024 - Đoàn kết hành động chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” do VSF, Tập đoàn TH và Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) phối hợp tổ chức.
Thông qua các hoạt động như trang trí góc cam tại gần 100 văn phòng, chi nhánh trên toàn quốc, truyền thông trực tuyến trên báo chí, truyền hình, mạng xã hội và truyền thông trực tiếp tại 25 cửa hàng TH True Mart, tổ chức các cuộc thi nội bộ, toạ đàm, xây dựng Quỹ hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ bị bạo lực và có hoàn cảnh khó khăn, chiến dịch hướng tới nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề bạo lực với phụ nữ và trẻ em, đồng thời thúc đẩy các hành động thiết thực để hỗ trợ cho nạn nhân của bạo lực.
Với thông điệp “Chung tay vì hạnh phúc đích thực của phụ nữ và trẻ em Việt Nam”, Tô cam 2024 nhấn mạnh vào kêu gọi sự tham gia của cả nam và nữ trong thúc đẩy bình đẳng giới.
Lan AnhBạn đang xem bài viết Bình đẳng giới: Hành trình cùng nhau, không phải cuộc chiến đối đầu tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].