Vậy phương pháp ăn dặm bé chỉ huy là gì, có những ưu điểm và nhược điểm như thế nào? Làm sao để tập cho con theo phương pháp ăn dặm bé chỉ huy?
Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn tất cả kiến thức cần thiết để sẵn sàng cùng con bước vào giai đoạn tập ăn dặm.
Ăn dặm bé chỉ huy (tiếng Anh: baby-led weaning, hay BLW) là phương pháp ăn dặm để bé chủ động trong bữa ăn. Mẹ không cần đút muỗng hay nghiền nhuyễn thức ăn, mà bé có thể tự ăn thức ăn cứng cùng với cả gia đình.
Trong phương pháp ăn dặm bé chỉ huy, thay vì mua hoặc chế biến các loại thức ăn riêng để đút cho bé, mẹ có thể chuẩn bị các bữa ăn cho cả gia đình, chỉ cần điều chỉnh một chút để phù hợp với bé mới tập ăn.
Ăn dặm bé chỉ huy tập trung vào việc cung cấp các thực phẩm bổ dưỡng cho trẻ theo cách trẻ có thể tự xử lý, ví dụ cắt nhỏ rau củ, thịt, cá, để trẻ cầm ăn dễ dàng.
Với ăn dặm bé chỉ huy, mẹ sẽ cho bé tham gia vào bữa ăn gia đình ngay từ đầu, cho phép bé ăn một số món ăn giống với mọi người. Tuy nhiên, mẹ vẫn cần lưu ý đến khẩu phần ăn của bé yêu và những gì an toàn, phù hợp với bé.
Đầu tiên, phương pháp ăn dặm bé chỉ huy mang lại lợi ích cho chính cha mẹ. Nghiên cứu cho thấy các gia đình áp dụng phương pháp này có xu hướng ăn cùng nhau thường xuyên hơn. Bữa ăn cũng êm đềm và ít căng thẳng hơn.
Bên cạnh đó, các bà mẹ áp dụng phương pháp ăn dặm bé chỉ huy cho biết họ cảm thấy ít áp lực và lo lắng hơn về quá trình ăn dặm so với những bà mẹ chọn phương pháp ăn dặm truyền thống.
Tuy nhiên, những yếu tố này có thể một phần phụ thuộc vào tính cách của những phụ huynh chọn áp dụng phương pháp BLW, chứ không hẳn là do bản thân phương pháp này mang lại.
Một người mẹ có tư tưởng thoải mái với việc ăn uống, coi trọng bữa ăn cùng gia đình sẽ có nhiều khả năng sẽ chọn phương pháp ăn dặm bé chỉ huy.
Ngoài ra, phương pháp ăn dặm bé chỉ huy còn được cho là mang lại lợi ích cho trẻ sơ sinh. Vì trẻ tự ăn nên trẻ có thể học cách lắng nghe cơ thể và ngừng ăn khi no. Về mặt lý thuyết, điều này có thể dẫn đến việc giảm nguy cơ béo phì trong tương lai.
Một số nghiên cứu ủng hộ quan điểm này. Các nghiên cứu quan sát cho thấy trẻ ăn dặm theo phương pháp BLW có vẻ nhận biết rõ hơn khi nào no và ít nguy cơ thừa cân hơn. Sự khác biệt này được các nghiên cứu khác tiếp tục ghi nhận cho đến độ tuổi mẫu giáo, ngay cả sau khi tính đến các yếu tố như tình trạng kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, một thí nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên trên 206 trẻ sơ sinh ở New Zealand lại không tìm thấy sự khác biệt về cân nặng hoặc khả năng kiểm soát cảm giác thèm ăn của trẻ.
Một lý lẽ khác cho rằng, khi được tiếp xúc với nhiều hương vị và kết cấu thực phẩm hơn ngay từ đầu, trẻ ăn dặm theo phương pháp BLW sẽ ăn uống đa dạng hơn.
Thí nghiệm ở New Zealand đã chứng minh điều này. Họ đã kiểm nghiệm một phiên bản "cải tiến" của BLW, trong đó, mỗi bữa ăn, cha mẹ sẽ cho bé ăn một loại thực phẩm giàu sắt và một loại thực phẩm giàu năng lượng. Những cha mẹ thực hiện phương pháp này cho biết con họ ít kén ăn hơn và thích ăn hơn so với trẻ ăn dặm kiểu truyền thống.
Một phân tích khác trên cùng nhóm trẻ cho thấy, đến 2 tuổi, trẻ ăn dặm theo BLW ăn nhiều loại trái cây và rau quả hơn những trẻ khác. Tuy nhiên, với các nhóm thực phẩm khác, chẳng hạn thịt và cá, thì trẻ không ăn nhiều hơn.
Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng phương pháp ăn dặm truyền thống cũng có thể mang lại một số lợi ích giống với BLW, chẳng hạn như tiếp xúc sớm với các kết cấu thực phẩm khác nhau.
Ví dụ, trẻ ăn dặm truyền thống cũng chỉ ăn bột xay trong giai đoạn đầu. Khi trẻ được 8 tháng, bé có thể ăn thức ăn "lợn cợn". Đến khoảng 1 tuổi, trẻ có thể ăn được các loại thực phẩm có kết cấu và độ rắn khác nhau, bất kể theo phương pháp ăn dặm nào.
Hầu hết trẻ sẵn sàng theo phương pháp ăn dặm bé chỉ huy ngay khi có thể bắt đầu ăn thức ăn rắn. Độ tuổi này thường là khoảng 6 tháng tuổi trở lên. (Không nên bắt đầu sớm hơn. Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ khuyến nghị chỉ nên cho trẻ bú sữa mẹ và/hoặc sữa công thức cho đến mốc 6 tháng tuổi.)
Tuy nhiên, một số trẻ có thể cần nhiều thời gian hơn. Nếu bé sinh non, mẹ có thể cần tính mốc 6 tháng theo ngày dự sinh thay vì theo ngày sinh.
Nếu mẹ không chắc chắn bé đã sẵn sàng ăn dặm ở mốc 6 tháng tuổi hay chưa, hãy trao đổi với bác sĩ nhi khoa của bé. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bé có các vấn đề về sức khỏe có thể ảnh hưởng đến khả năng ăn hoặc tự ăn.
Quan sát những dấu hiệu sau đây để biết liệu đã đến lúc cho bé tự kiểm soát việc ăn uống:
Ngay cả khi mẹ muốn thử phương pháp ăn dặm bé chỉ huy, điều đó cũng không có nghĩa là mẹ phải hoàn toàn loại bỏ các món ăn nghiền nhuyễn.
Hãy bắt đầu từ những bước nhỏ. Ví dụ, mẹ có thể giúp bé cầm một thìa thức ăn nghiền, nhưng sau đó hãy thả tay ra, để bé tự tập đưa thức ăn vào miệng.
Quan trọng là mẹ phải theo nhịp độ của bé. Hãy quan sát xem bé đã sẵn sàng chưa trước khi bắt đầu cho bé tự ăn.
Ngoài ra, hãy nhớ rằng sữa mẹ hoặc sữa công thức (hoặc cả hai) vẫn nên là nguồn dinh dưỡng chính của bé trong năm đầu đời.
Vì vậy, mẹ không cần lo lắng nếu bé không ăn nhiều trong giai đoạn đầu tập ăn dặm.
Thực phẩm lý tưởng cho ăn dặm bé chỉ huy có một vài đặc điểm chung. Hãy tìm kiếm các loại thực phẩm:
Dưới đây là một số gợi ý về những thực phẩm nên và không nên thử khi mẹ mới bắt đầu tập cho bé theo phương pháp ăn dặm bé chỉ huy:
Loại thực phẩm | Nên thử | Nên tránh |
Trái cây | Chuối, lê, bơ, kiwi, xoài, táo nghiền và dâu tây. Cắt các loại quả có hình dạng tròn (như nho và việt quất) thành miếng nhỏ. | Quả có hình dạng tròn chưa cắt nhỏ. |
Rau củ | Hầu hết các loại rau củ gọt vỏ và nấu chín, chẳng hạn như khoai lang, cà rốt và bí. Cà chua cắt thành miếng nhỏ. | Các loại rau củ sống cứng hoặc nhiều xơ, chẳng hạn như cà rốt sống hoặc cần tây sống. |
Chất đạm | Thịt và cá (mềm, xay hoặc xé nhỏ), đậu phụ, sữa chua, trứng chín kỹ, phô mai. | Các loại đạm dai hoặc khó nhai (như bít tết), các loại cá có hàm lượng thuỷ ngân cao. |
Đồ uống | Sữa mẹ, sữa công thức và nước lọc. | Các loại sữa khác và nước trái cây. |
Lưu ý rằng mẹ không cần phải hoàn toàn loại bỏ các loại thực phẩm nghiền nát để thực hiện phương pháp ăn dặm bé chỉ huy. Ngay cả người lớn chúng ta cũng ăn các loại thực phẩm có kết cấu mềm. Các thực phẩm mềm như bột yến mạch, sữa chua nguyên béo và sữa chua Hy Lạp là những thực phẩm tuyệt vời cho trẻ sơ sinh trong giai đoạn đầu.
Khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm, hãy nhớ rằng trẻ dưới 1 tuổi không nên ăn mật ong vì nó có thể gây ngộ độc.
Và nếu con ăn uống có hơi bừa bộn thì cũng không sao. Mẹ hãy học cách chấp nhận và thích nghi, vì tự ăn là một trải nghiệm tuyệt vời về giác quan cho trẻ, nhưng quá trình này không thể tránh khỏi những lỗi sai.
Hầu hết các bác sĩ nhi khoa khuyến nghị cho trẻ tiếp xúc sớm và thường xuyên với các thực phẩm có thể gây dị ứng, gồm các sản phẩm từ sữa, trứng và bơ đậu phộng.
Đó là bởi vì ăn những thực phẩm này sớm có khả năng giúp ngăn ngừa dị ứng thực phẩm ở trẻ.
Một số thực phẩm có khả năng gây dị ứng cũng có kết cấu tuyệt vời cho trẻ tập ăn dặm, chẳng hạn như trứng chiên hay phi lê cá hồi mềm mại.
Tuy nhiên, mẹ nên tránh cho bé ăn đậu phộng nguyên hạt hoặc các loại hạt cứng khác vì có nguy cơ bị hóc thực phẩm. Thay vào đó, mẹ có thể trộn bơ đậu phộng với một loại thực phẩm khác mà bé đã từng thử và dung nạp được, chẳng hạn bột yến mạch hoặc táo nghiền.
Nếu vẫn còn lo lắng về nguy cơ dị ứng thực phẩm, hãy trao đổi với bác sĩ nhi khoa của bé để được khuyến nghị.
Nếu được giám sát đúng cách, việc áp dụng ăn dặm bé chỉ huy sẽ an toàn cho hầu hết trẻ đã sẵn sàng ăn dặm. Tuy nhiên, có một số lưu ý về an toàn mẹ cần nhớ:
Ăn dặm bé chỉ huy có thể mang lại những lợi ích lớn cho trẻ và cả gia đình. Nhưng nếu quá trình này diễn ra chậm hoặc thậm chí không hiệu quả thì mẹ cũng không cần quá lo lắng.
Có nhiều phương pháp lành mạnh để cho trẻ ăn dặm. Không phải phương pháp nào cũng áp dụng được cho tất cả các bé, và mẹ không nhất thiết phải thực hiện theo một cách cụ thể nào.
(Theo Cleveland Clinic, BBC)