Chuyên gia dinh dưỡng Nhật Bản review về cách “ăn dặm kiểu Nhật” trong giới bỉm sữa Việt

An An
Trào lưu nuôi con, cho con ăn dặm kiểu Nhật trở nên đặc biệt hot với các bà mẹ Việt. Phương pháp này có gì đặc biệt mà khiến nhiều mẹ bỉm sữa yêu thích đến vậy?

Ăn dặm kiểu Nhật được nhiều mẹ Việt tấm tắc khen hay

Trên mạng xã hội nhiều mẹ bày tỏ sự vui mừng khi thành công cho con ăn dặm kiểu Nhật, giúp bé tránh rơi vào tình trạng chán ăn, sợ ăn…

Chị Trần Phương Thảo (29 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, chị đã tốn nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu các phương pháp ăn dặm khác nhau để áp dụng cho con mình. Nhận thấy phương pháp ăn dặm kiểu Nhật khá khoa học và phù hợp với gia đình mình nên chị đã lựa chọn cho con ăn theo kiểu Nhật.

“Tôi rất thích phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, nó đúng là giao thoa giữa ăn dặm truyền thống và ăn dặm bé chỉ huy (BLW). Tháng 6, 7, 8 con được ăn cháo nhuyễn xúc thìa như phương pháp truyền thống. Từ tháng 9 trở đi con được ăn thô, ăn bốc như BLW.

Nhờ đó con được trải nghiệm đồ ăn ở nhiều hình thái khác nhau, từ lỏng nhất đến đặc nhất. Với cách ăn này con được ăn nhiều món trong một bữa.

Do đó, nếu không ăn món này, con có thể ăn món khác, không bao giờ bỏ bữa, không bao giờ bị đói. Mỗi tội mẹ hơi oải vì nấu nướng lích kích” – chị Phương Thảo chia sẻ.

Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật được mẹ bỉm sữa chuẩn bị cho con

Thực đơn ăn dặm kiểu Nhật được mẹ bỉm sữa chuẩn bị cho con

Tương tự, chị Nguyễn Nhật Linh (32 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) cũng lựa chọn cho con ăn theo kiểu Nhật từ khi bé được 5,5 tháng tuổi. Trong 3 ngày đầu cho con ăn dặm, chị Linh cho con ăn cháo trắng nấu theo theo tỉ lệ 1:10 (1 phần gạo, 10 phần nước) được rây nhuyễn. Bé tỏ ra rất thích thú và ăn hết thìa cháo nhỏ. Các bữa sau chị Linh cho con ăn thêm bí đỏ, cà rốt, khoai tây… rây nhuyễn.

“Tôi đổi món liên tục cho con, với đủ các loại rau, củ, quả chín mềm và thấy con rất hứng thú ăn. Sang đến tháng thứ 6, thực đơn ăn dặm của con được bổ sung thêm đạm từ lòng đỏ trứng gà rây mịn trộn với cháo; thịt lợn, thịt gà, thịt bò… xay nhỏ nấu với cháo.

Con được nếm thử nhiều loại thực phẩm, hoa quả, tăng thô theo đúng độ tuổi. Đến giờ con được 10 tháng tuổi và đã quen với việc đến giờ là ngồi vào bàn ăn, ăn thô tốt, rất hào hứng khi đến bữa” – chị Nhật Linh vui vẻ nói.

Đặc biệt, với phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, chị Linh có thể chủ động chuẩn bị đồ ăn trước cho con khi rảnh. Các loại thực phẩm sẽ được mẹ chuẩn bị trước chia thành các phần thức ăn riêng gồm cháo, rau, củ, thịt, cá… và trữ đông trong tủ lạnh trong khoảng 3 – 7 ngày.

Đến bữa ăn mẹ hoặc bà lấy mỗi loại một viên ra hâm nóng lên là được bữa ăn đầy đủ chất cho con, rất nhanh mà lại đảm bảo dinh dưỡng. Với những người mẹ bận rộn, phải đi làm, con ở nhà với bà cũng yên tâm hơn rất nhiều.

Bí quyết ăn dặm của người Nhật có gì đặc biệt?

Nói về phương pháp ăn dặm kiểu Nhật đang được rất nhiều các bà mẹ Việt áp dụng khi bé bước vào độ tuổi làm quen với thức ăn mới, GS.Nakamura Teiji - Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản cho biết: “Bí quyết của các mẹ Nhật khi cho con ăn dặm là các mẹ luôn cố gắng để cho con ăn được tất cả các món ăn và tránh trường hợp bé thích ăn món này hoặc bé không thích, ghét ăn món kia.

Ăn dặm là giai đoạn trẻ tập ăn nên mẹ Nhật sẽ tập để trẻ không kén chọn đồ ăn, vì thói quen ăn uống của một em bé hình thành ngay từ giai đoạn bé ăn dặm”.

GS.Nakamura Teiji - Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản

GS.Nakamura Teiji - Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản

GS.Nakamura Teiji chia sẻ thêm, bản chất của giai đoạn ăn dặm là để giúp cho con làm quen với việc mình phải ăn nhiều nhóm thức ăn khác nhau thì mới cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cho cơ thể như khi ăn sữa mẹ hoàn toàn. Vì vậy, trong quá trình ăn dặm mà mẹ chỉ cho con ăn mỗi một loại thực phẩm thì đó là thất bại của quá trình ăn dặm.

Nếu mẹ cho con ăn thường xuyên một loại thực phẩm thì không những gây ra tình trạng thiếu chất cho trẻ mà còn dẫn đến sau này trẻ sẽ ghét một loại thực phẩm nào đó. Nguyên nhân là do từ bé trẻ đã không được ăn đều, đủ các loại thực phẩm. Từ đó hình thành ở trẻ tâm lý thích hoặc ghét món này, món kia.

Sự yêu, ghét rõ ràng các món ăn ở trẻ bị ảnh hưởng từ quá trình ăn dặm rất nhiều. Vậy nên, với các em bé, không nên cho con ăn mỗi một món, mà phải cho con ăn đa dạng các loại thực phẩm thì mới đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng và trẻ sẽ không bị kén ăn.

Tuy nhiên, cha mẹ cần nhớ, với trẻ dưới 1 tuổi, sữa vẫn là thức ăn chính cho bé, chứ không phải là ăn dặm. Nguồn dinh dưỡng chính bé nhận được là từ sữa, bé chỉ nhận được một phần dinh dưỡng rất ít từ ăn dặm.

Thời kì 3 tháng đầu ăn dặm (trẻ 6 - 9 tháng tuổi) là thời kì bé tập làm quen với thực phẩm ngoài, song song với lượng sữa con đang bú. Cha mẹ cần đảm bảo, ăn dặm không được làm bé bú ít lại, dưới 12 tháng tuổi trẻ vẫn cần bú đủ 600-800ml sữa mẹ hoặc sữa công thức mỗi ngày.

Ăn dặm là một quá trình ảnh hưởng đến cả khẩu vị và niềm yêu thích của bé cả cuộc đời. Cha mẹ có 6 tháng để tập cho bé ăn dặm, hãy cho bé ăn ít, uống đủ sữa mỗi ngày để bé vẫn phát triển tốt và sau này bé sẽ ăn nhiều, ăn ngon miệng hơn.

GS.Nakamura Teiji khuyên thêm, trong bữa ăn của trẻ, mẹ nên cung cấp đủ cho trẻ các nhóm thực phẩm gồm:

Nhóm 1: Thực phẩm tinh bột gồm cơm, bánh, các loại mì

Nhóm 2: Thực phẩm giàu đạm như trứng, cá, thịt…

Nhóm 3: Thực phẩm dạng rau xanh, củ, quả

Nhóm 4: Dầu, mỡ

Bữa ăn của trẻ đảm bảo đủ các nhóm thực phẩm nêu trên thì sẽ đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho con. Đồng thời, trong quá trình chế biến đồ ăn cho con, mẹ cần tăng thô phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của trẻ, giúp con học được các kỹ năng nhai, cầm, cắm…

Nếu trong một ngày mẹ cho con uống đủ sữa, tập ăn đủ các nhóm thực phẩm thì sẽ đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng để con phát triển khỏe mạnh.

Hãy nhớ là để trẻ tập làm quen dần với các món ăn để bé dễ dàng chấp nhận, bởi ăn dặm là một thử thách mới với trẻ. Không có phương pháp ăn dặm tốt nhất, chỉ có phương pháp nào bé đáp ứng tốt nhất, ăn uống vui vẻ nhất.

Empty

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính