Video dựa trên câu chuyện có thật tại Thái Lan của hai mẹ con mưu sinh bằng cách đẩy xe hoa quả đi bán rong mỗi ngày. Người mẹ nghèo ít học chỉ biết dạy cho con bằng thực tiễn chứ không phải dùng những lí thuyết hay lời lẽ hoa mỹ.
Thấy con loay hoay không biết xử lý quả dứa như thế nào, người mẹ liền lấy một quả khác và cùng con làm việc đó. Chị làm trước để con gái noi theo các bước của mình.
Người mẹ không hướng dẫn mà dạy con thực hành luôn, để con tự làm và rút ra kinh nghiệm cho những lần kế tiếp.
Một ngày kia, cô gái nhỏ nhìn thấy các bạn được ăn kem, ánh mắt của cô bé đầy khao khát và hy vọng. Thế nhưng nhìn vào số tiền ít ỏi mà mình có, người mẹ không đủ khả năng để tặng cho con gái món quà nhỏ ấy.
Đêm hôm đó, chị nghĩ ra cách để khiến con gái mình vui vẻ. Người mẹ cắt miếng dứa thành hình que kem và vùi vào trong đá. Hôm sau, cô bé con đã có một chiếc kem mát lạnh.
Nhờ câu nói vu vơ của con, chị lại nảy ra ý tưởng mới, đó là bán kem dứa. Tuy vậy, sau ngày đầu tiên đi bán hàng, con gái chị quay về với vẻ mặt ủ rũ và hỏi mẹ: “Sao không có ai mua kem cho con?”
Thấy vậy, người mẹ chỉ mỉm cười và dẫn con ra chợ, dặn con quan sát và học từ những người bán hàng khác.
Từ khi tìm được “bí quyết” kinh doanh của người bán đồ ngoài chợ, con gái chị đã học được cách ra giá và thu hút khách mua. Chẳng mấy chốc thùng kem dứa đã hết veo.
Bài học rút ra ở đây là thành công đến từ tự sự lập, biết bắt tay vào làm việc và học hỏi từ những người xung quanh. Ý tưởng dẫn đến thành công luôn xuất hiện ở mọi nơi, nhưng điều quan trọng là phải biết nắm bắt và đưa ra quyết định, đầu tư hết công sức và suy nghĩ của mình vào đó.
Clip chỉ dài 3 phút này đã để lại nhiều suy ngẫm cho các bậc phụ huynh trong cách dạy con thời hiện đại.
Hãy ghi nhớ câu nói “Cho cần câu hơn cho con cá”.
Kim OanhBạn đang xem bài viết Bài học dạy con từ quả dứa của người mẹ nghèo khiến nhiều người suy ngẫm tại chuyên mục Trẻ em của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].