Bà Ninh Thị Hồng, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng: Cách làm này của cô giáo tự nhiên lại biến thành đào tạo một em bé phát triển theo hướng hung hăng, dùng bạo lực để giải quyết vấn đề.
Liên quan tới vụ việc học sinh lớp 2 tố cáo bị cô giáo cho bạn tát 50 cái vì nói chuyện riêng, trao đổi với phóng viên Gia Đình Mới, bà Ninh Thị Hồng, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nêu quan điểm: “Khi trẻ mắc lỗi, hình thức giáo viên xử phạt học sinh bằng cách bắt học sinh khác tát vào mặt bạn mắc lỗi là hoàn toàn sai.
Hành vi này của giáo viên là xâm phạm thân thể trẻ, ảnh hưởng đến phát triển nhân cách trẻ. Cho dù trẻ phạm lỗi đến đâu cũng không nên để học sinh khác đánh bạn. Dùng bạo lực để dạy dỗ trẻ là phản giáo dục”.
Vị chuyên gia bảo vệ quyền trẻ em này còn cho rằng, cách phạt trẻ như vậy không những không làm trẻ nhận ra sai lầm mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, nhân cách của cả trẻ bị tát và trẻ tát bạn.
Đối với trẻ bị đánh, học sinh đó không thấy được sai lầm của mình mà sẽ cảm thấy xấu hổ, mặc cảm, thậm chí có tâm lý hậm hực, tức giận, thù ghét bạn đã đánh mình, thù ghét giáo viên đã xử phạt mình.
Còn với những em học sinh đã ra tay tát bạn cũng bị ảnh hưởng về tâm lý nặng nề. Cách làm này của cô giáo tự nhiên lại biến thành đào tạo một em bé phát triển theo hướng hung hăng, dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, không có tính người khi thẳng tay tát vào mặt bạn.
Trong trường hợp này cô giáo đã vi phạm nhiều lỗi, không chỉ có lỗi với em học sinh bị tát mà còn có lỗi với em học sinh tát bạn. Đây là một hình thức giáo dục không tốt đối với học sinh.
“Bình thường, một giáo viên chuẩn mực là phải giúp các em học sinh đoàn kết, gắn bó với nhau để giúp đỡ nhau học tập.
Khi chẳng may xảy ra mâu thuẫn giữa các học sinh, giáo viên phải là người định hướng để các em biết rằng có nhiều cách giải quyết mâu thuẫn và phải lựa chọn hướng mềm dẻo, không bạo lực.
Đằng này, chính cô giáo lại bắt học sinh đánh bạn, gây ra sự hằn học, bất hòa giữa các em trong lớp. Điều này ảnh hưởng không tốt đến trẻ, trẻ lớn lên trong bạo lực sẽ không tốt cho tâm sinh lý của trẻ” – bà Hồng bày tỏ.
Nói về biện pháp bảo vệ trẻ trong môi trường trường học, vị chuyên gia này chỉ rõ, các quy định về bảo vệ trẻ em đã được pháp luật quy định rõ, trẻ em phải được bảo vệ trong tất cả các môi trường: gia đình, nhà trường, xã hội. Trong luật giáo dục cũng có quy định về ứng xử, đạo đức của người thầy.
Về quy định chúng ta đã có rất nhiều các văn bản, điều quan trọng là làm thế nào để giáo viên thực hiện tốt nó trong thực tế.
Để làm được điều đó phải có sự giám sát của nhà trường đối với các thầy cô giáo, chú trọng đến đạo đức của nhà giáo và phải thường xuyên nhắc nhở, có những hình thức giám sát lẫn nhau ở các trường học.
Bởi, sự việc ở Quảng Bình vẫn chưa giải quyết xong thì lại tiếp tục xuất hiện sự việc tát học sinh ở Hà Nội.
Điều này khiến dư luận đặt ra nghi vấn tình trạng trẻ bị đánh không chỉ xảy ra ở một, hai trường mà thực trạng này đang diễn ra tại nhiều trường học, chỉ là sự việc chưa được phát hiện và đưa ra ánh sáng.
Chính vì vậy, ngành giáo dục phải có biện pháp để giám sát, có hình thức để nâng cao chất lượng của giáo viên.
Người giáo viên ngoài trình độ chuyên môn cần phải có đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng ứng xử linh hoạt, kỹ năng xử lý tình huống mềm dẻo…
Trong quá trình làm việc, giáo viên cũng cần được thường xuyên trau dồi kiến thức, trao đổi học hỏi kinh nghiệm, học tập kỹ năng mềm… và cần có sự giám sát chặt chẽ từ nhà trường, cộng đồng thì mới tốt lên được.
Ngoài ra, người lớn cũng phải dạy để trẻ biết, khi bạn mắc lỗi, cô giáo bắt học sinh đánh bạn là cô giáo sai, các em không được làm theo mệnh lệnh sai trái của cô, mà phải báo với nhà trường, báo với phụ huynh để có biện pháp xử lý kịp thời.