Liên quan tới vụ việc Nghi vấn học sinh lớp 2 tố cáo bị cô giáo cho bạn tát 50 cái vì nói chuyện riêng, trao đổi với phóng viên Gia Đình Mới, Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh bày tỏ: “Ngay tại trung tâm TP Hà Nội, cô giáo này không được nhà trường, các ban ngành đoàn thể, tivi, báo chí cập nhật thông tin vụ 231 cái tát sao?”
Thầy Thịnh kể, cách đây 2 năm, giáo viên trường thầy đánh học trò 2 cái vào tay. Dù rất thương cô giáo ấy và cô giáo cũng có chuyên môn vững vàng nhưng cuối cùng, trường vẫn quyết định đình chỉ công tác của giáo viên ấy.
“Ở trường tư, chỉ cần giáo viên đánh học trò 1 roi là đủ điều kiện để hiệu trưởng ra quyết định tạm dừng công tác”, Thầy Thịnh nói.
Thầy Thịnh tiếp tục đặt câu hỏi: “Từ dạy dỗ không đơn thuần vậy mà đều có hàm ý. Dạy 40% - Dỗ 60%. Có dỗ tốt mới có dạy tốt.
Khi người ta chọn vào Sư phạm không phải vì đam mê, vì yêu nghề mà vì được miễn giảm học phí, được ưu đãi tín dụng… hoặc đơn giản chỉ vì “không có trường nào chọn em nên em đành chọn sư phạm thì chắc chắn nhưng câu chuyện như 231 cái tát thần thánh hoặc 50 cái tát huyền thoại kiểu này sẽ còn dài dài. Có bao nhiêu phần trăm những người đang là giáo viên thực sự coi đó là một nghiệp?”
Thầy Thịnh nhấn mạnh: “Đã đến lúc cần có một nghiên cứu nghề nghiệp về việc ảnh hưởng của việc tuyển sinh đầu vào ngành sư phạm về ứng xử của giáo viên trong quan hệ với học sinh".
Trước đó, như đã đưa, theo tố cáo của phụ huynh cho hay, em P. (học sinh lớp 2A5) vì nói chuyện riêng trong lúc cô giáo giảng bài, nên đã bị cô giáo chủ nhiệm phạt bằng hình thức cho bạn cùng lớp tát vào mặt 50 cái.
Tuy nhiên, khi bị tát đến cái thứ 20 thì P. đau quá khóc lớn nên cô chủ nhiệm mới yêu cầu dừng lại. Học sinh này sau đó đã phải nghỉ học ở nhà sáng hôm sau vì một bên mặt bị sưng và tâm lý sợ hãi không dám đến trường.
Tú AnhBạn đang xem bài viết Vụ 'cô giáo cho học sinh tát bạn': 'Ở ngay Hà Nội mà không đọc vụ 231 cái tát sao?' tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].