Hãy tưởng tượng, vì một biến cố nào đó, bạn không còn giấy khai sinh, không ai biết bạn thực sự bao nhiêu tuổi. Tuổi thật của bạn giờ đây chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào cách mà bạn cảm nhận cơ thể mình. Vậy lúc này, bạn bao nhiêu tuổi?
Giống như chiều cao, cỡ giầy, tuổi là thứ không thể thay đổi.
Tuy nhiên, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, chúng ta không cảm nhận về tuổi tác theo cùng một cách. Một số người cảm thấy trẻ hơn trong khi người khác già hơn so với tuổi thực.
Đây thực sự là một đề tài nghiên cứu thú vị. Nhiều công trình nghiên cứu phát hiện ra rằng “tuổi chủ quan” (tuổi mà mọi người tự cảm nhận) có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định tại sao người này thì càng già càng... trẻ đẹp, còn người khác lại già trước tuổi.
“Mức độ mà người trưởng thành cảm thấy trẻ hơn so với tuổi thực có thể ảnh hưởng tới những quyết định quan trọng hàng ngày cũng như những quyết định đời người” – nhà khoa học Brian Nosek, tại Đại học Virginia, Mỹ.
Không chỉ ảnh hưởng đến vẻ ngoài, các vấn đề tâm lý, “tuổi chủ quan” còn ảnh hưởng tới rất nhiều lĩnh vực khác nhau của sức khỏe.
Thậm chí, cả tuổi thọ của bạn. Nói theo nghĩa đen, bạn thực sự “chỉ già như là bạn tự cảm thấy”.
Chính vì nguyên nhân này, các nhà khoa học đang lần từng nút thắt, lý giải cách làm thế nào để mỗi người tự cảm thấy trẻ trung hơn, từ đó giúp con người sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn.
Một trong những hiểu biết đầu tiên về sự khác nhau giữa “tuổi chủ quan” và tuổi thật xuất hiện từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước.
Đến nay các nhà khoa học càng ngày càng phát hiện ra nhiều lợi ích của việc “ảo tưởng” mình trẻ hơn so với tuổi thật.
Lợi ích hấp dẫn nhất của việc “tuổi chủ quan” ít hơn so với tuổi thật đó là: người có xu hướng “trẻ từ trong tâm hồn” vẫn giữ được sự hướng ngoại, cởi mở, thích những trải nghiệm mới – những đặc điểm tâm lý của người trẻ.
Đồng thời, những người này vẫn có sự tận tâm, tâm lý ổn định – ưu điểm của người lớn tuổi (những người tuân theo quá trình lão hóa thông thường).
Cảm thấy trẻ hơn so với tuổi thật cũng dường như đi kèm nguy cơ thấp hơn về mắc trầm cảm khi già đi.
Điều này cũng có nghĩa là sức khỏe thể chất tốt hơn, khả năng mất trí nhớ và các “bệnh già” ít hơn.
Yannick Stephan, nhà nghiên cứu tại Đại học Montpellier (Pháp) đã kiểm tra dữ liệu từ 3 nghiên cứu, có sự tham gia của hơn 17.000 người tham gia trung niên và cao tuổi.
Kết quả cho thấy hầu hết mọi người cảm thấy trẻ hơn tới 8 tuổi so với tuổi thực tế của họ.
Nhưng một số người cảm thấy họ già hơn tuổi thật - và hậu quả rất nghiêm trọng. Cảm thấy già hơn từ 8 đến 13 tuổi so với tuổi thực tế dẫn đến nguy cơ tử vong cao hơn từ 18-25%.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có sự quan hệ 2 chiều giữa cảm nhận về tuổi tác với sức khỏe thể chất, tinh thần.
Nếu bạn cảm thấy tuổi chủ quan thấp, bạn hăng hái tham gia các hoạt động thể chất, do đó sức khỏe tốt lên đáng kể.
Ngược lại, nếu bạn cảm thấy mình yếu ớt, hay quên, tự nhiên bạn sẽ thấy “già hơn tuổi thật”, do đó bạn ngại vận động, sức khỏe sẽ đi xuống.
Phân tích của Stephan, mới được đăng trên tạp chí Y học Tâm thần (Psychosomatic Medicine), là nghiên cứu lớn nhất về ảnh hưởng của tuổi chủ quan đến tử vong cho tới nay.
Làm cách nào để “tuổi tác chỉ là con số”?
Các nhà khoa học đang nỗ lực để chỉ ra những yếu tố xã hội và tâm lý tác động đến “tuổi chủ quan”.
Những câu hỏi được đặt ra là: Bắt đầu từ khi nào chúng ta cảm thấy cơ thể và tâm hồn vận hành “lệch pha” về thời gian? Tại sao điều đó diễn ra?
Điều thú vị mà các nhà khoa học Mỹ phát hiện ra là, hầu hết trẻ em và trẻ vị thành niên đều cảm thấy “lớn” hơn so với tuổi thật.
Nhưng cho đến tầm 25 tuổi, tuổi chủ quan bắt đầu giảm so với tuổi thật.
Đến tuổi 30, khoảng 70% mọi người đều cảm thấy mình trẻ hơn tuổi thật.
Về độ tuổi mong muốn đạt tới, chu trình cũng diễn ra tương tự. Cụ thể, có tới 60% những người 20 tuổi mong rằng mình lớn tuổi hơn.
Tuy nhiên, đến 26 tuổi, có 70% những người được khảo sát muốn trẻ hơn.
Một số nhà tâm lý học suy đoán rằng “ảo giác” trẻ hơn tuổi thật là một hình thức tự vệ, bảo vệ chúng ta khỏi những khuôn mẫu tiêu cực về tuổi tác.
Nghiên cứu của Anna Kornadt (Đại học Bielefeld, Đức) đã chứng minh điều này. Anna phát hiện ra rằng: cảm nhận tuổi chủ quan của mọi người thay đổi trong các lĩnh vực khác nhau.
Ví dụ, trong công việc bạn cảm thấy mình ở một “lứa tuổi” khác so với trong các mối quan hệ xã hội.
Một người có thể nói: “Tôi có thể là 65 tuổi ngoài xã hội nhưng tôi chỉ cảm thấy 50 tuổi khi làm việc” – điều ấy chứng tỏ anh ta ít lo lắng về hiệu suất tại nơi làm việc. Anna Kornadt thấy rằng những người có tuổi chủ quan thấp hơn tuổi thực có khuynh hướng tưởng tượng tương lai theo chiều hướng tích cực hơn.
Một số công trình nghiên cứu cho thấy, những người lớn tuổi khi tham gia tập luyện thể thao đã thu được kết quả sức khỏe lớn hơn, khi học được huấn luyện viên khen ngợi là “khỏe hơn so với những người cùng tuổi”.
Dù vậy, các nhà khoa học đến nay mới nắm được những tác động mang tính tiềm năng, những nghiên cứu trong tương lai có thể cố gắng giảm "tuổi chủ quan" của người tham gia, từ đó thúc đẩy sức khỏe của họ.
Thậm chí có nhà khoa học còn cho rằng, các bác sĩ nên hỏi bệnh nhân “tuổi chủ quan” mà họ tự cảm nhận, từ đó chẩn đoán xem ai là người có thể đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe trong tương lai.