Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) không đầy đủ sẽ gặp tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu hụt vi chất, làm bệnh tiến triển nhanh và nặng nề hơn.
Bệnh COPD đặc trưng bởi các triệu chứng hô hấp dai dẳng và giới hạn luồng khí, là hậu quả của những bất thường của đường thở và/hoặc phế nang thường do phơi nhiễm với các phân tử hoặc khí độc hại.
Bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp – ngừng thở, tràn khí màng phổi, tăng áp lực động mạch phổi, suy tim, trào ngược dạ dày-thực quản, suy kiệt, thiếu vi chất…
Theo ThS.BS Nguyễn Văn Nguyên, Bệnh viện ĐK Nông Nghiệp, nguyên nhân gây suy kiệt ở người bệnh COPD là do tăng tiêu hao năng lượng, giảm khẩu phần ăn, chán ăn do khó thở, ăn uống không ngon miệng…
Chính vì ăn uống không đảm bảo, suy giảm protein cơ bắp, chán ăn kéo dài… làm người bệnh COPD bị suy dinh dưỡng. Và hậu quả của suy dinh dưỡng ở người bệnh dẫn tới suy giảm khả năng miễn dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhiễm khuẩn phát triển và dẫn tới các đợt cấp của bệnh, làm bệnh tiến triển nhanh và nặng.
Do đó, việc can thiệp dinh dưỡng cho người bệnh COPD đóng vai trò quan trọng giúp bệnh nhân điều trị và phòng suy kiệt, nâng cao hiệu quả điều trị, rút ngắn thời gian nằm viện, hạn chế độ nặng của bệnh, giảm chi phí và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bác sĩ Nguyên cũng khuyến cáo, nguyên tắc dinh dưỡng cho người bệnh COPD cần đảm bảo: Cung cấp đủ và đúng năng lượng; Ưu tiên ăn đường miệng; Đảm bảo đủ vitamin, khoáng chất và chất xơ; Giữ ổn định cân nặng lý tưởng (không để giảm cân); Uống đủ nước (khoảng 1,5 lít nước/ngày); Hạn chế muối (
Theo đó, những loại thực phẩm người bệnh COPD nên dùng gồm:
- Nhóm chất bột: Gạo, mỳ, ngô, khoai, sắn..., nên chọn gạo lứt, bánh mỳ đen hoặc ngũ cốc xay xát dối thay cho gạo trắng, bún, phở, gạo trắng hoặc các thực phẩm qua tinh chế.
- Nhóm chất đạm: Tăng cường các thực phẩm giàu đạm có nguồn gốc động vật ít béo như: thịt bò, thịt gà; đặc biệt các loài cá, tôm… Đạm thực vật: đậu tương, nấm, cây họ đậu…
- Nhóm chất béo: Dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu vừng...)
- Nhóm rau: Đa dạng các loại rau, các loại rau mềm, non.
- Nhóm quả: Các loại trái cây tươi, ăn cam, quýt cả múi…
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người bệnh COPD cần hạn chế thực phẩm không tốt cho sức khỏe như:
- Phủ tạng động vật như: tim, gan, bầu dục, lòng…
- Những thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối như thịt muối, cá hộp, giò, chả…
- Mỡ động vật có vú
- Các loại bánh kẹo ngọt chứa nhiều đường.
- Các loại quả sấy khô.
- Rượu, bia, nước ngọt có đường
- Hạn chế các món rán, chiên, thay vào đó nên ăn nhiều món luộc, hấp, chế biến mềm nhừ dễ tiêu hóa.