Bệnh đường hô hấp đứng hàng đầu trong các bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Trong đó, yếu tố thời tiết có mối liên quan trực tiếp đến bệnh. Vậy, cha mẹ phải làm gì để phòng các bệnh đường hô hấp cho con lúc giao mùa?
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), nguyên nhân gây ra bệnh đường hô hấp ở trẻ là sự thay đổi thất thường của thời tiết, thay đổi môi trường sống đột ngột khiến cơ thể trẻ không kịp thích nghi và dẫn đến nhiễm bệnh.
Nguyên nhân thứ hai cũng không kém phần quan trọng đó là do virus, vi khuẩn tấn công vào hệ miễn dịch vẫn còn non nớt của trẻ.
Ngoài ra, cách thức chăm sóc, tự khám/chữa bệnh sai phương pháp của cha mẹ cũng góp phần làm quá trình điều trị bệnh khó khăn hơn.
Do đó, để phòng các bệnh đường hô hấp ở trẻ nhỏ trong thời điểm giao mùa, cha mẹ cần hạn chế tối đa các nguyên nhân gây bệnh cho trẻ.
Trong đó, phải đảm bảo 3 yếu tố: Môi trường sống của trẻ luôn sạch sẽ; Chế độ dinh dưỡng phải đủ chất và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; Nâng cao hệ miễn dịch, gia tăng sức đề kháng cho trẻ.
Cần đưa trẻ đi khám ngay khi có một trong các biểu hiện sau:
- Sốt cao liên tục dùng thuốc và chườm ấm không hạ sốt.
- Trẻ ho nhiều, thở nhanh, khó thở.
- Trẻ thở nhanh, thở gấp và rút lõm lồng ngực
- Trẻ nôn nhiều, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày.
- Chảy mủ tai.
- Không tốt lên sau hai ngày điều trị.
Môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát
Sức khỏe của con người nói chung và trẻ nhỏ nói riêng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi môi trường sống.
Không khí ô nhiễm, thiếu oxy, tràn ngập khí độc từ khói xe, bụi công nghiệp, nhiệt độ tăng cao… làm cho sức khỏe bị suy yếu, nhất là trẻ nhỏ.
Đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh đường hô hấp của trẻ như viêm mũi, hen phế quản, ho, sổ mũi…
Bên cạnh đó, sự thay đổi môi trường theo chiều hướng tiêu cực cũng là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển.
Không chỉ các mầm bệnh cũ gia tăng mà kéo theo đó là sự xuất hiện và biến dạng phức tạp của các mầm bệnh mới.
Vì vậy để phòng ngừa các bệnh đường hô hấp, cha mẹ cần cải thiện môi trường sống của trẻ.
Cần tạo cho trẻ môi trường sống gần gũi với thiên nhiên để hình thành khả năng thích nghi với các hoàn cảnh khác nhau, giúp nâng cao khả năng miễn dịch, khả năng thích ứng để phòng tránh được bệnh tật.
Môi trường sinh hoạt, nhà cửa, phòng ngủ của bé phải thoáng mát, giảm bớt hoặc loại trừ các yếu tố gây bệnh đường hô hấp như khói (khói thuốc lá, khói thuốc lào, khói bếp, khói than, khói hương, khói ô tô, xe máy…), bụi, nấm mốc, lông súc vật…
Với những gia đình sống gần mặt đường, cần có các biện pháp che chắn để chống bụi trong nhà.
Không khí trong nhà phải được luân chuyển, đừng đóng kín cửa, bật điều hòa suốt ngày. Thi thoảng phải mở tung cửa để không khí trong nhà được luân chuyển, khô ráo, thoáng mát.
Dinh dưỡng đúng cách
Với trẻ nhỏ, nếu cung cấp đầy đủ dinh dưỡng trẻ sẽ phát triển toàn diện về cân nặng, chiều cao, cũng như phát triển trí tuệ, bên cạnh đó hệ miễn dịch cũng được tăng cường.
Trẻ sau 6 tháng tuổi, miễn dịch thu nhận từ mẹ giảm dần, trong khi đó miễn dịch thu được trong cuộc sống chưa có.
Chính vì vậy, khả năng đề kháng và miễn dịch của trẻ vẫn chưa hoàn thiện đầy đủ. Đó là những nguyên nhân làm cho trẻ dễ mắc các bệnh viêm nhiễm nói chung và các bệnh đường hô hấp nói riêng.
Vì vậy, cần đảm bảo cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh và kéo dài đến 24 tháng tuổi. Đến thời kỳ trẻ ăn dặm, sau 6 tháng tuổi, chế độ ăn của trẻ lúc này cần đầy đủ đạm, béo, vitamin và khoáng chất…
Khi được nuôi dưỡng tốt đồng nghĩa với việc cơ thể trẻ được cung cấp đầy đủ các chất để cơ thể tự tạo ra kháng thể, giúp cơ thể chống đỡ được bệnh tật.
Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, cha mẹ cần đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ.
Quá trình chế biến thức ăn cho trẻ phải lựa chọn thực phẩm sạch, nước sạch, dụng cụ chế biến cũng cần được vệ sinh đúng cách để ngăn ngừa virus, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể trẻ.
Tăng cường khả năng miễn dịch
Hệ miễn dịch được coi là hàng rào tự nhiên ngăn chặn và tiêu diệt các mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài, giúp trẻ không bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Tuy nhiên, ngay từ những năm tháng đầu đời, hệ miễn dịch của trẻ còn rất non nớt, cơ thể trẻ chưa sản xuất đủ kháng thể để chống lại các tác nhân gây bệnh.
Chính vì vậy, để tăng cường hệ miễn dịch, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, giúp bé có đủ đề kháng ngăn ngừa các dịch bệnh nguy hiểm như ho gà, bại liệt, thủy đậu, sởi…
Cha mẹ cũng có thể tăng sức đề kháng của em bé bằng cách cho trẻ chơi, chạy nhảy ngoài thiên nhiên nhiều hơn. Thay vì để trẻ làm bạn với tivi, điện thoại… hãy thường xuyên đưa trẻ đi chơi công viên, hòa mình với thiên nhiên để giúp trẻ tăng cường khả năng miễn dịch.
Bên cạnh đó, vấn đề ăn uống, nuôi dưỡng không đầy đủ cũng làm ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch của trẻ.
Thực tế cho thấy, chế độ ăn của trẻ em Việt Nam đang tồn tại khiếm khuyết, kể cả những trẻ được chăm bẵm khá tốt vẫn thiếu calci, sắt, kẽm, iod…
Sở dĩ có thực trạng này là do người dân hiện nay đang chuyển dần phương thức tiêu dùng thực phẩm tự nhiên sang thực phẩm công nghiệp, thực phẩm bảo quản, thực phẩm chế biến sẵn… và dễ dẫn đến thiếu hụt vitamin, khoáng chất, chất xơ và các chất chống oxy hóa.
Chính điều này đã dẫn đến sự gia tăng của các loại bệnh dịch nguy hiểm, trong đó có các bệnh đường hô hấp ở trẻ nhỏ.
Do đó, việc bổ sung các chất dinh dưỡng bị thiếu hụt là rất cần thiết để nâng cao sức đề kháng và khả năng miễn dịch của trẻ.
Cách vệ sinh mũi họng khi trẻ bị các bệnh đường hô hấp
- Nếu trẻ mới bị ngạt mũi nhẹ, dịch mũi còn lỏng thì có thể lau rửa mũi ngay bằng khăn mềm. Trong trường hợp dịch mũi đặc, có gỉ mũi thì nhỏ 2 - 3 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi, đợi một lúc cho nước muối ngấm làm mềm gỉ mũi rồi nhẹ nhàng dùng tay day day mũi bé để gỉ mũi mềm và bong ra.
- Nếu dịch mũi quá nhiều và đặc có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút cho trẻ. Tuy nhiên không nên lạm dụng hút mũi vì cách này có thể tạo áp lực gây tổn thương niêm mạc mũi. Tuyệt đối không dùng miệng của người lớn trực tiếp hút mũi dãi cho trẻ.
- Dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng. Không nên dùng khăn xô vì sau mỗi lần lau mũi, dãi cho trẻ, nếu không thay khăn mới, dùng lại khăn cũ vi khuẩn/virus vẫn bám lại trên khăn.