Cách giữ hoa đào tươi lâu trong những ngày Tết, bí quyết 'thúc, hãm' để hoa đào nở rộ đúng ngày mùng 1 Tết như ý muốn, tham khảo ngay.
Hoa đào là loài hoa đặc trưng vào dịp Tết cổ truyền ở miền Bắc. Hoa đào có ý nghĩa diệt trừ ma quỷ, mang may mắn, phúc lộc vào nhà.
Để có hoa đào tươi đẹp và rực rỡ đón Tết, hãy tham khảo những bí quyết dưới đây.
Nhiều người thường đốt gốc đào trước khi cắm cành đào với suy nghĩ là để diệt khuẩn, diệt nấm, hạn chế đào chảy nhựa, mất chất dinh dưỡng..., tuy nhiên đây là việc làm sai lầm, thậm chí phản tác dụng.
Việc đốt gốc đào sẽ sẽ gây tắc các mạch, khiến cành đào không thể hút được nước, chất dinh dưỡng để nuôi cành, làm cho cành đào nhanh héo, hoa chóng tàn.
Bí quyết giữ đào tươi lâu phải bắt đầu từ bước chọn cành đào, cây đào từ vườn hoặc chợ. Nếu mua cây, khi đánh cây cần tránh làm đứt rễ, vỡ bầu. Nếu mua cành đào, nên chọn cành tươi, thân chắc khỏe, nụ nhiều và mập mạp.
Trước khi cắm cành đào, bạn phải rửa sạch bình và dùng nước sạch để cắm hoa. Bình hoa nên để nơi khuất gió và giữ ấm. Nên thay nước trong bình 2-3 ngày một lần, mỗi lần thay nước thì rửa sạch phần cành đào trong nước.
Bạn cũng có thể thả vào bình hoa vài viên B1 hoặc kali để thêm chất dinh dưỡng nuôi hoa.
Với cây đào, bạn nên tưới nước sạch thường xuyên nhưng không cần tưới quá nhiều vì đào là loại cây ưa khô, nếu tưới nhiều sẽ làm gốc đào bị úng, thối rễ.
Nếu đào sát Tết vẫn chưa nở, muốn thúc hoa nở nhanh hơn bạn chỉ cần cắm cành đào bằng nước ấm, hoặc đắp vôi xung quanh gốc với cây đào. Bổ sung đủ nước cho đào và giữ đào trong phòng kín, nhiệt độ ấm.
Nếu muốn hoa đào nở chậm hơn, bạn hãy cắm cành đào bằng nước lạnh, hoặc với cây đào thì bạn khía nhẹ một vòng quanh thân cách phần gốc từ 10 - 15 cm để hạn chế chất dinh dưỡng lên nuôi hoa.
Bạn có thể rải thêm lớp sỏi quanh gốc đào để làm mát và để đào nơi thoáng mát cho hoa ở chậm lại.