Khác với những căn bệnh ‘giết người thầm lặng’ khác, bệnh gout được báo hiệu bằng những cơn đau dữ dội, xảy ra một cách đột ngột, thường vào ban đêm, nhất là sau bữa ăn nhiều đạm.
Cẩn trọng với cơn đau lúc nửa đêm ở ngón chân cái
Những cơn đau lúc nửa đêm ở ngón chân cái, cùng với cảm giác nóng rát rất có thể là dấu hiệu cảnh báo của bệnh guot.
Bởi, cơn viêm gout cấp tính (viêm khớp do gout) là một dạng viêm khớp đặc trưng là các cơn đau nặng nề, đột ngột, khớp sưng đỏ…
Các cơn đau do gout gây ra ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Cơn đau điển hình có thể kéo dài 5 - 10 ngày rồi ngưng. Khó chịu sẽ giảm dần sau 1 - 2 tuần, các khớp có vẻ không có gì bất thường song sẵn sàng tái phát ngay khi có yếu tố gây mầm bệnh.
PGS.TS. Trần Đình Toán, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng cho biết, bệnh gout liên quan chặt chẽ đến điều kiện sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng.
Chính chế độ ăn uống thiếu hợp lý, sử dụng rượu bia nhiều là một trong những nguyên nhân làm tăng acid uric máu – nguyên nhân gây bệnh gout.
Một nguyên nhân nữa là nhận thức về bệnh gout của người dân Việt Nam thấp. Không hiếm bệnh nhân chỉ đến bệnh viện khi sưng đau khớp và nhiều người bệnh quan niệm điều trị bệnh là phải tiêm thuốc để bệnh khỏi hẳn trong khi gout chưa có biện pháp điều trị khỏi hoàn toàn.
Hơn nữa, nhiều người sau khi phát hiện ra bệnh thường bỏ điều trị bằng Tây y mà chuyển sang các phương pháp điều trị không chính thống.
Bệnh gout nếu điều trị không đúng, không kiểm soát tốt acid uric máu sẽ để lại nhiều hậu quả nặng nề như biến dạng khớp, suy thận và ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.
Các biểu hiện điển hình của cơn gout cấp tính
- Viêm khớp xảy ra đột ngột, thường hay xảy ra vào ban đêm.
- Các triệu chứng viêm khớp đạt đến mức tối đa sau vài giờ.
- Cường độ đau dữ dội, tăng cảm khi sờ mó, những cử động dù nhỏ cũng có thể gây đau tăng.
- Thời gian cơn gout cấp tính kéo dài vài ngày đến 10 ngày. Biểu hiện viêm khớp dần mất đi (đôi khi diễn biến của viêm khớp không liên quan đến các thuốc điều trị).
- Da vùng khớp viêm sưng, nề, nóng, đỏ, căng bóng, tăng nhạy cảm do giãn mạch máu ở lớp nông.
- Triệu chứng đi kèm: sốt vừa hoặc sốt cao, bạch cầu tăng, tốc độ máu lắng tăng cao. Dịch khớp có nhiều bạch cầu, soi tìm thấy các tinh thể urat trong các bạch cầu, đôi khi thấy các tế bào hình chùm nho.
Những biến chứng của bệnh gout
Biến chứng liên quan đến tổn thương xương khớp
Đó là tình trạng hủy hoại khớp, đầu xương, làm bệnh nhân tàn phế. Các hạt tophy bị loét vỡ, khiến vi khuẩn xâm nhập vào trong khớp gây viêm khớp nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết.
Biến chứng liên quan trong gout mạn tính
Có thể có lắng đọng muối urat trong thận tạo thành sỏi thận. Ngoài ra, tăng nguy cơ thận ứ nước ứ mủ, suy thận, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim...
Biến chứng do chẩn đoán nhầm với viêm khớp nhiễm khuẩn
Với biến chứng này thường được điều trị bằng rất nhiều loại kháng sinh khác nhau có thể dẫn đến nguy cơ bị dị ứng kháng sinh, thậm chí có thể gây tử vong.
Một trong những chẩn đoán nhầm khác là viêm khớp dạng thấp dẫn đến điều trị tràn lan bằng các thuốc chống viêm không steroid, prednisolon, dexamethason, với hậu quả là biến chứng lao, loãng xương, gãy xương, đái tháo đường, tăng huyết áp.
Biến chứng liên quan đến tai biến do dùng thuốc
Ngay cả khi chẩn đoán đúng, việc điều trị gout cũng có thể gây nên tai biến do các thuốc chống viêm không steroid có thể gây tổn thương nhiều cơ quan như tuần hoàn, thận, tiêu hóa, miễn dịch (dị ứng).
Cách phòng ngừa bệnh gout tái phát
Nguyên nhân gây ra bệnh gout liên quan chặt chẽ đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Vậy nên, cách hiệu quả nhất để phòng ngừa gout tái phát là duy trì chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý.
Theo PGS.TS Trần Đình Toán, khi đã được chẩn đoán xác định là bị bệnh gout, chế độ ăn uống của bệnh nhân có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hạ acid uric huyết bằng hạn chế đưa nhân purin vào cơ thể theo các cách sau:
- Hạn chế thức ăn có nhiều nhân purine (các loại thịt lợn, thịt bò, gia cầm, hải sản…). Dùng phương pháp thái miếng nhỏ chừng 1 - 2 lạng, luộc chín kỹ, đổ nước luộc đi không dùng.
Hạn chế các món rang, xào khô, ít nước. Đồng thời cũng cần hạn chế ăn các loại phủ tạng động vật như gan, lòng, óc…
- Hạn chế thức uống có nhiều baze purine như bia, cà phê, chè, socola, nước ép thịt.
- Hạn chế các loại quả, rau có vị chua, hạn chế ăn nấm
- Nên uống nhiều nước, uống các loại nước khoáng kiềm, ăn các loại rau quả có tính lợi tiểu để tránh acid uric đọng lại trong cơ thể. Ưu tiên chọn các loại thực phẩm có hàm lượng nhân purine thấp để sử dụng.
3 nhóm thực phẩm có tỷ lệ nhân purine từ ít đến nhiều như sau:
1.Nhóm có ít (từ 0 - 15mg/100g thực phẩm):
Ngũ cốc, bơ, dầu mỡ, đường sữa, rau quả các loại…
2.Nhóm trung bình (từ 50 - 150 mg/100g thực phẩm):
Thịt nạc, cá, gia cầm, hải sản, đậu đỗ...
3.Nhóm có nhiều (trên 150g/100g thực phẩm):
Óc, gan, bầu dục, lòng, dồi, nước luộc thịt, nấm ăn...