Jonathan Hirshon có tới 3.000 bạn bè trên mạng xã hội Facebook nhưng không một ai trong số họ biết được gương mặt của ông như thế nào.
Vào đầu tháng 12/2017, Facebook công bố họ sẽ sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt để người sử dụng biết mỗi khi ảnh của họ được upload lên mạng xã hội này.
Tính năng này có thể sẽ vô cùng hữu ích đối với một người – Jonathan Hirshon, chuyên nghiên cứu về quan hệ cộng đồng, người đã thu xếp để ‘mai danh ẩn tích’ trên mạng xã hội từ hơn 20 năm trước.
Ông có 3.000 friend trên Facebook, thường xuyên cập nhật profile với các thông tin cá nhân – đi đâu vào kỳ nghỉ, nấu gì trong bữa tối cũng như tình trạng sức khỏe.
Nhưng có một điều không bao giờ ông chia sẻ trên mạng xã hội, cũng như bất cứ nơi nào khác online, đó là bức ảnh của cá nhân ông.
Đó là hành động, theo như ông nói, là ‘gào thét về cá nhân trước toàn thế giới’.
‘Tôi chọn cách chia sẻ bằng hình ảnh mọi thứ về bản thân trên mạng xã hội, nhưng gương mặt của tôi là bản chất của tôi, mang tính cá nhân. Đó là mảnh nhỏ cuối cùng về thông tin cá nhân mà tôi có thể kiểm soát được’ - Jonathan Hirshon nói.
Một trong những cuộc tranh luận lớn nổ ra năm 2018 có liên quan đến thông tin cá nhân.
Đó là: Chúng ta chia sẻ thông tin cá nhân như thế nào, diều gì mà Facebook, Amazon và Google có thể làm với những thông tin đó, chuyện gì có thể xảy ra khi thông tin bị đánh cắp hay hack.
Một phần nguyên nhân xảy ra tranh luận là một số luật mới của Châu Âu, rất nghiêm ngặt trong việc trả lại cho công dân quyền kiểm soát dữ liệu. Những văn bản luật này dự kiến có hiệu lực vào tháng 5/2018.
Nhiều người tin rằng Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) sẽ biến các dữ liệu cá nhân trở thành hàng hóa – có giá trị không khác gì dầu mỏ - và rằng các cá nhân có thể chia sẻ, bán thông tin đó cho lợi ích của họ.
Ông Hirshon hi vọng rằng Mỹ cũng sẽ áp dụng những luật tương tự, nhưng ông hồ nghi rằng con người có thể ngay lập tức trở nên giàu có nhờ thông tin cá nhân.
‘Tôi hoàn toàn ủng hộ thông tin này nhưng để đạt được điều đó, con người sẽ phải thay đổi hoàn toàn cách tư duy của họ khi sử dụng mạng xã hội.
Ngay lúc này, chúng ta sử dụng các dịch vụ mạng xã hội hoàn toàn miễn phí, mạng xã hội kiếm tiền bằng cách bán quảng cáo. Các quảng cáo nhắm rất trúng vào từng cá nhân bởi vì họ quá hiểu chúng ta.
Cho đến khi chúng ta chọn cách trả tiền cho mạng xã hôi, khi đó chúng ta mới có thể lựa chọn giữ các thông tin các nhân và tự kiếm tiền từ chúng. Còn không thì, ý tưởng sẽ chỉ là ý tưởng mà thôi’.
Ông Hirshon cũng nhận thức rất rõ rằng Internet là nơi ít có sự ẩn danh nhất trên Trái đất.
‘Bảo mật là ảo tưởng – thực tế thì khi bạn sử dụng Internet, bạn để lại dấu vết của mình ở khắp nơi’.
25 năm trước – khi mà Internet đang còn sơ khai – ông Hirshon đã thực hiện một ‘quyết định có ý thức’ về việc giữ các bức ảnh của mình không bị đăng lên web.
‘Chuyện này bắt đầu như một trò chơi, tôi muốn xem bao lâu sau tôi vẫn có thể làm điều đó’- ông nói - ‘Và 25 năm sau việc này vẫn tiếp tục’
Rõ ràng là Hirshon thích thú tình trạng làm ‘người đàn ông bí ẩn’ trên mạng.
‘Khi mọi người hỏi tôi tại sao lại làm thế, tôi đưa cho họ 4 lựa chọn: 1. Tôi xấu hổ -2. Tôi đã từng làm việc như một gián điệp, 3. Tôi đang tham gia chương trình bảo vệ nhân chứng, 4- Tất cả các điều trên’.
‘Tôi không xác nhận hoặc bác bỏ bất cứ điều nào trên đây’.
Quy định về bảo vệ dữ liệu – điều luật lớn sẽ thay đổi Facebook?
Một cuộc hội thảo gần đây bàn về GDPR, Chủ tịch về bảo mật của Facebook, Stephen Deadman, đã miêu tả GDPR như là sự thay đổi đơn lẻ, lớn nhất đối với Facebook kể từ khi hệ thống này bắt đầu hình thành.
Julian Saunders, tổng giám đốc của PORT.im – một công ty chuyên về bảng điều khiển (dashboard) dữ liệu cá nhân, đã nói: ‘Đây là một điều luật quan trọng, thay đổi cơ bản mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các cá nhân.
Dữ liệu là sức mạnh, đó là điều mà các công ty đã biết từ lâu. Giờ thì, gió đã đổi chiều’.
‘Các cá nhân sẽ ở những vị trí tốt hơn để biết rằng các dữ liệu của họ được dùng ở đâu và những người nào được chia sẻ dữ liệu đó’.
Rõ ràng là gương mặt của chúng ta đang trở thành một phần ‘dấu chân điện tử’ của mỗi cá nhân.
Công nghệ nhận diện gương mặt đã được sử dụng bởi Facebook từ năm 2010 để nhận diện và tag những người dùng.
Các công ty thẻ tín dụng cũng đang xem xét việc dùng ảnh selfie để chấp nhận chi trả, trong khi các trường học thì xem xét dùng công nghệ này để kiểm tra sĩ số và các cơ quan thực thi luật pháp đã dùng nó để theo dõi tội phạm.
Chiếc điện thoại iPhone X, sản phẩm tối tân của Apple, cũng sử dụng nhận diện gương mặt để xác nhận chủ điệnt hoại và giữ cho điện thoại an toàn.
Một cách tương đối đáng ngạc nhiên, ông Hirshon lại tỏ ra thích ý tưởng này:
‘Tôi định nâng đời điện thoại và tôi muốn thay thế nó bằng 1 chiếc iPhone X’.
‘Tôi tin tưởng Apple. Rất nhiều điểm nhận dạng gương mặt sẽ được giữ chỉ trên điện thoại. Apple sẽ không có được thông tin đó. Nhưng tôi sẽ không mua một cái điện thoại của Google’.
Từ những người chụp ảnh selfies cho khách du lịch đang tìm kiếm shot hình hoàn hảo, thế giới hiện đang đầy ắp những người thích nhá hình.
Việc chia sẻ cuộc sống của chúng ta trên Instagram và các mạng xã hội khác trở thành một phần bình thường của thói quen hàng ngày.
Nhưng ông Hirshon nói: "Tôi đã học cách quay đầu khi tôi ở trong đám đông.
Ông thường xuyên thuyết trình tại các hội nghị - nơi mà ông cho là ‘nguy cơ cao’ cho cuộc thánh chiến trực tuyến nhằm mục đích giấu tên của ông.
Slide đầu tiên của ông – bất kể chủ đề ông nói đến - luôn luôn là hình ảnh của một máy ảnh với một dấu gạch chéo màu đỏ xuyên qua nó.
Ông cũng yêu cầu ban tổ chức nhắc nhở khán giả rằng không ai nên chụp hình ông và đăng lên mạng.
Giữ sự ẩn danh trong xã hội công nghệ thông tin quả là một công việc khó khăn.
Ông thường xuyên lướt Internet để tìm kiếm những bức ảnh của mình có thể vô tình bị lọt lên mạng, nhưng đáng chú ý trong 25 năm qua ông chỉ tìm thấy 2 bức ảnh như vậy.
Cả hai đều xảy ra sau các buổi hội thảo mà anh ấy tham gia ở Serbia và Croatia - và các bức ảnh xuất hiện trên Twitter.
‘Tôi đã chạy đua để tìm những người bạn song ngữ trong cả hai trường hợp để gửi một tweet khẩn cấp yêu cầu gỡ ảnh tôi xuống.
‘Cả hai đều rất vui vẻ thực hiện yêu cầu của tôi, họ rất lấy làm tiếc. Không có gì là xấu xa, chỉ là vấn đề hiểu lầm về ngôn ngữ mà thôi’.
Ông có suy nghĩ thực tế về việc ‘mai danh ẩn tích’ của mình:
‘Cuối cùng thì nó cũng kết thúc thôi, nhưng khi đó tôi chuẩn bị sẵn một giải pháp mà tôi gọi là bắt chước Spartacus."
Trong những bộ phim thập niên 1960, danh tính của Spartacus được bảo vệ khi nhiều nô lệ theo phong trào của ông đứng lên và tuyên bố: ‘Tôi là Spartacus’.
Ông Hirshon đã áp dụng ý tưởng đó cho thời đại kỹ thuật số.
‘Cách đây vài năm, tôi yêu cầu bạn bè gắn thẻ những bức ảnh của những người ngẫu nhiên, thú vật, khoáng chất với tên tôi và thả lên Google.
‘Vì vậy, bây giờ, khi một bức ảnh trượt qua mạng, điều đó sẽ không thành vấn đề bởi vì bạn sẽ không thể biết bức ảnh nào chính xác là tôi’.