Sống với nhau 40 năm, có với nhau 3 mặt con và 6 đứa cháu, điều ông Nhan dành cho bà Tảo được gói gọn trong một chữ “Thương”.
Lửng buổi sáng một ngày tháng 7, bà Phạm Thị Tảo (sinh năm 1960, quê Liên Khê, Khoái Châu, Hưng Yên) trở dậy, lục tục dọn dẹp phòng trọ. Bà thu dọn mâm cơm tối qua ăn được lưng bát phải vội lên giường nằm vì mệt quá, giũ cái áo ở góc giường, lập cập bám vào thành tường đi chỗ này, chỗ kia trong căn phòng rộng chỉ hơn 10 mét vuông.
Cách đó khoảng 40 cây số, ông Bùi Hữu Nhan (sinh năm 1952) dậy từ tinh mơ. Ông lần lượt hoàn thành thủ tục của một ngày mới, bắt đầu từ việc cho mấy con gà, con vịt ăn.
Màn hình điện thoại bà Tảo hiện cuộc gọi đến “Anh Nhan”. Bà đang rửa quả mướp liền lau vội tay vào quần, ấn nút nghe:
- Alo anh Nhan à! Em đây! Anh đang làm gì đấy?
Trong suốt 14 năm bà Tảo bị suy thận độ 4, phải xa gia đình để chạy thận liên tục ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), hai vợ chồng bà chỉ có thể giao tiếp với nhau qua những cuộc điện thoại ngắn ngủi.
Ngày nào cũng vậy, vợ chồng ông Nhan cũng đều đặn gọi điện cho nhau. Ông bà không nhớ được một ngày gọi cho nhau bao nhiêu cuộc điện thoại. Chỉ biết rằng, mỗi sáng bà Tảo thức dậy và trước khi đi ngủ, người đầu tiên và cuối cùng bà muốn nói chuyện là ông Nhan. Lúc nào, ông Nhan cũng dịu dàng “Chúc em một ngày mới tốt lành!” và “Chúc em ngủ ngon!” với bà Tảo.
Bất kể ngày khoẻ cũng như ngày ốm, ông Nhan đều cố gắng gửi tới người bạn đời của mình những điều tốt đẹp nhất. Trước đây gần nhau hay bây giờ xa nhau, hai ông bà đều dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày để trò chuyện với nhau.
Bà Tảo bắt đầu và kết thúc một ngày trong dạt dào thương nhớ từ người chồng của mình. Dù ở xa nhau nhưng hai ông bà luôn cập nhật tình hình của đối phương qua những cuộc gọi ngắn, dài, không kể giờ giấc.
Có những đêm, căn bệnh suy thận hành hạ khiến giấc ngủ bà Tảo không tròn. Bà mở máy gọi điện cho ông. Chỉ độ tiếng chuông điện thoại thứ 2, ông đã bắt máy. Ông nói, ông sợ nhất phải để bà chờ đợi mình vì điều gì.
Vậy là, cuộc nói chuyện với người đàn ông của mình giúp bà Tảo an ổn hơn. Bà như được tiếp thêm động lực chiến đấu với bệnh tật ở nơi xứ người.
Thương ai “bèo dạt mây trôi”
Quanh năm vất vả ở nơi thị thành
Ốm đau bệnh nặng đã đành
Một lòng chia sẻ cùng anh ở nhà
...
Nhìn lên thăm thẳm trời cao
Mà lòng cháy bỏng ước ao một điều
Tiền vàng nhiều đến bao nhiêu
Không bằng được sống sớm chiều bên nhau
Những ngày đầu xuân 2015, ông Nhan viết bài thơ “Nhớ em” gửi tặng người vợ của mình ở phương xa. Lòng nặng trĩu, ông viết những vẫn thơ đong đầy nỗi nhớ nhung, thiếu vắng bóng dáng bạn đời trong căn nhà nhỏ mùa sum vầy.
Cầm tấm lòng của ông Nhan trên tay, bà Tảo không kìm được nước mắt. Đây không phải là lần đầu tiên bà nhận được bức thư tình từ người chồng của mình nhưng lần nào nỗi xúc động cũng dâng lên ngập lòng.
“Đêm trăng đầy sao, anh như chim bồ câu bay về bên em…”
Vừa mới xuất ngũ về làng, anh bộ đội Hữu Nhan may mắn gặp thiếu nữ có tiếng của làng. Cơ hội đến, ông quyết tâm chinh phục bà Tảo bằng được. Từ những ngày tình yêu chớm nở, ông đã luôn thể hiện tình cảm của mình qua những bài thơ, những dòng viết lãng mạn.
Hai ông bà yêu nhau được vài tháng, ông Nhan vào Tam Điệp, Ninh Bình học nghề lái máy xúc. Ông bà liên lạc với nhau qua thư và luôn trong trạng thái chờ tin thư của người kia.
“Tôi thích viết thư cho bà, không phải vì tôi phải viết mà là tôi muốn chia sẻ cùng bà ấy cuộc sống của tôi ở nơi đó”, ông Nhan bộc bạch.
Mỗi lá thư là một sự quan tâm, ân cần, lo lắng cho cô người yêu của mình ở quê nhà, “Anh chỉ có một mình em thôi. Anh lo cho em lắm!”. Gần một năm yêu xa, hai ông bà nuôi dưỡng niềm tin bằng hơi ấm của từng ngóng đợi thư đến, thư đi.
Về phép vài ngày, Mùng 2 Tết năm 1978, ông Nhan, bà Tảo nên duyên vợ chồng. Rồi vì công tác, ông Nhan phải xa nhà thêm một thời gian nữa. Đoàn tụ rồi xa cách, những nhắn gửi nhớ thương người vợ yêu của mình ở quê nhà, ông Nhan lại phải nhờ tới lá thư tình. Những cánh thư bay đã giúp nối liền hai nơi, dung dưỡng tình cảm vợ chồng lớn dần lên.
14 năm nay, bà Tảo bị suy thận độ 4, phải chạy thận liên tục ở Bệnh viện Bạch Mai. Một lần nữa, ông bà lại rơi vào tình cảnh yêu xa. Vào ngày bà Tảo phải mổ cắt bỏ 1 bên thận, ông Nhan tặng vợ mình vần thơ “Thương lắm mình ơi”:
Thương nhiều thương lắm mình ơi
Có kêu cũng chẳng thấu trời được đâu
Đôi ta nghĩa nặng tình sâu
Dù xa lòng vẫn bên nhau trọn đời
Đó là ngày ông Nhan chứng kiến vợ mình nghị lực đến nhường nào, qua bài hát “Người ơi người ở đừng về” bà Tảo hát tặng cả phòng bệnh. Nhìn vợ nước mắt trong lòng, ông càng thương.
“Tôi có cảm giác hai vợ chồng trông thấy nhau đấy nhưng lại mờ dần rồi khuất hẳn…”, ông Nhan đau đáu nghĩ về những tháng ngày xa người đã gắn bó với ông 40 năm.
Thương vợ bệnh tật một thân một mình nơi xa, ông Nhan luôn tìm mọi cách động viên bà. Bởi ông nghĩ, bà phải chạy thận cho đến lúc chết. Vì vậy, làm được điều gì để bà Tảo vui, ông Nhan đều cố gắng làm.
Vợ chồng ông Nhan đã cùng nắm chặt tay nhau đi qua bao thăng trầm của cuộc đời. Bao gian khó của cuộc sống đều được ông bà hoá giải bằng sự nhường nhịn nhau. "Ông Nhan luôn nắm tay tôi cùng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Nếu không có những dòng thơ ông viết tặng tôi thời gian chạy thận thì tôi khó lòng mà vượt qua được", bà Tảo chia sẻ.
- Tôi không chạy thận nữa đâu!
- Tôi sợ mất bà lắm!
Câu nói hạ giọng của bà Tảo khiến ông Nhan buồn đến nao lòng. Ông hiểu, vì kinh tế gia đình khó khăn nên bà mới lựa chọn việc kết thúc cuộc đời mình như vậy. “Bà Tảo giận mình chuyện gì chăng?”, ông Nhan suy nghĩ. Đó là lần gần nhất ông sắp xếp công việc nhà, tới Hà Nội thăm bà.
Ông Nhan lặng lẽ mở bài “Còn duyên” để cả hai cùng nghe. Ông bà như quy ước ngầm với nhau, mỗi lần hai ông bà giận nhau, cả hai bình tĩnh ngồi xuống, cùng lắng nghe một làn điệu quan họ. Thời gian của bài hát chính là để cả hai cùng đứng ở vị trí đối phương để soi chiếu vấn đề.
40 năm chung sống với nhau, ông Nhan bà Tảo không phải chưa bao giờ giận nhau. Tuy nhiên, trong bất kể hoàn cảnh nào, ông Nhan luôn là người mở lời trước, “Anh sai rồi! Anh xin lỗi em!”.
“Nếu hai vợ chồng giận nhau mà im lặng thì chỉ khiến cả hai đều cảm thấy nặng nề, mệt mỏi mà còn rất tốn thời gian. Cả năm ăn chung một bữa với nhau đã khó, tôi không muốn mất thời gian cho sự giận hờn. Khi giận nhau, bình tĩnh ngồi xuống cùng nghe một bài hát rồi nói chuyện chứ đừng im lặng”, ông Nhan chia sẻ.
Ông Nhan bảo, trong tình yêu, người xin lỗi trước chưa chắc đã là người sai nhưng đó là người yêu thương và trân trọng đối phương.
Sống với nhau 40 năm, có với nhau 3 mặt con và 6 đứa cháu, điều bà Tảo luôn hãnh diện là tình yêu chân thành mà ông Nhan dành cho mình, “Ông Nhan là một người chồng, người cha trách nhiệm, hết lòng vì gia đình; có gì đều dành hết cho vợ, cho con”.
Còn ông Nhan, lúc nào cũng điềm tĩnh ở bên bà, “Chúng tôi chẳng có gì ngoài tình yêu to lớn dành cho nhau. Tình yêu tôi dành cho bà Tảo chưa bao giờ vơi bớt”.