Bác sĩ thẩm mỹ mách nước chị em phân biệt thẩm mỹ viện uy tín với thẩm mỹ viện lừa đảo

Bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, BV Bỏng QG chia sẻ với Gia Đình Mới cách phân biệt cơ sở làm đẹp uy tín, được cấp phép với các thẩm mỹ viện không phép, lừa đảo.

Xem thêm
Dịch vụ làm đẹp tại các quán cắt tóc, gội đầu được hình thành ngày càng nhiều

Vì sao khách hàng thẩm mỹ dễ bị lừa?

Dịch vụ làm đẹp phát triển rầm rộ, với nhiều chiêu trò lừa đảo hấp dẫn, những lời quảng cáo có cánh làm nhiều chị em tin tưởng, không tìm hiểu kỹ và “sập bẫy”, dẫn đến gặp phải không ít những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Hiện các cơ sở làm đẹp tư nhân tồn tại dưới các loại hình là dịch vụ spa, thẩm mỹ viện và các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Ngoài ra, còn có một loại dịch vụ làm đẹp tại các quán cắt tóc, gội đầu được hình thành rất nhiều tại các phố nhỏ, ngõ ngách, khu dân cư, gây ra tình trạng khó kiểm soát.

Đặc biệt, các loại hình làm đẹp hoạt động chui lại ngang nhiên thực hiện các thủ thuật xâm lấn không được phép thực hiện và gây ra biến chứng cho khách hàng đến làm đẹp.

Bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, tiết lộ thực tế điều trị cho các bệnh nhân, ông đã gặp không ít các trường hợp biến chứng hoặc phẫu thuật thẩm mỹ hỏng.

Họ là những người trẻ tuổi, thường đi phẫu thuật thẩm mỹ theo sự giới thiệu của người quen, chủ yếu là truyền miệng nhau.

Trong đó có những tai nạn là các thủ thuật nhấn mí, tiêm filler hỏng, nâng mũi hỏng, hay tạo má lúm đồng tiền lỗi… Nhiều cơ sở tiến hành các thủ thuật chỉ là những tiệm cắt tóc, gội đầu…

Biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ rất nhiều, có những trường hợp sau cắt mí, mắt không thể mở bình thường, sau phẫu thuật tạo má lúm đồng tiền khiến bệnh nhân đau nhức, xuất hiện thêm 2 cục sẹo ở má…

Những cơ sở thẩm mỹ không ghi thông tin giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề thì không được phép thực hiện các thủ thuật xâm lấn. Ảnh minh họa
Xem thêm

Các nhận biết thẩm mỹ viện uy tín 

Để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra khi làm đẹp, bác sĩ Tuấn khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ các cơ sở làm đẹp và nên chọn lựa những cơ sở thẩm mỹ uy tín.

Bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn cũng chỉ rõ, hiện cơ quan chức năng chỉ cấp giấy phép hoạt động cho các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ làm các dịch vụ như: Tạo má lúm đồng tiền, xóa xăm cung lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm, sửa da ở vùng mặt, vùng cổ; tạo hình mí mắt, mũi, môi, tai, các dịch vụ tiêm chất làm đầy, các dịch vụ phẫu thuật có ra máu..

Còn các các cơ sở spa, thẩm mỹ chỉ không được thực hiện các thủ thuật xâm lấn, chỉ được làm các dịch vụ chăm sóc da. Nhưng thực tế, hiện nay chính là những cơ sở spa, thẩm mỹ không được cấp phép phòng khám nhưng vẫn tiến hành các phương pháp phẫu thuật. Thậm chí, các tiệm cắt tóc, gội đầu cũng tiến hành các thủ thuật xăm mày, xăm môi, nhấn mí…

Chính hoạt động “chui” này đã tạo ra những hậu quả rất nghiêm trọng, khách hàng không chỉ mất một số tiền lớn cho một cơ sở không đủ chuyên môn nghiệp vụ, điều kiện an toàn mà còn có nguy cơ bị biến chứng, tổn hại sức khỏe, tính mạng rất cao.

Nếu thực sự là một khách hàng thông thái thì không khó để phân biệt được cơ sở nào là phòng khám cơ sở nào không.

Bởi ngay từ biển hiệu quảng cáo, nếu cơ sở nào là phòng khám đều có dòng chữ ghi rõ số giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề của Sở y tế cấp.

Còn những cơ sở nào chỉ được hoạt động dưới dạng spa làm đẹp, chăm sóc da đơn thuần thì trên biển quảng cáo không có các số hiệu như trên.

Ngoài ra để an toàn thì khách hàng nên kiểm tra thông tin về cơ sở làm đẹp (trang thiết bị, cơ sở vật chất…), số giấy phép được Sở Y tế Hà Nội cấp, bác sĩ chuyên môn gì... được in trên biển hiệu.

Khi bước vào khu vực tiếp đón khách phải niêm yết chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động; niêm yết giá dịch vụ; chứng chỉ hành nghề và bằng cấp chuyên môn, tên tuổi bác sĩ phải treo tại cơ sở.

Xem thêm

An Bình/giadinhmoi.vn

Tin liên quan