Bà cụ 81 tuổi có thận bị sỏi san hô phủ kín phải cắt bỏ 1 bên, cần làm gì để phòng ngừa sỏi thận?

Cụ bà 81 tuổi đã phải cắt bỏ một bên thận trái vì sỏi san hô phủ kín bể thận và các đài thận.

Cụ bà Đ.T.N. (81 tuổi, ở Hải Dương) có biểu hiện sốt, đau thắt lưng, cơn đau âm ỉ, liên tục. Bệnh nhân được người nhà đưa đến BV Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí thăm khám.

Sau khi tiến hành thăm khám, dựa trên các kết quả siêu âm, xét nghiệm, hình ảnh CT Scanner cho thấy: ở đài bể thận trái có sỏi san hô phủ kín gần hết bể thận và các đài thận, đài bể thận giãn, ứ mủ, làm mất chức năng thận.

Các bác sĩ đã hội chẩn và chỉ định phẫu thuật cắt bỏ thận trái, kèm khối sỏi cho bệnh nhân.

Theo các bác sĩ, đối với những trường hợp có sỏi thận hoặc có tiền sử sỏi thận nhưng ít đau đớn khiến bệnh nhân hiểu lầm tình trạng sỏi đã tốt lên mà không đến viện điều trị. Từ đó, sỏi để quá lâu dẫn đến thận bị suy yếu hoặc mất chức năng hoàn toàn.

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện những bất thường về sức khỏe. Đặc biệt là những người có tiền sử sỏi thận nhưng do không thấy đau hoặc chủ quan mà không đi khám bệnh.

Bên cạnh đó mỗi người hãy đảm bảo cung cấp đủ lượng nước mỗi ngày. Việc lười uống nước sẽ khiến hệ tiết niệu không được hoạt động, lượng nước tiểu sẽ đọng lại, trở nên đậm đặc dễ hình thành sỏi đường tiết niệu và sỏi thận.

Thói quen lười uống nước sẽ dễ hình thành sỏi thận, sỏi tiết niệu. Ảnh minh họa

Những thói quen cần bỏ ngay để tránh xa sỏi thận

  • Uống ít nước: Nếu uống ít nước sẽ khiến lượng nước tiểu bài tiết ra ít, không đủ hòa tan muối, khoáng chất và chất khác trong cơ thể dẫn đến hình thành sỏi thận. Khi uống đủ khoảng 2 lít nước mỗi ngày thì lượng bài tiết nước tiểu sẽ tăng lên, giảm thấp nồng độ tinh thể trong nước tiểu, rửa đường niệu đạo, có lợi cho phòng chống sỏi thận và giúp sỏi bài tiết ra ngoài, tốt cho sức khỏe.
  • Nhịn tiểu: Quá trình đào thải nước tiểu ở hệ thống đường tiết niệu không chỉ giúp đào thải lượng nước thải dư thừa trong cơ thể mà còn giúp loại bỏ các độc tố có hại trong cơ thể ra bên ngoài. Nhịn tiểu sẽ làm cho các chất độc lắng cặn lại trong thận, bàng quang. Sau một thời gian dài tích tụ, các lắng cặn này sẽ hình thành nên sỏi thận, gây viêm cầu thận, suy thận và ảnh hưởng tới chức năng bài tiết của thận.
  • Tự ý uống thuốc tùy tiện: Rất nhiều người có thói quen hễ đau ốm là tự mua thuốc về uống. Việc dùng thuốc tùy tiện không theo chỉ định hoặc đơn thuốc của bác sĩ dẫn đến bệnh không khỏi, hoặc không điều trị dứt điểm, hoặc tác động xấu đến cơ quan bài tiết như thận. Nhiều người sử dụng các loại thuốc lợi tiểu quá mức cũng là nguyên nhân khiến cơ quan bài tiết sinh bệnh, gây sỏi thận, thậm chí nhiều trường hợp dùng thuốc sai cách dẫn đến suy thận.
  • Ăn nhiều đồ mặn, ngọt, giàu đạm: Thực phẩm chứa nhiều muối và nhiều chất đạm sẽ làm giảm độ pH nước tiểu, kích thích bài tiết canxi và cystine, gây ra sỏi. Ngoài ra, chúng còn làm giảm bài tiết chất citrate – chất giúp ngăn chặn sự tạo thành sỏi.
  • Lười vận động: Ít vận động làm giảm hấp thu canxi, lượng canxi trong cơ thể thiếu cũng là nguyên nhân gây sỏi thận. Lười vận động khiến nước tiểu đào thải chậm, tốc độ bài tiết kém, khiến các khoáng chất có thời gian lắng cặn tại thận lâu hơn, sỏi thận hình thành.
  • Uống nhiều cà phê, trà, nước ngọt: Thói quen uống trà, nước ngọt, cà phê thay vì uống nước lọc có nguy cơ gây sỏi thận. Bởi vì trong các đồ uống này có chứa oxalat, caffeine, đều là những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tăng nguy cơ sỏi thận nếu sử dụng quá nhiều và thường xuyên. 
An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan