Vì sao người cao tuổi đi tiểu nhiều ban đêm?

An An
Mỗi tối phải thức dậy vài lần để đi tiểu khiến nhiều người cao tuổi khó ngủ lại, giấc ngủ chập chờn, gây mệt mỏi và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Giấc ngủ đêm đầy đủ có vai trò quan trọng trong việc cân bằng hệ nội tiết của con người, giúp phục hồi sức khỏe sau một ngày lao động. Trung bình, một người trưởng thành có sức khỏe bình thường có giấc ngủ đêm kéo dài trọn vẹn 8 giờ, trong đó nửa thời gian đầu của giấc ngủ có vai trò quan trong phục hồi sức khoẻ. Những người bị thức giấc vào giai đoạn này sẽ rất mệt mỏi và rất khó ngủ lại.

Người cao tuổi là một trong những đối tượng dễ gặp phải tình trạng thức giấc ban đêm. Và một trong những lý do họ thức giấc là phải đi tiểu nhiều lần vào ban đêm gây gián đoạn giấc ngủ.

Chứng tiểu đêm ở người cao tuổi không chỉ gây mất ngủ mà còn làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ảnh minh họa

Chứng tiểu đêm ở người cao tuổi không chỉ gây mất ngủ mà còn làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ảnh minh họa

Nguyên nhân khiến người cao tuổi đi tiểu nhiều ban đêm

Theo các bác sĩ BV Lão khoa Trung ương, có nhiều nguyên nhân khiến người cao tuổi mắc chứng đi tiểu trong đêm, gây gián đoạn giấc ngủ, bao gồm:

  • Đa niệu đêm (chiếm 70%): do não của người cao tuổi vừa giảm sản sinh ADH là một hoóc môn chống bài niệu (chống bài tiết nước tiểu) vừa giảm chất lượng ADH. Đồng thời, thận của người cao tuổi cũng kém nhạy cảm với ADH làm cho thận tăng thải nước tiểu xuống bàng quang, bàng quang nhanh chóng bị căng đầy buộc bệnh nhân phải thức dậy để đi tiểu.
  • Các bệnh lý tiết niệu khác: phì đại tuyến tiền liệt, xơ hẹp cổ bàng quang, các nguyên nhân gây ra chứng bàng quang tăng hoạt.
  • Các bệnh lý khác: suy tim, do sử dụng thuốc lợi tiểu, chứng ngừng thở khi ngủ…
  • Các thói quen xấu khác: uống nước, ăn canh nhiều ban đêm, sử dụng các thức uống lợi tiểu ban đêm như rượu, bia, nước chè, cà phê…

Bác sĩ cũng cảnh báo, người cao tuổi mắc chứng tiểu đêm gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân và người thân trong gia đình như:

- Gây mất ngủ kéo dài: Chứng tiểu đêm ở người cao tuổi gây ra tình trạng mất ngủ kéo dài từ ngày này qua ngày khác sẽ nhanh chóng bào mòn sức khoẻ người bệnh, làm giảm sức đề kháng, nhiều người bệnh bị suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, thậm chí gây rối loạn tâm thần.

- Dễ bị đột quỵ: Người cao tuổi mắc chứng tiểu đêm sẽ tăng nguy cơ bị đột quỵ não, đột quỵ tim, ngã chấn thương, gãy cổ xương đùi…, từ đó làm tăng nguy cơ tử vong. Nguyên nhân là do khi người già thức dậy ban đêm, các cơ quan bộ phận đều giảm hoạt động, các giác quan đều kém tinh tế, do thay đổi đột ngột nhiệt độ trên giường và bên ngoài, do mất thân nhiệt qua việc đi tiểu…

- Gây mất ngủ cho người thân do việc thức dậy đi tiểu.

Người cao tuổi nên uống ít nước vào buổi tối để hạn chế đi tiểu ban đêm. Ảnh minh họa

Người cao tuổi nên uống ít nước vào buổi tối để hạn chế đi tiểu ban đêm. Ảnh minh họa

Người cao tuổi cần làm gì để giảm tiểu đêm?

Để khắc phục chứng tiểu đêm ở người cao tuổi, các bác sĩ khuyến cáo, người cao tuổi nên đi khám sức khỏe để xác nguyên nhân gây tiểu đêm. Đối với nhóm nguyên nhân tiểu đêm thực thể, bác sĩ chuyên khoa sẽ chữa trị bệnh lý để làm giảm triệu chứng tiểu đêm. Còn với những trường hợp tiểu đêm là do suy giảm chức năng, người bệnh nên chủ động điều chỉnh thói quen sinh hoạt như:

- Bỏ thói quen uống nhiều nước, rượu bia, cà phê hoặc trà vào buổi tối;

- Không ăn quá nhiều thịt hoặc ăn quá mặn

- Tăng cường rau xanh và chất xơ, giảm ăn các loại canh rau có tính lợi tiểu như rau cải, mướp, bầu… vào bữa cơm chiều.

- Hạn chế ăn các loại hoa quá chứa nhiều nước trước khi đi ngủ như dưa hấu, bưởi, cam...

- Tránh tình trạng lo lắng, căng thẳng quá mức dẫn tới mất ngủ

- Tạo thói quen đi tiểu trước khi đi ngủ và đi ngủ đúng giờ trong ngày.

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO