Dưới đây là một số khuyến cáo về dinh dưỡng, tập luyện của chuyên gia dinh dưỡng, BV Trung ương Quân đội 108 dành cho người cao tuổi.
1. Ăn đa dạng thực phẩm
Người lớn tuổi nên ăn đa dạng các loại thực phẩm, ưu tiên các loại rau xanh, hoa quả chín, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và chất béo lành mạnh. Chế độ ăn uống hợp lý, với đa dạng các loại thực phẩm sẽ giúp người cao tuổi nhận được đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu.
2. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn
Người cao tuổi nên hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn. Bởi trong các loại thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều muối, đường và chất béo có hại, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đái tháo đường và các vấn đề sức khỏe ở người lớn tuổi. Thay vì sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, người cao tuổi nên ăn các thực phẩm bổ dưỡng như thực phẩm tươi, nguyên chất.
3. Uống nhiều nước
Uống ít nước là tình trạng phổ biến ở người cao tuổi. Cơ thể thiếu nước sẽ dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe như: da khô, miệng đắng, tim đập nhanh, khó ngủ, máu trở nên cô đặc hơn làm ảnh hưởng đến sự lưu thông của dòng máu và sự điều hòa nhiệt độ giảm dẫn đến dễ say nóng, sức đề kháng cũng giảm, các bệnh mạn tính dễ trở nặng… Do đó, người cao tuổi nên cố gắng uống 1,5 - 2 lít nước/ngày (tương đương 8 - 10 cốc nước). Nên uống nước kể cả khi không khát và nên chia đều vào buổi sáng, chiều, không uống dồn một lúc. Người cao tuổi cũng không nên uống nhiều nước vào buổi tối vì sẽ gây tiểu đêm và dẫn đến mất ngủ.
4. Bổ sung vitamin và khoáng chất
Một số người lớn tuổi có thể gặp khó khăn trong việc hấp thu vitamin và khoáng chất từ các loại thực phẩm ăn hàng ngày. Do đó họ cần uống bổ sung thêm một số vitamin và khoáng chất như vitamin D, canxi, B12... Tuy nhiên, việc bổ sung loại nào, hàm lượng bao nhiêu thì người cao tuổi nên đi thăm khám và tham khảo ý kiến bác sĩ.
5. Tập luyện thể dục
Với người cao tuổi, việc tập luyện thể dục thường xuyên là rất quan trọng để duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần. Người cao tuổi tập thể dục có thể cải thiện sức mạnh, tính linh hoạt, sự cân bằng và sức khỏe tổng thể. Một số bài tập thể dục mà người cao tuổi có thể kết hợp vào thói quen hàng ngày gồm: tập aerobic, đi bộ, bơi lội, đạp xe, tập yoga, tập dưỡng sinh... Tùy tình trạng sức khỏe mà mỗi người cao tuổi sẽ lựa chọn môn thể dục phù hợp, với cường độ tập vừa sức.
6. Ngủ đủ giấc
Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với người cao tuổi. Để tốt cho sức khỏe, người cao tuổi nên ngủ ít nhất 7 - 8 tiếng mỗi đêm và tạo một lịch trình ngủ nhất quán. Một giấc ngủ sâu và theo đúng nhịp sinh học sẽ mang đến cảm giác thoải mái khi thức giấc. Ngủ đủ giấc và ngủ đúng giờ không chỉ giúp người cao tuổi nhanh chóng phục hồi sức khỏe mà còn có tác dụng phòng ngừa suy giảm trí nhớ, giảm nguy cơ đột quỵ và hàng loạt bệnh tật khác cho người cao tuổi.
Bằng cách duy trì chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc sẽ giúp người cao tuổi duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần, ngăn ngừa hoặc kiểm soát một số vấn đề sức khỏe liên quan đến tuổi tác.
An AnBạn đang xem bài viết 6 điều người cao tuổi nên làm để sống khỏe, sống thọ tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].