Theo Bs Trần Xuân Thuỷ - Khoa Can thiệp mạch thần kinh, Bệnh viện TWQĐ 108, cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) là tình trạng giảm hoặc mất cung cấp máu não cục bộ tạm thời, biểu hiện bằng các triệu chứng thần kinh khu trú diễn ra đột ngột và đặc biệt tự hồi phục hoàn toàn trong vòng 24 giờ.
Hầu hết cơn TIA thường chỉ kéo dài dưới 5 phút và trung bình diễn ra khoảng 1 phút.
Vì triệu chứng thoáng qua nên mọi người dễ bỏ qua các cơn TIA. Trong khi đó, các cơn này có thể tiến triển nặng lên trở thành đột quỵ thực sự.
Khoảng 15% bệnh nhân TIA bị đột quỵ trong vòng 3 tháng kế tiếp. Một nửa trong số đó (7%) bị đột quỵ sau 48 giờ.
Vì vậy, việc nhận biết cũng như chủ động phòng ngừa bằng cách đến các cơ sở y tế chuyên khoa khám sàng lọc là cần thiết.
Dấu hiệu nhận biết cơn TIA là:
- đột ngột tê yếu tay, chân, mặt một bên cơ thể;
- đột ngột méo miệng, rối loạn lời nói hay hiểu lời;
- đột ngột mù một bên mắt;
- đau đầu đột ngột không rõ nguyên nhân.
Các đối tượng bệnh nhân nguy cơ cao như tăng huyết áp, tiểu đường, nghiện thuốc lá, béo phì...
Cách xử trí là đưa ngay đến cơ sở y tế chuyên khoa. Bệnh nhân sẽ được điều trị nội khoa tích cực bằng chống đông, chống kết tập tiểu cầu, tăng tuần hoàn não, kiểm soát huyết áp và mỡ máu.
Mặt khác, tại bệnh viện, bác sĩ sẽ nhanh chóng tìm và giải quyết nguyên nhân. Việc tìm ra căn nguyên sẽ giúp ngăn ngừa đột quỵ thực sự.
Để phòng ngừa, mọi người cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, xơ vữa động mạch, lối sống thiếu khoa học..., đồng thời chủ động tầm soát sức khỏe định kỳ.
Xem thêm: 4 triệu chứng cảnh báo cơn đột quỵ nhẹ nhưng không thể chủ quan
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 4 dấu hiệu nhận biết cơn thiếu máu não thoáng qua cảnh báo đột quỵ, ai cũng cần biết tại chuyên mục Các bệnh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].