Đang sống cùng gia đình con trai và các cháu tại quận 7, TP.HCM, cụ bà Nguyễn Thị Mai (75 tuổi) nằng nặc bắt con mua vé máy bay để về quê sinh sống.
Khi các con hỏi lý do thì cụ bà gần đất xa trời bảo rằng: “Mẹ về quê còn trông nhà, còn hương khói cho bố con, còn đi lại với họ hàng, hàng xóm… Bỏ vẳng nhà cửa mãi sao được. Hơn nữa, ở đây các con bận đi làm, các cháu bận đi học, mẹ quanh quẩn ở nhà mãi cũng chán”.
Không khuyên nhủ được mẹ, con trai bà Mai đành phải chiều lòng, mua vé máy bay đưa mẹ về quê sinh sống. Nhưng vì không yên tâm để bà ở quê một mình nên con trai bà đã lắp camera khắp nhà để trông mẹ qua camera. Cùng với đó, con trai bà Mai còn căn dặn anh em họ hàng, hàng xóm xung quanh thi thoảng ngó qua xem giúp tình hình của mẹ, có gì gọi điện báo giúp. Dù đã chuẩn bị hết mọi thứ cho mẹ nhưng con trai bà Mai vẫn rất lo lắng khi để mẹ sống một mình ở quê.
Theo kết quả điều tra của Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam năm 2020, cứ 2,2 người cao tuổi có một người không hạnh phúc khi chung sống với con cháu trong gia đình mở rộng.
Thậm chí, nhiều người cao tuổi lại cảm thấy cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình, cô đơn ngay cả khi ở cùng những người yêu thương mình.
Đôi khi họ cảm thấy mình vô dụng khi con cháu than vãn chê bai. Chính vì thế mà những người cao tuổi còn khỏe mạnh, có thu nhập bảo đảm, không phụ thuộc vào con cái về kinh tế cũng có nhu cầu sống riêng để được thoải mái hơn.
ThS.BS Trịnh Thị Huyền Trang, Phó trưởng khoa Lão khoa, BV ĐK Đống Đa cho biết: “Người cao tuổi, kể cả những người khỏe mạnh đều có nguy cơ về sức khỏe như có thể xảy ra đột quỵ bất ngờ, hoặc đôi khi là bị té ngã.
Thực tế đã có nhiều trường hợp người cao tuổi ở một mình và tử vong mà không được phát hiện. Trong khi đó, với những trường hợp bị đột quỵ tim hoặc đột quỵ não nếu được phát hiện sớm thì có thể được cấp cứu kịp thời, đảm bảo giờ vàng can thiệp và cứu sống người bệnh. Tốt nhất vẫn là có người ở cạnh người cao tuổi”.
Các chuyên gia lão khoa cũng cho rằng, người cao tuổi không nên sống độc thân, sống một mình, xa lánh gia đình hay cộng đồng. Bởi người già sống một mình sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe. Một trong những bất lợi của người cao tuổi khi sống xa con cháu, sống một mình là rủi ro gặp phải chấn thương trong sinh hoạt hàng ngày như té ngã, điện giật, va chạm vào đồ vật, bỏng…
Ngay cả những người cao tuổi khỏe mạnh cũng rất dễ gặp phải tai nạn, ốm đau đột ngột do trái gió trở trời. Nhưng nếu ở gần con cháu, người thân thì những rủi ro trên có thể được khắc phục hoặc có thể được trợ giúp, cấp cứu kịp thời.
Đặc biệt, với những người già mắc các bệnh về tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh về thị lực, thính lực, bệnh sa sút trí tuệ… thì càng phải sống trong môi trường có người thân hỗ trợ để bệnh không nặng thêm hoặc gặp phải biến chứng nguy hiểm.
Do đó, khi sống một mình, người cao tuổi cần phải chủ động về mặt sức khoẻ, tính tới mọi tình huống có thể xảy ra để xử lý kịp thời.
Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cho thấy, truyền thống người cao tuổi sống chung với con cháu trong gia đình nhiều thế hệ ở Việt Nam hiện nay vẫn tiếp tục được duy trì nhưng đã có những thay đổi.
Việc chăm sóc người cao tuổi đang chuyển dần từ chăm sóc trực tiếp sang chăm sóc gián tiếp, từ chăm sóc vật chất sang chăm sóc tình cảm, tinh thần. Nhờ kết hợp tốt mọi mối quan hệ, biết thông cảm và hiểu tâm lý của nhau mà các thành viên trong gia đình có thể sống chung hòa bình, con cái kính trọng bố mẹ, bố mẹ yêu thương con cái.
Mọi người là chỗ dựa cho nhau và đây chính là yếu tố tâm lý giúp người cao tuổi sống vui sống khỏe, tăng tuổi thọ và tự hào về con cái.
Hiện ở Việt Nam tỷ lệ người cao tuổi sống cùng với con cháu đang giảm xuống trong khi tỷ lệ người sống một mình, sống cùng bạn đời hoặc sống trong các gia đình “khuyết thế hệ” đang dần tăng lên. Đó là một lựa chọn của lối sống mới.