Bác sĩ 115 chỉ cách sơ cứu cho người cao tuổi bị sặc, nghẹn

An An
Với những người cao tuổi, một cơn sặc, nghẹn cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được sơ cứu kịp thời. Vậy cần xứ trí thế nào khi người cao tuổi trong nhà bị sặc, nghẹn?

Theo bác sĩ Trần Anh Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, sặc, nghẹn là một triệu chứng xảy ra khi nuốt, thức ăn bị tắc ở họng hoặc thực quản, biểu hiện bằng nuốt khó khăn hoặc đột ngột khó thở, ho dữ dội.

Đây là tai nạn cấp cứu dị vật đường ăn, đường thở khẩn cấp, bởi người bị nghẹn, sặc có thể tử vong trong vài phút nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó, khi thấy người thân bị sặc, nghẹn cần gọi hỗ trợ từ Trung tâm cấp cứu 115 và vận chuyển người bệnh vào viện để kiểm tra.

Triệu chứng sặc, nghẹn có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng thường gặp ở người cao tuổi. Nguyên nhân là do khi cơ thể bị lão hóa làm các ống tiêu hóa bị thu hẹp dần, thành biểu mô của niêm mạc miệng sẽ mỏng hơn gây khó khăn cho quá trình nhai nuốt.

Thêm nữa, khi cơ thể bị lão hóa thì lợi của người cao tuổi cũng co rút lại làm khả năng nhai kém đi, ngay cả khi răng của họ vẫn còn nguyên. Do đó, người cao tuổi thường giữ thức ăn trong miệng lâu hơn và họ phải nuốt những mẩu thức ăn to hơn.

Khi đang ăn người già có thể gặp phải tình trạng ho, khó nuốt, khó thở... do sặc, nghẹn thức ăn. Ảnh minh họa

Khi đang ăn người già có thể gặp phải tình trạng ho, khó nuốt, khó thở... do sặc, nghẹn thức ăn. Ảnh minh họa

Những dấu hiệu để nhận biết nghẹn, sặc ở người cao tuổi

Trong khi ăn uống thức ăn, người già có thể xảy ra các tình huống sau:

- Đang ăn thấy khó nuốt, cố nuốt, nấc, nôn oẹ do thức ăn làm bít tắc thực quản.

- Ho sặc sụa, nói không ra tiếng, khó thở tùy từng mức độ, có thể bị nghẹt thở do thức ăn sẽ di chuyển vào khí quản do phản xạ, cửa thanh môn mở ra.

- Đột nhiên thở khó, 2 bàn tay ôm cổ, sắc mặt đỏ tía rồi tím ngắt, thần sắc lờ đờ, nấc cụt do thức ăn làm tắc khí quản, có thể mất ý thức…

Làm gì khi thấy người cao tuổi trong nhà bị nghẹn, sặc

1. Trường hợp người bệnh còn tỉnh, trả lời được

- Hãy chờ đợi (nếu họ có thể nói, ho, thở, hoặc khóc thì chứng tỏ đường thở tắc nghẽn không hoàn toàn) và chấn an người bệnh

- Khuyến khích người bệnh ho. Không sử dụng nghiệm pháp vỗ lưng.

- Không được cho tay hoặc các dụng cụ khác để móc dị vật ra, vì có thể khiến dị vật bị rơi vào sâu hơn và gây thương tích vùng niêm mạc hầu họng.

- Không vuốt xuôi ngực cho bệnh nhân, việc này khiến cho dị vật chui vào đường thở sâu hơn.

- Hãy theo dõi sát tình trạng người bệnh.

- Gọi cấp cứu 115 nếu tắc nghẽn đường thở không giảm, hoặc nếu nghe thấy tiếng thở khò khè hoặc thở ồn ào, môi tím tái và đưa người bệnh vào viện.

2. Trường hợp người bệnh không trả lời được hoặc không ho

Các dấu hiệu nhận biết gồm: Nói không ra tiếng, 2 bàn tay ôm cổ, mặt, môi tím tái, khó thở, có thể suy hô hấp.

Gọi giúp đỡ từ những người ở gần, bảo họ gọi cho cấp cứu 115 để được hỗ trợ cấp cứu.

- Nếu người bệnh còn tỉnh hãy giải thích (nếu có thể) cho người bệnh, để người bệnh hợp tác. Thực hiện cấp cứu ngay lập tức (với người bệnh đang đứng hoặc ngồi và người sơ cứu có thể ôm được người bệnh) và tiến hành các bước sơ cứu như sau:

Bước 1: Tiến hành 5 lần vỗ lưng bằng cùi bàn tay

  • Người bệnh cúi người ra trước
  • Dùng phần cuối của bàn tay (gót bàn tay) vỗ mạnh vào lưng người bệnh 5 lần mỗi lần vỗ dứt khoát tại vị trí giữa hai bả vai.
  • Cần đảm bảo việc vỗ lưng đủ mạnh và mỗi lần vỗ lưng được riêng biệt. Cố gắng đánh bật dị vật ra với mỗi lần vỗ lưng.
  • Nếu dị vật đã được đẩy ra thì dừng vỗ.
  • Nếu sau 5 lần vỗ lưng dị vật không bật ra được thì chuyển bước 2.
Tiến hành ép bụng (còn gọi là nghiệm pháp Heimlich) để sơ cứu khi người cao tuổi bị sặc, nghẹn đồ ăn. Ảnh minh họa

Tiến hành ép bụng (còn gọi là nghiệm pháp Heimlich) để sơ cứu khi người cao tuổi bị sặc, nghẹn đồ ăn. Ảnh minh họa

Bước 2: Tiến hành 5 lần ép bụng (còn gọi là nghiệm pháp Heimlich).

  • Người bệnh đứng, hơi cúi về phía trước
  • Người cấp cứu đứng ở phía sau người bệnh, vòng tay ra phía trước người bệnh.
  • Một bàn tay nắm lại, đặt vào bụng trên rốn của người bệnh, nhưng không được tỳ vào xương (xương sườn, xương ức).
  • Bàn tay còn lại bọc lấy nắm tay kia.
  • Ép 5 lần: mạnh dứt khoát từ trước ra sau, từ dưới lên trên.
  • Nếu dị vật bật ra thì dừng lại.
  • Nếu dị vật không bật ra sau 5 lần ép bụng thì lặp lại vỗ lưng và ép bụng cho đến khi dị vật bật ra được hoặc cấp cứu 115 đến

3. Trường hợp người bệnh hôn mê (bất tỉnh, to béo, người già bị liệt) và người sơ cứu không thể ôm người bệnh

Nếu người bệnh bất tỉnh, hãy đặt người bệnh ở tư thế nằm, nghiêng mặt một bên và lau miệng, người cấp cứu quỳ trên người người bệnh và 2 gối 2 bên hông người bệnh.

Đặt bàn tay (cùi tay) trên bụng người bệnh, giữa rốn và xương ức, bàn tay kia đặt trên bàn tay này, làm động tác đẩy mạnh và nhanh lên phía trên, làm đi làm lại 10 lần, cần theo dõi miệng người bệnh, nếu dị vật xuất hiện thì nhanh chóng lấy ra.

Lưu ý quan trọng:

- Đối với người bệnh không thở lại hoặc thở yếu, da và môi tím tái, thực hiện thủ thuật thổi ngạt. 

- Nếu người bệnh có dấu hiệu ngừng tuần hoàn với các dấu hiệu sau: 

+ Bất tỉnh 

+ Không thở, thở ngáp 

+ Mạch cảnh, mạch bẹn không bắt được 

Hãy thực hiện sơ cứu bóp tim ngoài lồng ngực và thủ thuật thổi ngạt (Hồi sức tim phổi cơ bản) ngay 

- Không làm những việc sau: 

+ Không cố gắng móc họng người bệnh vì động tác này có thể gây cản trở đường thở người bệnh. 

+ Không vuốt cổ, ngực, lưng vì không có tác dụng 

- Hãy gọi 115 để được nhân viên điều phối cấp cứu hướng dẫn sơ cứu

Thức ăn cho người già cần được cắt nhỏ, nấu mềm, lỏng... để đảm bảo dễ ăn, dễ nuốt

Thức ăn cho người già cần được cắt nhỏ, nấu mềm, lỏng... để đảm bảo dễ ăn, dễ nuốt

Phòng tránh sặc, nghẹn cho người cao tuổi thế nào?

Để phòng tránh sặc, nghẹn cho người cao tuổi, người thân, người chăm sóc cần chú ý những điều sau:

- Người nhà cần nhận biết dấu hiệu rối loạn nuốt của người già: lúc ăn uống hay bị rơi ra ngoài, chảy nước dãi, khó khăn khi cắn, ăn chậm không nhai nuốt mà ngậm thức ăn trong miệng.

- Thức ăn cho người già cần được cắt nhỏ, nấu mềm, lỏng, xay nhuyễn để đảm bảo bệnh nhân dễ ăn. Không ăn thức ăn khô, ăn miếng quá to, dai, khó nhai, thức ăn dễ dính vào răng.

- Ngồi khi ăn, không được nằm khi ăn hoặc uống bất cứ loại thực phẩm hoặc thức uống nào; ăn miếng nhỏ, gập cổ khi nuốt không được ngửa cổ; không xem ti vi, đọc báo… làm mất tập trung khi đang ăn; không nói chuyện, nhất là không được cười nói khi nhai.

- Nếu không ngồi ăn được mà phải nằm thì đặt gối dưới đầu gối, đặt gối dưới hông, nâng cao đầu giường khoảng 60 độ.

- Chỉ cho ăn uống khi tỉnh táo, ăn uống chậm từng ngụm nhỏ.

- Động viên, khuyến khích, kiên nhẫn và giữ sự thoải mái, vui vẻ cho người bệnh. Ngoài ra cần vệ sinh sạch sẽ cho người già sau ăn tránh nhiễm trùng.

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO