Báo Điện tử Gia đình Mới

11 điều người cao tuổi bị đái tháo đường cần nhớ để sống khỏe mạnh

Đái tháo đường là một trong những bệnh mạn tính hay gặp ở người cao tuổi. Nếu không tuân thủ việc điều trị và có lối sống khoa học thì người bệnh dễ gặp phải những biến chứng nặng nề.

Theo các bác sĩ chuyên khoa nội tiết, các nguyên nhân làm tăng tỉ lệ mắc đái tháo đường ở những người cao tuổi là do những thay đổi về chuyển hóa glucose, do rối loạn tiết insulin và kháng insulin tăng lên theo tuổi, do người cao tuổi thường phải dùng nhiều loại thuốc có ảnh hưởng đến đường máu, do lối sống tĩnh tại ít hoạt động và do họ thường béo phì hoặc thừa cân.

Các biến chứng của bệnh đái tháo đường rất nguy hiểm, nhất là các biến chứng tim mạch, là những nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở người cao tuổi mắc đái tháo đường.

Do đó, việc tuân thủ điều trị và thay đổi thói quen sống khoa học là biện pháp hiệu quả giúp người cao tuổi bị đáo tháo đường kiểm soát được đường huyết, sống khỏe mạnh hơn. Dưới đây là những khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia dành cho người bệnh đái tháo đường.

Người cao tuổi bị đái tháo đường không nên bỏ bữa hay dồn bữa để giữ đường huyết ổn định. Ảnh minh họa

Người cao tuổi bị đái tháo đường không nên bỏ bữa hay dồn bữa để giữ đường huyết ổn định. Ảnh minh họa

1. Không nên bỏ bữa hay dồn bữa

Người cao tuổi bị đái tháo đường không nên bỏ bữa hay dồn bữa. Đây là một trong những mẹo đơn giản để duy trì sự ổn định đường huyết, tránh gây ra các biến chứng hạ đường huyết hay tăng đường huyết.

2. Không nên ăn quá nhiều

Người cao tuổi bị đái tháo đường cần duy trì số lượng thức ăn hàng ngày, số bữa ăn hàng ngày ở mức bình thường. Không nên ăn quá nhiều bữa, mỗi bữa cũng không nên ăn quá nhiều đồ ăn, đồng thời lựa chọn các thực phẩm ít năng lượng, ít đường nhất có thể. Để tránh ăn quá nhiều, người cao tuổi nên chú ý đến kích thước khẩu phần ăn. Tuân theo quy tắc 1/2 khẩu phần là rau xanh và hoa quả tươi, 1/4 khẩu phần là protein và 1/4 còn lại là tinh bột tùy chọn, tốt nhất chọn loại ngũ cốc nguyên hạt. Ngoài ra, người bị đái tháo đường cần ăn đủ lượng chất bột đường mỗi ngày để tránh hạ đường huyết.

3. Hạn chế ăn các món nhiều dầu mỡ

Các món xào, rán, nướng dùng nhiều dầu mỡ thường rất hấp dẫn và ngon miệng. Một số món xào, nấu còn hay sử dụng phủ tạng động vật để chế biến. Những món ăn như vậy rất dễ làm tăng nguy cơ rối loạn mỡ máu, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, cũng có thể dẫn đến đột quỵ như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não...

 4. Tránh ăn thừa chất đạm

Người cao tuổi nên hạn chế ăn các loại thịt, nhất là thịt đỏ, các loại thức ăn nhanh (thịt hun khói, xúc xích, lạp xưởng) để tránh gây thừa đạm. Người bị đái tháo đường cần duy trì số lượng chất đạm bằng ¼ khẩu phần ăn. Nên cân đối giữa chất đạm nguồn gốc động vật và thực vật, ưu tiên sử dụng chất đạm theo thứ tự: thủy hải sản, gia cầm, gia súc...

5. Hạn chế đồ ngọt

Các loại bánh kẹo ngọt, nước ngọt, hoa quả sấy… là một trong những nguyên nhân làm tăng đường huyết ở người bệnh đái tháo đường. Do đó, người bệnh cần ăn với số lượng ít để tránh các biến chứng do tăng đường huyết.

6. Uống đủ nước

Uống đủ nước là điều cần thiết để người cao tuổi có một sức khỏe tốt. Uống đủ nước giúp vận chuyển chất dinh dưỡng, loại bỏ chất thải, giảm táo bón và giúp chuyển hóa chất béo. Người cao tuổi hãy mang theo bên mình sẵn một chai nước, để uống kể cả khi không khát. Điều này có thể giúp thỏa mãn cơn thèm nếu người cao tuổi cảm thấy đói và giúp cơ thể không bị thiếu nước.

Người cao tuổi bị đái tháo đường cần hạn chế ăn cơm, nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả. Ảnh hoa quả

Người cao tuổi bị đái tháo đường cần hạn chế ăn cơm, nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả. Ảnh hoa quả

7. Ăn đủ rau và chất xơ

Rau xanh, hoa quả là những thực phẩm tốt cho sức khỏe người cao tuổi. Đây là nhóm thực phẩm cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ - một nhóm chất quan trọng đối với sức khỏe. Người cao tuổi nên ăn đủ trong mỗi bữa ăn, lượng rau xanh, hoa quả chiếm khoảng ½ khẩu phần ăn.

8. Nên ăn nhạt

Người cao tuổi nên duy trì thói quen ăn nhạt để tốt cho sức khỏe. Để làm được điều đó thì khi chế biến đồ ăn nên cho giảm gia vị, hạn chế bày nước chấm trên bàn ăn, ít sử dụng và sử dụng ít các thực phẩm dưa muối, cà muối, cũng như các thực phẩm chế biến sẵn.

9. Hạn chế uống rượu bia

Rượu bia và đồ uống có cồn gây hại cho cơ thể nhiều hơn lợi, đặc biệt dễ dẫn đến nhầm lẫn giữa say rượu và triệu chứng hạ đường huyết trên người bệnh đái tháo đường. Do đó, để tốt cho sức khỏe, người cao tuổi bị đái tháo đường nên hạn chế uống bia, rượu.

10. Duy trì hoạt động thể lực 

Người cao tuổi bị đái tháo đường nên duy trì thời gian để tập thể dục mỗi ngày. Không nhất thiết phải là những bài tập phức tạp, có thể là đi bộ, đạp xe, tập yoga… khoảng 30-60 phút/ ngày, thực hiện đều đặn 5 ngày/ tuần.

11. Tuân thủ dùng thuốc 

Đái tháo đường là bệnh mạn tính nên người bệnh phải duy trì việc uống thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Không nên tự ý bỏ thuốc, đổi thuốc hay dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc để chữa bệnh. Người bệnh cần tuân thủ việc dùng thuốc và tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO