Dưới đây là hướng dẫn của bác sĩ Đỗ Nam Khánh về cách thức để người cao tuổi tự xoa bóp hai bàn chân giúp phục hồi sức khỏe.
Trước hết, người cao tuổi cần chọn tư thế ngồi phù hợp để tự xoa bóp được bàn chân. Tốt nhất là ngồi trên ghế, chân trái đặt lên đầu gối chân phải, tay trái giữ bàn chân, tay phải áp sát vào gan bàn chân.
- Động tác 1: Xoa xát theo chiều dọc lòng bàn chân, từ gót chân đến đầu ngón chân.
- Động tác 2: Xoa xát vùng mặt trong của bàn chân. Dùng lòng bàn tay phải xoa xát toàn bộ mặt trong bàn chân từ phần gót lên mắt cá trong, dọc theo mặt trong mu chân đến đầu ngón chân cái.
Đổi tư thế của chân, gập cẳng chân trái vào gần đùi, lòng bàn chân tiếp xúc với ghế.
- Động tác 3: Xoa xát vùng mu chân. Dùng lòng bàn tay trái xoa xát mu chân, từ cổ chân đến đầu các ngón chân.
- Động tác 4: Xoa xát vùng mặt ngoài của bàn chân. Dùng lòng bàn tay trái xoa xát toàn bộ mặt ngoài bàn chân, từ phần gót chân lên mắt cá ngoài, dọc theo mặt ngoài mu chân đến đầu ngón chân út.
Sau đó đổi lại tư thế ngồi về ban đầu lúc làm động tác 1.
- Động tác 5: Xoa xát vùng gót chân. Dùng lòng bàn tay phải xoa xát vùng gót chân.
- Động tác 6: Xoa bóp các ngón chân, bắt đầu từ ngón chân cái. Chủ yếu sử dụng động tác vuốt kéo và vê kết hợp xoay các ngón chân.
- Động tác 7: Xoa bóp vùng phản xa tuyến yên và vùng phản xạ tuyến tùng.
Vùng phản xạ tuyến yên ở chính phần bụng ngón chân cái. Vùng phản xạ tuyến tùng ngay cạnh về phía ngón chân thứ hai. Dùng đầu ngón tay cái của bàn tay phải bấm, ấn mạnh lên vùng phản xạ tuyến yên, sau đó sang vùng phản xạ tuyến tùng.
- Động tác 8: Xoa bóp vùng phản xạ tuyến giáp, tuyến cận giáp và tuyến ức.
Vùng phản xạ của tuyến giáp nằm sát rãnh (từ khe ngón chân cái và ngón chân thứ hai xuống vùng giữa lòng bàn chân). Vùng phản xạ của tuyến cận giáp nằm trong vùng phản xạ tuyến giáp. Vùng phản xạ của tuyến ức cạnh tuyến giáp, sát vào vùng giữa và hơi thấp hơn.
- Động tác 9: Xoa bóp vùng phản xa tuyến thượng thận và vùng thận. Vùng phản xạ tuyến thượng thận gần vùng thận, chính giữa lòng bàn chân.
- Động tác 10: Xoa bóp vùng phản xạ lách. Vùng phản xạ của lách dưới ngón chân út của bàn chân trái.
- Động tác 11: Xoa bóp vùng phản xạ tuyến sinh dục. Vùng phản xạ của tuyến sinh dục nằm ở vùng mắt cá trong và vùng mắt cá ngoài của bàn chân.
- Động tác 12: Xoa bóp lại lần nữa vùng phản xạ tuyến yên.
- Động tác 13: Xoay cổ chân bên trái rồi bên phải.
Xoa bóp xong chân trái thì chuyển sang xoa bóp chân phải tương tư như vậy.
Những lưu ý khi người cao tuổi xoa bóp bàn chân để phục hồi sức khỏe
- Bắt đầu từ chân trái trước.
- Khi thực hiện động tác xoa xát thì không được bỏ xót vùng da nào của bàn chân.
- Khi xoa bóp vùng phản xạ của các các tuyến làm như khi xoa bóp tuyến yên.
- Mỗi vùng phản xạ, mỗi động tác xoa xát, day ấn làm từ 30 – 50 lần.
- Tuy xoa bóp bàn chân rất tốt cho sức khỏe nhưng có một số trường hợp nên lưu ý và hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi thực hiện xoa bóp như:
- Người đang bị xuất huyết não
- Người đang bị suy tim cấp
- Người bị viêm cầu thận cấp
- Người bị viêm gan cấp
- Ngoài ra, khi mới ăn xong, uống rượu trong một giờ không nên xoa bóp chân.
- Nên kiên trì xoa bóp hàng ngày thì mới đạt hiệu quả hồi phục sức khỏe tốt.
An AnBạn đang xem bài viết 13 động tác tự xoa bóp bàn chân giúp người cao tuổi sống khỏe mạnh, trường thọ tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].