Trao đổi với Gia Đình Mới về vấn đề này, ThS.BS Phí Thị Quang, chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi tiến hành nội soi đại tràng cho khoảng 15 – 20 bệnh nhân và phát hiện 1 – 2 bệnh nhân có polyp.
Ở nhiều bệnh viện còn phát hiện những ca bệnh nhi rất nhỏ có polyp đại tràng. Theo tôi, sở dĩ thời gian gần đây phát hiện nhiều trường hợp bị polyp đại tràng và nhiều ca bệnh nhi nhỏ tuổi là do người dân có ý thức hơn trong việc thăm khám sức khỏe định kỳ.
Thêm vào đó là việc thời gian gần đây thành phố Hà Nội tiến hành xét nghiệm miễn phí tìm máu ẩn trong phân. Khi làm xét nghiệm, nếu có kết quả dương tính, người dân sẽ được tư vấn đi thăm khám sức khỏe, tiến hành nội soi đại tràng để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa”.
Bằng phương pháp nội soi, các bác sĩ có thể nhìn trực tiếp trong lòng đại tràng và biết được trong đại tràng của người bệnh có tổn thương không. Nếu có tổn thương thì tùy từng mức độ và tùy thể trạng của mỗi bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị nội khoa, can thiệp hay xử lý ngoại khoa.
Qua kết quả nội soi, các bác sĩ biết được tổn thương đó là polyp hay là các tổn thương viêm loét, tổn thương ung thư… Nếu phát hiện polyp, người bệnh không cần quá lo lắng. Bởi phần lớn các polyp đại tràng ở dạng lành tính.
Polyp có thể xuất hiện tại nhiều vị trí trong đường tiêu hóa nhưng phổ biến nhất ở đại tràng. Các polyp giống như một mụn thịt nhỏ phát triển từ lớp niêm mạc của ruột và nhô ra vào trong lòng ruột. Đôi khi chúng mọc trên “cuống” trông giống như cây nấm.
Tuy vậy, một số khối polyp cũng có thể phẳng. Một số có vài khối polyp nằm rải rác ở các phần khác nhau của đại tràng.
Bản chất của polyp đại tràng không phải u, mà là một tổn thương có hình dạng giống như một khối u, có cuống hoặc không, tổn thương này do niêm mạc đại tràng và tổ chức dưới niêm mạc tăng sinh tạo thành.
Theo bác sĩ Quang, một người có thể bị nhiều polyp đại tràng và kích thước của chúng khác nhau, có thể rất nhỏ bằng hạt đậu nhưng có trường hợp polyp đại tràng to gây tắc ruột. Đa số polyp đại tràng là lành tính nhưng một số có khả năng trở thành ác tính (ung thư).
Vì vậy, một người càng có nhiều polyp đại tràng hoặc có một vài polyp nhưng kích thước càng lớn càng cần phải cảnh giác và điều trị sớm. Bởi polyp để to không cắt sẽ gây chảy máu, tắc ruột và tiến triển thành ung thư.
Ung thư đại tràng không phải hoàn toàn là do polyp nhưng có khoảng 95% ung thư đại tràng phát triển từ polyp đại tràng. Sự thay đổi di truyền trong những khối u này dẫn đến những thay đổi về sự tăng trưởng, làm cho chúng nhân lên một cách mất kiểm soát.
Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra polyp đại tràng, nhưng các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra rằng polyp đại tràng mang tính gia đình. Tức là có khả năng di truyền từ bố, mẹ sang con. Điều này cũng giúp giải thích được vì sao nhiều bệnh nhi nhỏ tuổi mà trong đại tràng xuất hiện nhiều polyp. Nhưng phần lớn polyp có hiện tượng đột biến gene trên niêm mạc của đại tràng và hình thành nên polyp đột biến.
Bên cạnh đó, thói quen sinh hoạt thiếu khoa học cũng là yếu tố thuận lợi cho quá trình hình thành polyp. Đặc biệt là những người hay uống rượu, bia, hút thuốc lá, thuốc lào, ăn ít chất xơ, người tăng cân nhiều, ít vận động thì dễ có nguy cơ bị polyp đại tràng.
Ngoài ra, tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc polyp càng nhiều. Lứa tuổi gặp nhiều nhất là sau 40 tuổi, cao nhất là khoảng 60 – 70 tuổi.
Để phòng ngừa polyp và ung thư đại tràng cần:
- Thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý về đường tiêu hóa.
- Cắt bỏ tất cả các polyp ở ruột già và trực tràng vì những polyp này có thể dẫn đến ung thư.
- Đối với bệnh nhân trên 40 tuổi thì nên có 1 lần soi đại tràng để tầm soát.
- Sử dụng test thử phân để kiểm tra vì polyp gây chảy máu tiềm ẩn trong phân.
- Chế độ ăn cần hạn chế chất béo, ăn ít thịt đỏ, ăn nhiều chất xơ, không hút thuốc lá, giảm cân đối với người thừa cân béo phì…
Linh NhiBạn đang xem bài viết Vì sao bệnh nhi mới chỉ 3 tuổi cũng bị mắc bệnh đại tràng? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].