Theo Washington Post, đối với hầu hết mọi người, việc uống một tách cà phê lúc đói sẽ không gây ra vấn đề gì.
Tuy nhiên, theo giáo sư Kim Barrett của Trường Y Davis trực thuộc Đại học California, kiêm thành viên hội đồng quản trị của Hiệp hội Tiêu hóa Mỹ, uống cà phê buổi sáng khi bụng đói có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở những người có dạ dày nhạy cảm, dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản hoặc những người đã có tổn thương ở niêm mạc dạ dày như loét dạ dày.
Ngoài ra, bạn cũng cần cân nhắc đến hàm lượng caffeine trong tách cà phê của mình.
Cortisol là một loại hormone gây căng thẳng, tạo ra phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy, thường có nồng độ cao nhất vào buổi sáng. Ở một số người, việc nạp caffeine có thể làm tăng tác động của hormone cortisol.
Cortisol cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu. Chuyên gia dinh dưỡng Courtney Delpra thuộc Phòng khám Cleveland khuyến nghị, những người mắc bệnh tiểu đường uống cà phê nên kết hợp protein với carbohydrate trong bữa ăn sáng để cân bằng đường huyết.
Nghiên cứu cho thấy cà phê có tính axit, có thể kích thích sản xuất axit dạ dày, nhưng điều này không gây vấn đề gì đối với hầu hết mọi người.
Một nghiên cứu trên 8.000 cá nhân khỏe mạnh không tìm thấy mối liên quan đáng kể giữa việc uống cà phê và 4 loại rối loạn đường tiêu hóa trên chính, bao gồm loét dạ dày và trào ngược dạ dày.
Giáo sư Barrett nhận định, dạ dày được trang bị rất tốt để tự bảo vệ chính nó. Cà phê không có khả năng làm tổn thương niêm mạc dạ dày, trừ khi có bệnh nền.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề xuất một số mẹo giảm độ axit trong cà phê như:
- Dùng cà phê rang đậm (dark roast): Cà phê rang đậm thường ít kích thích tiết axit dạ dày hơn.
- Uống cà phê ủ lạnh (cold brew): Cà phê ủ lạnh được chứng minh là có nồng độ các hợp chất có tính axit thấp hơn so với cà phê ủ nóng.
- Thêm sữa hoặc kem vào cà phê: Sản phẩm từ sữa có thể giúp trung hòa axit trong dạ dày.
Kết luận:
Đối với hầu hết mọi người, uống một tách cà phê khi bụng đói sẽ không gây hại gì. Ngay cả những người có dạ dày nhạy cảm cũng có thể giảm nguy cơ đau bụng khi uống cà phê bằng cách dùng hạt cà phê rang đậm hoặc pha cà phê với một ít sữa.
Bạn đang xem bài viết Uống cà phê lúc đói có thực sự gây hại? tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].