Phát hiện polyp nhờ thử máu trong phân
Bệnh nhân N.T.Đ. (69 tuổi, ở Hà Nội) thường có triệu chứng đau bụng quanh rốn, đại tiện phân có máu, tiểu sẫm màu, không nôn, không sốt, có tiền sử bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường.
Khi tham gia chương trình tầm soát ung thư đại trực tràng do thành phố Hà Nội tổ chức, bệnh nhân có kết quả kiểm tra dương tính với nhiều máu trong phân.
Lo lắng với kết quả làm tầm soát ung thư này, bệnh nhân Đ. đến Bệnh viện E thăm khám. Sau khi làm các xét nghiệm, các bác sĩ quyết định tiến hành nội soi đại trực tràng cho bệnh nhân và phát hiện trong đại tràng có polyp.
Trong đó, có 2 polyp nhỏ và 1 polyp lớn. Các polyp này có cuống và chưa bị ung thư hóa nên có thể cắt ngay để phòng ngừa tiến triển thành ung thư.
Bác sĩ Vũ Hồng Anh - Khoa Nội soi thăm dò chức năng, Bệnh viện E cho biết, polyp đại tràng là tổn thương lành tính có hình dạng như khối u. Phần lớn các polyp ở dạng lành tính, nhưng trong một số trường hợp chúng phát triển thành ác tính gây bệnh ung thư. Do đó, phát hiện polyp và cắt sớm sẽ ngăn chặn hình thành ung thư sau này.
“Trong trường hợp của bệnh nhân Đ., xét thấy bệnh nhân có polyp nhỏ, polyp có cuống và polyp chưa bị ung thư hóa thì chúng tôi sẽ sử dụng dao điện để cắt các polyp đó. Nếu không cắt, các polyp này sẽ có các giai đoạn diễn tiến của nó, từ tăng sản, sau đó là loạn sản và chuyển thành ung thư hóa.
Tuy nhiên, không phải trường hợp bệnh nhân nào có polyp cũng có thể tiến hành cắt thông thường. Với một số polyp phẳng, diện tích lớn, bác sĩ chúng tôi không thể sử dụng đến biện pháp cắt thông thường, mà phải dùng phương pháp cắt dưới niêm mạc” – Bác sĩ Hồng Anh chia sẻ.
Cẩn trọng với những polyp nhỏ và phẳng
Theo BS CKII Phạm Thái Sơn - Trưởng đơn vị chẩn đoán hình ảnh, nội soi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, Polyp đại tràng là một khối phát triển bất thường trên bề mặt ruột già, trong lòng ruột, trong thành ruột hay bề mặt ở bên ngoài. Một người có thể có nhiều hơn 1 polyp đại tràng.
Tuy nhiên, đa phần polyp đại tràng ở dạng lành tính và không phải tất cả chúng đều chuyển sang ung thư. "Nhưng một trong số đó sẽ chuyển thành ung thư, nhất là những polyp nhỏ, polyp phẳng có nguy cơ chuyển sang ung thư cao hơn so với polyp to có cuống"- BS Sơn nhấn mạnh.
Điều đáng nói là dấu hiệu của polyp đại tràng rất nghèo nàn, đa phần bệnh nhân phát hiện polyp khi đi khám vì có biểu hiện đi ngoài ra máu. Đây được xem là triệu chứng thường gặp nhất, có giá trị gợi ý chẩn đoán polyp đại trực tràng.
Biểu hiện rõ nét nhất là thấy máu tươi thành vệt hay loang ra trên khuôn phân. Triệu chứng càng có giá trị khi phần mềm, nhão và có máu kèm theo. Tình trạng chảy máu có nhiều mức độ khác nhau nhưng thường nhẹ và vừa, cũng có trường hợp chảy máu nặng gây mất máu nghiêm trọng.
Tuy nhiên, vừa qua, tại Hà Nội đã triển khai chương trình sàng lọc ung thư đại trực tràng miễn phí cho người dân bằng cách lấy mẫu phân để thực hiện xét nghiệm tìm máu trong phân (FOBT - Fecal Occult Blood Test). Đây là một xét nghiệm đơn giản tìm máu ẩn trong phân mà mắt thường không nhìn thấy, là phương pháp gợi ý sự hiện diện của ung thư đại trực tràng.
Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, người dân sẽ được các bác sĩ tư vấn và chỉ định thêm các xét nghiệm chuyên sâu khác. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo - Phụ trách chương trình tầm soát phát hiện sớm ung thư đại trực tràng của Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc, tính đến hết tháng 5/2018, Bệnh viện Thu Cúc thu về hơn 72.000/ 138.000 mẫu xét nghiệm phát ra, qua đó phát hiện gần 3.800 mẫu dương tính. Đáng chú ý, trong số 64 trường hợp bị dương tính đến viện tư vấn và kiểm tra nội soi, làm xét nghiệm thì phát hiện có 3 trường hợp mắc bệnh ung thư. Đây là lời cảnh báo về mức độ phổ biến của các bệnh đường tiêu hóa nói chung và ung thư đại trực tràng nói riêng.
Bác sĩ Vũ Hồng Anh khuyến cáo, khi trong gia đình có anh, em, bố, mẹ có tiền sử bị polyp, ung thư đại tràng thì người đó cần theo dõi và tầm soát các khối polyp để ngừa ung thư hóa. Bởi Polyp cứ để to không cắt sẽ gây chảy máu, gây tắc ruột và chuyển sang ung thư. Vậy nên, việc phải phát hiện sớm để cắt khi còn nhỏ và dễ cắt đóng vai trò dự phòng ung thư hiệu quả.
"Sau 3 năm kể từ ngày cắt polyp đại tràng lần đầu, khả năng tái phát polyp là 25 – 30 %. Bên cạnh đó, một số polyp có thể xuất hiện trong quá trình nội soi nhưng bị bỏ sót vì quá nhỏ, một số khác mới vừa hình thành sau này. Do đó, sau khi cắt polyp nên nội soi đại tràng kiểm tra sau 3 – 5 năm"- BS Hồng Anh khuyến cáo.
Cho đến nay vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây polyp nhưng có thể kể đến các yếu tố nguy cơ như chế độ ăn nhiều chất béo, ăn nhiều thịt đỏ, ăn ít chất xơ, hút thuốc lá, béo phì…
Để phòng ngừa ung thư đại tràng cần:
-Thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý về đường tiêu hóa.
-Cắt bỏ tất cả các polyp ở ruột già và trực tràng vì những polyp này có thể dẫn đến ung thư.
-Đối với bệnh nhân trên 40 tuổi thì nên có 1 lần soi đại tràng để tầm soát.
-Sử dụng test thử phân để kiểm tra vì polyp gây chảy máu tiềm ẩn trong phân.
- Chế độ ăn cần hạn chế chất béo, ăn ít thịt đỏ, ăn nhiều chất xơ, không hút thuốc lá, giảm cân đối với người thừa cân béo phì…
Linh NhiBạn đang xem bài viết Tại sao phải cắt polyp đại tràng khi nó chưa phải là ung thư? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].