Nghiên cứu về việc đưa vắc-xin phòng lao BCG vào sử dụng phòng ngừa COVID-19 đang được nhiều người quan tâm và đặt câu hỏi, liệu vắc-xin phòng lao có giúp phòng ngừa COVID-19?
Giải đấp về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: “Cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào về mối liên quan giữa tiêm chủng vắc-xin phòng lao BCG với dịch COVID-19.
Hiện vấn đề này còn đang được các nhà khoa học nghiên cứu. Vậy nên tuyệt đối không tiêm vắc-xin phòng lao cho người lớn với mục đích phòng ngừa COVID-19. Bởi việc tiêm này có thể xảy ra những phản ứng không mong muốn”.
Ở Việt Nam, Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế đã giao Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nghiên cứu vấn đề này.
Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Viết Nhung cũng khuyến cáo, tuyệt đối không tiêm vắc-xin BCG cho người lớn vì gần đây đã có một thanh niên ở Nhật Bản gặp biến chứng sau tiêm vắc-xin BCG để phòng COVID-19.
Tại Việt Nam, vắc-xin phòng lao BCG hiện được khuyến cáo tiêm cho trẻ trong vòng 1 tháng sau khi sinh.
Sở dĩ có nghiên cứu về việc đưa vắc-xin phòng lao BCG vào sử dụng phòng ngừa COVID-19 là do vừa qua, các nhà khoa học đã nhận thấy ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ở một số quốc gia có chương trình tiêm vắc-xin phòng lao BCG phổ cập cho trẻ sơ sinh và dưới 1 tuổi nhẹ hơn so với các quốc gia không có chương trình này. Và việc tiêm chủng BCG có thể giúp điều hoà miễn dịch tự nhiên với một số nhiễm trùng đường hô hấp.
Trên thế giới hiện đã có 2 nghiên cứu được triển khai tại Hà Lan và Úc trên nhóm thầy thuốc chăm sóc bệnh nhân COVID-19 để đánh giá việc vắc-xin BCG có ảnh hưởng đến nguy cơ nhiễm bệnh hoặc giảm mức độ nặng nếu đã nhiễm bệnh hay không.
Do đã có những thông tin trái chiều nên Tổ chức Y tế thế giới cũng đã có thông báo mới nhất rằng, đến nay chưa đủ bằng chứng về việc vắc-xin phòng bệnh lao BCG làm giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong hay vắc-xin này có ảnh hưởng tốt hơn hoặc xấu hơn với dịch COVID-19.