Xét nghiệm dương tính trở lại có được xem là mắc COVID-19 tiếp?
Theo TS.BS Phạm Quang Thái - Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: Những bệnh nhân COVID-19 sau khi khỏi bệnh vẫn tiếp tục được theo dõi sức khỏe. Nếu trường hợp có triệu chứng ho hoặc sốt thì sẽ được làm xét nghiệm lại.
Có những trường hợp đã âm 2 - 3 lần rồi nhưng sau đó lại dương tính. Hiện tượng này có thể hiểu do ban đầu khi vào cơ thể, virus sẽ lưu trú ở vùng hầu họng. Nhưng thụ thể yêu thích của Corona lại không phải nơi này mà là phổi. Nên thời điểm virus tấn công xuống phổi sẽ rất khó để bắt được virus.
Khi đã điều trị 6- 7 ngày đến hết triệu chứng, việc lấy mẫu hầu họng gần như khó có thể bắt được virus. Đến khi 2 lần âm tính (sau khi hết triệu chứng và thêm 6 ngày chờ lấy mẫu) khả năng xét nghiệm âm tính là chính nhưng không loại trừ các trường hợp có tổn thương ở phổi, các tế bào nhiễm virus vẫn bị vỡ và giải phóng các vật liệu di truyền của virus và mặc dù không gây bệnh nhưng vẫn bị bài xuất ra khỏi phổi, lúc này việc xét nghiệm ở những hệ thống nhậy vẫn cho kết quả dương tính.
“Cần lưu ý là dương tính là phát hiện vật liệu di truyền của virus không có nghĩa là nhiễm bệnh. Trong những bệnh nhân phục hồi, có người không có triệu chứng gì, nhưng một số người có triệu chứng ho, khó chịu do tiết ra chất nhầy để đào thải những tế bào tổn thương còn sót lại sẽ có những vật liệu di truyền của virus. Lúc này khi lấy mẫu có thể có kết quả xét nghiệm dương tính” – BS Quang Thái nhấn mạnh.
Và với những trường hợp như bệnh nhân này, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương sẽ làm thêm các thử nghiệm như kiểm tra xem bệnh nhân có kháng thể hay không; nuôi cấy xem virus có nhân lên hay không…
Dương tính trong xét nghiệm RT-PCR nghĩa là tìm thấy vật liệu di truyền của virus, không có nghĩa là tìm thấy virus còn sống và còn đang gây bệnh.
Người bị xét nghiệm dương tính với COVID-19 trở lại có lây không?
Đến nay không thấy bằng chứng nào về khả năng lây nhiễm của bệnh nhân sau khi đã hồi phục. Trên thế giới chưa ghi nhận những lây nhiễm thứ phát từ những bệnh nhân đã điều trị khỏi.
Tuy nhiên các cơ sở y tế vẫn tiếp tục giữ những bệnh nhân sau hồi phục để phục vụ công tác giám sát, nghiên cứu nhằm hiểu biết rõ hơn về cơ chế gây bệnh của loại virus còn rất mới với y học hiện tại.
Việc sai sót trong xét nghiệm là khó có thể xảy ra vì kỹ thật RT-PCR rất nhạy, chỉ cần thấy sót lại 1 vài vật liệu di truyền của con này thôi là sẽ có kết quả dương tính. Để an toàn cho tất cả mọi người thì những trường hợp như bệnh nhân 188 sẽ được đưa vào điều trị tại các cơ sở y tế.
Việt Nam có tỉ lệ mắc không nhiều nên chưa đủ bằng chứng để nói 100% chắc chắn trường hợp dương tính lại không lây ra cộng đồng.
Như trước đó đã đưa tin, bệnh nhân số 188, là nữ, trú ở thôn Khôn Duy, xã Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Bệnh nhân này là nhân viên Công ty Trường Sinh, làm việc tại nhà ăn bệnh viện Bạch Mai, nhập viện và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam ngày 28/3.
Ngày 14/4, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính (lần 2) được xuất viện và đưa về gia đình tiếp tục cách ly.
Đến sáng 17/4, bệnh nhân có biểu hiện ho khan từng cơn, thân nhiệt đo được 36,8 độ, hơi tức ngực, không chảy nước mũi…
Bệnh nhân được lấy mẫu gửi CDC Hà Nội xét nghiệm và kết quả cho dương tính với COVID-19. Ngay sau đó bệnh nhân đã được chuyến đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) để kiểm tra và điều trị theo quy định.
An AnBạn đang xem bài viết Chuyên gia dịch tễ lý giải về trường hợp bệnh nhân dương tính COVID-19 sau khi ra viện tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].