Các loại thuốc bôi trĩ có thành phần là thảo dược có vị chát, tinh dầu như cao lá sung, trầu không, ngải cứu… có tác dụng giúp săn se niêm mạc, giảm triệu chứng viêm, ngứa do bệnh gây ra.
Theo Lương y Đồng Xuân Toán, lá sung, rễ sung, quả sung đều là những vị thuốc trong Đông y, có vị ngọt, hơi chát, tính mát, có tác dụng thông huyết, chỉ thống, lợi tiểu, tiêu thũng, tiêu viêm, bổ máu.
Các tài liệu về y học cổ truyền cũng có ghi lại, lá sung và quả sung có chứa tinh dầu, tannin, chất nhựa, vitamin C, chất đắng…, có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm. Quả sung và rễ sung có vị ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, kiện vị, chống ho, cầm máu, trị lỵ, tiêu thũng, nhuận phế.
Ở Trung Quốc, quả và rễ sung được sử dụng chữa tiêu chảy, bệnh trĩ, mụn nhọt, viêm phế quản, ho, suyễn.
Tại Ấn Độ, quả sung được ăn dưới dạng tươi hoặc khô, tác dụng lợi tiểu, làm dịu, làm mềm da và bổ. Ngoài ra, quả sung còn có tác dụng loại bỏ sỏi trong thận, bàng quang và làm hết sự tắc nghẽn trong gan và lách trong các trường hợp bán cấp và còn được dùng chưa bệnh gout.
Trong y học cổ truyền Pakistan, lá sung được dùng để làm thuốc lợi tiểu, làm dịu và làm mềm da và trị giun sán.
Trong dân gian, người dân Việt Nam cũng thường sử dụng lá sung để làm thuốc bổ, tăng tiết sữa, chữa bỏng…
Một số bài thuốc có sử dụng sung để chữa bệnh
- Chữa bỏng: Thường dùng loại lá sung có tật (lá sung vú) phơi khô sao vàng, tán bột mịn, trộn với mỡ lợn để bôi chữa bỏng.
- Tăng tiết sữa: Lá sung 100g, chân gì lợn 1 cái, quả mít non 50g (gọt bỏ vỏ), quả đu đủ non 50, lõi thông thảo 10g, hạt mùi 5g (để sống), tất cả đem thái nhỏ, thêm với gạo nếp 100g đem nấu cháo thật nhừ ăn 1 – 2 lần trong ngày. Dùng liên tục 2 – 3 ngày.
- Làm thuốc bổ: Lá sung 200g phơi trong râm cho khô và tán bột; củ mài 100g đồ chín, phơi khô sao vàng, tán bột; hạt sen 100g sấy khô tán bột; đảng sâm 100g sấy khô tán bột; thục địa 100g tẩm nước gừng sao thơm giã nhuyễn; hà thủ ô đỏ 100g tẩm nước đậu đen, sao kỹ tán bột; táo nhân 100g sao đen tán bột; ngải cứu 100g, ngài cứu tươi nấu kỹ lấy nước đặc. Tất cả trộn đều, thêm mật làm viên bằng hạt ngô. Người lớn mỗi lần uống 8 – 10 viên, trẻ em tùy tuổi mỗi lần 2 – 6 viên. Ngày uống 2 lần.
- Bổ dưỡng: Quả sung khô, hạnh nhân, bạch đậu khấu, đường phèn, nghệ vàng tươi (mỗi loại một ít với lượng bằng nhau), tất cả tán bột và ngâm trong bơ lỏng trong 8 ngày, tạo nên hỗn hợp có tác dụng tăng dục, bổ dưỡng.
- Thanh nhiệt: Quả sung chín tươi (2 – 4 quả), trộn với ít bột đường phèn và phơi tuyết vào ban đêm, ăn vào buổi sáng, ăn liên tục trong 15 ngày giúp hết nóng cơ thể.
- Chữa hen: Lá sung được phối hợp với một số thảo dược khác trị hen như lá sung phối hợp với thân cây đậu chiều, sắc uống; lá sung, thân cây đơn kim, thân cây ổi, sắc uống
- Chữa bệnh về răng: Nước sắc quả sung được dùng trong y học dân gian làm thuốc khử khuẩn răng miệng, trị áp xe răng.
- Chữa bệnh trĩ: Lá giã nát dùng ngoài làm thuốc làm dịu trong bệnh trĩ. Ngoài ra, còn có thể dùng các loại thảo dược gồm lá cúc tần, lá ngải cứu, lá sung, lá lốt, mỗi thứ 1 nắm và thêm vài lát nghệ đun nước để ngâm, xông và rửa hậu môn khoảng 15 phút nhằm giảm sưng đau, ngứa rát vùng hậu môn do bệnh trĩ gây ra.