Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Bệnh trĩ và khuyến cáo của bác sĩ về dấu hiệu, biến chứng, cách điều trị

Trĩ vốn là cấu trúc bình thường của cơ thể. Cấu trúc này trở thành bệnh trĩ khi có biểu hiện bất thường. Do vậy, cần hiểu đúng về bệnh trĩ, các dấu hiệu cần đi khám

Cần hiểu đúng về bệnh trĩ, các dấu hiệu cần đi khám thì mới đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Bệnh trĩ là gì?

Hiểu đúng về trĩ và bệnh trĩ

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm PT Đại trực tràng- tầng sinh môn, Trưởng khoa Khám bệnh tổng hợp, BV Việt Đức, Phó chủ tịch hội Hậu môn trực tràng học VN: Trĩ là những cấu trúc giải phẫu mà bình thường có chức năng bình thường trong cơ thể. Khi nào cấu trúc này chuyển sang trạng thái bất thường với biểu hiện bất thường như đại tiện ra máu, đau, sa trĩ, tắc mạch trĩ thì lúc đó mới gọi là bệnh trĩ (chứ không gọi là trĩ).

Bệnh trĩ và khuyến cáo của bác sĩ về dấu hiệu, biến chứng, cách điều trị 0

Bệnh này có những mức độ khác nhau, hình thái khác nhau do cơ địa từng người khác nhau.

Theo TS. BS cao cấp Lê Mạnh Cường- Phó GĐ BV Y học cổ truyền Trung ương, nguyên trưởng khoa ngoại BV, Phó chủ tịch Hội Hậu môn trực tràng học Việt Nam: Trĩ còn được gọi là đệm hậu môn, đây là một tổ chức có cấu trúc mạch nằm ở dưới lớp niêm mạc trong lòng ống hậu môn.

Như vậy, trĩ là một phần cấu trúc bình thường của ống hậu môn có vai trò quan trọng giúp đóng kín lỗ hậu môn.  Do đó, được xác định là bị bệnh trĩ khi tổ chức trĩ hay đệm hậu môn bị tổn thương gây chảy máu, giãn to, sa trượt khỏi vị trí bình thường trong lòng ống hậu môn.

Do đó, theo BS Cường, nói đến đặc điểm của bệnh trĩ nội thì không phải cứ hiểu búi trĩ nằm ở trong mới coi là bệnh trĩ nội mà trong một số trường hợp búi trĩ lòi ra ngoài thì vẫn được coi là bệnh trĩ nội. Vì thế, thực tế thăm khám và xét nghiệm cho bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra kết luận là mắc bệnh trĩ kiểu gì và ở mức độ nào.

  Hình vẽ phân biệt trĩ ngoại, trĩ nội, trĩ hỗn hợp

Hình vẽ phân biệt trĩ ngoại, trĩ nội, trĩ hỗn hợp

Còn theo TS. BS Phạm Thái Hưng- Trưởng khoa ngoại, BV Tuệ Tĩnh kiêm Phó chủ nhiệm bộ môn ngoại, Học viện Y dược học cổ truyên Việt Nam thì: Bệnh trĩ là do tĩnh mạch trực tràng hậu môn bị giãn quá mức gây xung huyết. Đám tĩnh mạch ở dưới niêm mạc vùng hậu môn gồm nhiều xoang tĩnh mạch to nhỏ không đều nhau. Và mỗi mạch máu khi này giãn phồng quá mức sẽ hình thành nên búi trĩ.

 Nguyên nhân, triệu chứng, cách chữa bệnh trĩ nội, trĩ ngoại

 Các cấp độ của bệnh trĩ

Theo BS Hưng: Tại khu vực hậu môn trực tràng thì ngoài các tĩnh mạch to còn có các tĩnh mạch nhỏ khác. Đó cũng là lý do có người bệnh thì chỉ hình thành có 1 búi trĩ riêng biệt, có người bị bệnh thì lại có 3, thậm chí là 5 búi trĩ, có người thì lại có nhiều búi trĩ hoặc trĩ vòng là vì vậy.

  Các cấp độ của bệnh trĩ

Các cấp độ của bệnh trĩ

Còn theo BS Hùng, có ít nhất 10 hình thái của bệnh trĩ và phân loại theo nhóm: Thứ nhất là phân theo mức độ (1,2, 3 và 4) ; Thứ 2 là phân loại theo triệu chứng chảy máu, từ dính máu; máu nhỏ giọt khi đi đại tiện; chảy máu nhiều… (trong đó mức độ nặng nhất là tình trạng mất máu nhiều gây ảnh hưởng đến sự sống bệnh nhân); Thứ 3 là phân loại theo hình thức tắc mạch trĩ.

Ngoài ra, trên thực tế khám chữa bệnh trĩ  tại các cơ sở y tế hiện nay, người ta thường phân chia bệnh trĩ theo thể : bệnh trĩ nội, bệnh trĩ ngoại và bệnh trĩ thể hỗn hợp. Hoặc chia bệnh trĩ theo mức độ : độ 1, độ 2, độ 3 và độ 4.

Có bao nhiêu người mắc bệnh trĩ ở Việt Nam?

Bệnh trĩ và khuyến cáo của bác sĩ về dấu hiệu, biến chứng, cách điều trị 3

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, bệnh trĩ là bệnh thường gặp. Nôm na có câu “thập nhân cửu trĩ” (cứ 10 người thì có 9 người có bị trĩ). Còn thống kê hiện chưa có con số thống kê chính thống và đầy đủ  và toàn diện về số người mắc trĩ ở Việt Nam.

Tuy nhiên, qua 3 đề tài nghiên cứu khoa học mà tôi có trực tiếp tham gia điều tra dịch tễ  về căn bệnh này (1 tại nhà máy Super phốt phát Lâm Thao; 1 tại tỉnh Thái Bình và 1 đề tại một số tỉnh phía Bắc) thì thấy tỷ lệ  từ 30 - 40% người trưởng thành có dấu hiệu, triệu chứng mắc bệnh trĩ.

BS cao cấp Lê Mạnh Cường cho biết, trung bình Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương tiếp nhận khoảng 750 lượt người/tháng đến khám bệnh liên quan đến trĩ. Bình bình quân khoảng 7.500-8.000 lượt người/ năm. Trong đó, số bệnh nhân phải tiến hành can thiệp phẫu thuật tại viện bình quân là từ 1.000- 1.500 ca/ năm, năm nhiều lên đến 2.000 ca.

“Như vậy, số người bị bệnh trĩ theo chúng tôi chiếm khoảng 60-70% dân số, trong đó số người phải mổ trĩ chiếm tỷ lệ khoảng 20-30%”, TS Cường khẳng định.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh trĩ?

Triệu chứng của bệnh trĩ

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, việc chẩn đoán người bị mắc bệnh trĩ không quá khó. Bệnh trĩ có những triệu chứng đặc trưng sau:

- Đại tiện ra máu

- Thấy khối bất thường sa ra khi đại tiện

- Đau bất thường ở vùng hậu môn

Khi thấy có ít nhất 3 biểu hiện này thì cần đến bác sĩ chuyên khoa để thăm khám kịp thời nhằm trách biến chứng bệnh trĩ cũng như loại bỏ những căn bệnh khác có một trong số biểu hiện tương tự trên, đặc biệt là ung thư trực tràng.

Bệnh trĩ và khuyến cáo của bác sĩ về dấu hiệu, biến chứng, cách điều trị 4

Theo TS. BS cao cấp Lê Mạnh Cường, người bệnh khi thấy có các biểu hiện như đau, ra máu nhiều ở vùng hậu môn thì đã có thể xác định được đến 90% là mắc bệnh trĩ.

"Cũng phải nói thêm, bình thường người bị bệnh trĩ không thấy đau. Nó chỉ gây đau khi ở tình trạng bị biến chứng mạnh (hình thành các huyết khối trong búi trĩ), đau liên tục và có những cơn đau cấp. Hay tuy ra máu ở vùng hậu môn có nhiều lý do nhưng trong đó do bệnh trĩ là nguyên nhân hàng đầu", BS Cường cho biết.

Bệnh trĩ và khuyến cáo của bác sĩ về dấu hiệu, biến chứng, cách điều trị 5

- Bệnh trĩ thường hay nhầm lẫn với bệnh nào:

  • Rất dễ nhầm lẫn với bệnh nứt kẽ hậu môn (vì khi đại tiện cũng rớm máu. Bệnh này bản chất là những ổ loét mạn tính liên tiếp  không liền và có gây đau rát khi đi đại tiện. Hay gặp ở nữ giới giai đoạn mang bầu)
  • Sa trĩ dễ nhầm với sa trực tràng (lộn cả vòng trực tràng ra ngoài) do cùng có biểu hiện đau, chảy máu và viêm nhiễm. Người bệnh thường khó phân biệt.
  Sa trĩ rất hay nhầm với sa trực tràng

Sa trĩ rất hay nhầm với sa trực tràng

Tuy nhiên, đặc điểm dễ phân biệt nhất là sa trĩ thường kèm với tắc mạch ( Búi trĩ sa hẳn ra, cơ thắt hậu môn thắt lại gây nghẹt) khi nhìn bằng mắt thường sẽ thấy búi trĩ màu tím thẫm, thậm chí có những điểm hoại tử. Còn niêm mạc trực tràng khi sa sẽ sa toàn bộ vùng niêm mạc và nhìn bằng mắt thường vẫn thấy vòng niêm mạc đó có màu hồng bóng.

Triệu chứng điển hình của bệnh trĩ

 Đối tượng dễ mắc bệnh trĩ

  • Độ tuổi mắc nhiều nhất: từ 20-35 ; người già trên 65 tuổi. Nếu như cách đây khoảng 20 năm, bệnh trĩ thường gặp ở người trên 30 tuổi nhưng hiện giờ đang có xu hướng trẻ hóa khi số bệnh nhân trĩ ở độ tuổi 20 phải nhập viện điều trị ngày càng nhiều.
  • Ngành nghề: Lao động phổ thông, lái xe, dân văn phòng ngồi nhiều… Những công việc mà tư thế đứng, ngồi gây áp lực lớn cho ổ bụng, từ đó áp lực đến vùng hậu môn.
  • Giới: nữ thì thường gặp ở nhóm phụ nữ mang thai to, sinh nở nhiều/ Nam thì gặp ở nhóm người dùng nhiều/ thường xuyên đồ kích thích như rượu bia, đồ gia vị cay nóng nhiều như ớt… nên dịp trước và sau lễ tết số người điều trị bệnh trĩ nhiều là vậy.
  • Thói quen: chơi những môn thể thao gây áp lực tới ổ bụng nhiều (tập gym, tập tạ); chế độ ăn ít chất xơ, giàu đạm; uống ít nước ; lười vận động  là những nguyên nhân hàng đầu
  • Bệnh lý: những người có bệnh mạn tính về đại trực tràng thì là điều kiện lý tưởng để bệnh trĩ tiến triển, biến chứng
  • Di truyền : bệnh này không di truyền (nghĩa là liên quan đến cấu trúc về gien) nhưng ghi nhận có yếu tố tính chất gia đình (tức là nếu bố mẹ/ ông bà bị bệnh thì rất dễ con cháu bị mắc đúng bệnh này)
Bệnh trĩ và khuyến cáo của bác sĩ về dấu hiệu, biến chứng, cách điều trị 7

Cách điều trị bệnh trĩ hiệu quả

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng : Mỗi hình thái bệnh khác nhau thì sẽ có những cách điều trị khác nhau. Theo đó, sẽ có ít nhất khoảng 10 hình thái bệnh trĩ.

Điều trị bệnh trĩ bằng thuốc (nội khoa)

Nếu bệnh trĩ ở hình thái nhẹ chỉ tiến hành điều trị nội khoa, thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt. Khoảng 50% người bệnh trĩ xác định sống chung với bệnh trĩ. Song cách điều trị này chỉ giúp giảm nguy cơ bệnh tiến triển chứ không điều trị khỏi hẳn và nguy cơ bị tái phát vẫn có.

Ưu điểm của phương pháp này giúp bệnh nhân sợ đau, ngại mổ có cảm giác an toàn, không đau hoặc ít đau nhất và ít tốn kém nhất trong số các phương pháp điều trị.

Thuốc bôi trĩ gồm những loại nào, điều trị hiệu quả không?

Điều trị bệnh trĩ bằng thủ thuật

Theo PGS Hùng, khi bệnh ở mức độ nặng hơn có thể tiến hành can thiệp bằng thủ thuật (điều trị khu trú từng búi trĩ bằng cách thắt vòng cao su búi trĩ, tiêm xơ búi trĩ,  dùng sóng cao tần, laze đốt búi trĩ…). Khoảng 40% người bệnh áp dụng các phương pháp thủ thuật.

Ưu điểm của phương pháp này giúp người bệnh cảm thấy thời gian nằm viện ngắn, khả năng hồi phục sức khỏe để quay lại nhịp sinh hoạt làm việc nhanh hơn.

Điều trị bệnh trĩ bằng phẫu thuật (mổ trĩ)

Mổ/ phẫu thuật can thiệp là biện pháp điều trị sau cùng khi các biện pháp trên không đạt được hiệu quả.

Có một thực tế, theo PGS Hùng, có khoảng 10% bệnh nhân sau khi dùng thuốc, thủ thuật vẫn phải mổ/ phẫu thuật. Những ca phẫu thuật trĩ thường áp dụng các ca trĩ nặng như chảy máu nhiều, tắc mạch gây đau đớn cho bệnh nhân (bị tím đen, tím đỏ), sa ra ngoài quá lớn (có những búi trĩ to như quả quýt, quả cam).

Ưu điểm : Hình thức điều trị phẫu thuật giúp bệnh tránh bị tái phát đạt khoảng 80-90%. Nhưng phần lớn người bệnh chỉ tìm đến khi quá đau không chịu được, bị biến chứng nặng (như hoại tử vùng bệnh, hỏng chức năng bộ phận hậu môn, đe dọa tính mạng bệnh nhân).

Tìm hiểu thêm về phẫu thuật trĩ

  Điều trị bệnh trĩ bằng Đông Tây y kết hợp

Theo TS. BS cao cấp Lê Mạnh Cường, Hiện một số cơ sở y tế như BV chúng tôi đang triển khai điều trị khá hiệu quả bệnh trĩ theo hướng : chọn những phương pháp y học hiện đại cập nhật (như mới nhất, có nhiều ưu điểm nhất) kết hợp với thế mạnh/ ưu thế của y học cổ truyền.

Nghĩa là sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể áp dụng các bài thuốc y học cổ truyền dưới dạng sắc uống/ ngâm rửa, bôi nhằm giúp người bệnh chống sự phù nề, viêm nhiễm sau mổ, nhuận tràng, chống táo bón, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Vì thế thuốc Đông y có tác dụng hỗ trợ điều trị là như vậy.

« Phải khẳng định, đến thời điểm hiện tại với bệnh trĩ giai đoạn nặng (trĩ độ 3 và 4), thì các loại thuốc (kể cả thuốc y học cổ truyền) chỉ có giá trị hỗ trợ điều trị bệnh trĩ chứ không thể điều trị bệnh mang tính chất triệt để », BS Cường cho biết.

Cách chữa trĩ bằng thảo dược dân gian tại nhà

Bệnh trĩ có chữa khỏi được không?

Bệnh trĩ có chữa khỏi hẳn được không ?

Theo các chuyên gia y tế về Hậu môn- trực tràng học khẳng định, bệnh trĩ không dễ chữa, điều trị không đúng thì không khỏi hẳn. Ngoài ra còn do đặc điểm bệnh lý (dù đã tiến hành phẫu thuật/ thủ thuật cắt bỏ búi trĩ sa) và vẫn có nguy cơ tái phát, tái phát cao nếu người bệnh không điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp.

-Biến chứng của bệnh trĩ :

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng: "Chúng tôi thường phải xử trí các ca biến chứng tắc mạch, hoại tử vùng hậu môn do điều trị trĩ sai cách, để bệnh biến chứng nặng. Đặc biệt, nhiều ca bệnh do các kỹ thuật viên thực hiện chưa đúng kỹ thuật dẫn đến hẹp hậu môn, hỏng hậu môn không tự chủ được việc đại tiện".

BS cao cấp Lê Mạnh Cường cũng cho biết: Tình trạng tự chữa bệnh, chữa bệnh trĩ theo « bác sĩ Google » dẫn đến xuất hiện nhiều ca biến chứng nặng. Tôi đã từng phải xử trí tạo hình lại hậu môn cho người bệnh chỉ vì bôi đắp thuốc không rõ nguồn gốc chữa trĩ dẫn đến hẹp hậu môn, hoại tử.

Ngoài ra còn nhiều trường hợp bệnh nhân bị hẹp hậu môn do tiêm xơ, sa trĩ tắc mạch biến chứng do điều trị tại những cơ sở thiếu uy tín, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, chữa bệnh kiểu truyền miệng.

Còn TS. BS Phạm Thái Hưng chia sẻ: 60% số ca nhập viện phẫu thuật tại bệnh viện chúng tôi là những ca  biến chứng do điều trị bệnh trĩ không đúng phương pháp hoặc tại những cơ sở y tế không đảm bảo chất lượng. Đã từng có trường hợp bệnh nhân phải vào viện xử trí do tự điều trị trĩ tại nhà dẫn đến chảy máu ồ ạt, gây thiếu máu; hẹp hậu môn sau khi phẫu thuât ở cơ sở y tế/ phòng khám không đảm bảo điều kiện (không đúng chuyên khoa, phẫu thuật viên không chuyên); hoại tử búi trĩ…

Không ít trường hợp trĩ biến chứng to như quả quýt, quả cam lòi ra ngoài có biểu hiện hoại tử tím đen do tắc mạch, bệnh tái phát do điều trị không đúng cách hoặc không triệt để.

Những ca biến chứng mà bệnh viện xử trí hay gặp ở người trẻ do đặc thù sinh hoạt và nghề nghiệp (họ ngại đến BV mà ra các phòng khám cho tiện, nhanh) ; người già bị táo bón mãn tính, vệ sinh kém (đau quá không chịu được mới nhập viện).

Điều trị bệnh trĩ có tốn kém không (điều trị bệnh trĩ hết bao nhiêu tiền)

Bệnh trĩ có những dạng khác nhau, có các cách điều trị khác nhau ( nội khoa, thủ thuật, phẫu thuật), phương pháp điều trị khác nhau và còn tùy thuộc vào bệnh nhân lựa chọn cơ sở y tế khám chữa khác nhau (cơ sở y tế công lập, tư nhân) nên chi phí điều trị bệnh cũng khác nhau.

Đáng chú ý, danh mục chi trả BHYT cũng đã thực hiện thanh toán cho một số loại thuốc, phương pháp điều trị bệnh trĩ .

Người bị bệnh trĩ nên làm gì ?

Chế độ ăn uống 

Không nên/ hạn chế ăn uống gì khi bị bệnh trĩ: 

-Không nên ăn những gia vị cay, nóng, mặn như muối, ớt, tiêu, hành… do những gia vị này dễ gây kích ứng niêm mạc dạ dày, ruột và khiến việc đại tiện khó khăn hơn.

-Không nên ăn đồ quá giàu đạm, chất béo, chất sắt vì dễ gây rối loạn đường tiêu hóa, trong đó có thể gây táo bón.

-Không nên ăn thức ăn có vị chát như sung, trà, ổi…

-Không nên ăn quá no vì làm gia tăng áp lực ổ bụng làm ảnh hưởng đến các tĩnh mạch trĩ.

-Tránh dùng thường xuyên những đồ uống kích thích như rượu bia, nước có ga hay có chứa cafein do chúng làm các tế bào và mạch máu căng ra, làm bệnh nặng hơn.

Nên ăn/uống gì khi bị bệnh trĩ ?

-Ăn nhiều chất xơ, nhất là chất xơ hòa tan như ăn nhiều rau xanh ( lưu ý là chọn rau non chứ không phải rau già) ; dùng đa dạng các loại hoa quả nhằm cung cấp lượng vitamin tổng hợp đầy đủ nhất có thể.

- Uống nhiều nước: người bình thường được khuyên uống từ 2 -2,5l/ ngày thì người bị bệnh trĩ nên uống tối thiểu khoảng 3l nước/ ngày.

Chế độ vận động :

-Người bị bệnh trĩ nên vận động thường xuyên. Tránh ngồi nhiều bằng việc cứ 30 phút thay đổi tư thế ngồi hoặc sau 2-3 tiếng phải đứng lên đi lại để thay đổi trạng thái cơ thể và giúp máu huyết lưu thông tốt hơn, giúp ngừa bệnh trĩ tốt hơn.

-Thường xuyên tập thể dục hoặc các môn thể thao.

Thực hiện việc đi vệ sinh khoa học :

-Hàng ngày, nên đi vệ sinh cố định vào một giờ

-Thời gian đi vệ sinh không quá 5 phút

-Tư thế ngồi vệ sinh đại tiện là lưng thẳng đúng vuông góc với đùi 90 độ cũng nhằm giảm nguy cơ bị bệnh trĩ nặng.

-Sau khi đi vệ sinh thì nên dùng nước sạch rửa, tránh dùng giấy vệ sinh gây viêm nhiễm.

 Câu hỏi phổ biến của người bị bệnh trĩ:

+ Bệnh trĩ có lây không?

Đây là bệnh lành tính, không lây nhưng dễ bị viêm nhiễm, biến chứng do vệ sinh không sạch

+ Bệnh trĩ bao lâu thì khỏi ?

Khoảng 50% người bị bệnh trĩ chung sống lâu dài với căn bệnh này. Người bệnh chỉ đến các cơ sở y tế điều trị khi bệnh trĩ tiến triển, có biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh như đau, ngứa, rát vùng hậu môn không thể chịu đựng được.

+ Bệnh trĩ có ảnh hưởng tới chức năng sinh lý cơ thể không?

Bệnh trĩ có ảnh hưởng đến chức năng sinh lý cơ thể, đặc biệt là những ca biến chứng bệnh trĩ khiến dẫn đến hẹp, tắc hậu môn.

+ Bệnh trĩ có nên quan hệ/ nên kiêng quan hệ không?

Người mắc bệnh trĩ không cần phải kiêng kem quan hệ sinh hoạt vợ chồng. Tuy nhiên, trong những trường hợp bị biến chứng như sa, tắc mạch hay bị viêm loét vùng hậu môn thì tuyệt đối không nên sinh hoạt quan hệ vợ chồng nhằm tránh tổn thương nặng.

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính