Sau nửa tháng được ghép phổi, bệnh nhân H. đã hồi phục hoàn toàn, có thể tự đi lại, vận động nhẹ nhàng. Đây là kỳ tích y khoa Việt Nam, đánh dấu một bước tiến lớn trong lĩnh vực ghép tạng sau những thành công về ghép thận, ghép gan trong 2 năm qua.
Bệnh nhân Trần Ngọc H. (52 tuổi, trú tại Nam Định) bị suy hô hấp nặng do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính giai đoạn cuối. Tình trạng bệnh nhân khi nhập viện rất nghiêm trọng, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Ông H. cũng đi khám nhiều nơi, sử dụng nhiều loại thuốc nhưng luôn phải vào viện điều trị, thở máy, thở oxi.
Khi đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ cho rằng chỉ có ghép phổi là cơ hội duy nhất giành lại sự sống cho bệnh nhân H. Mặc dù tìm được con đường cứu sống bệnh nhân nhưng nguồn phổi hiến tạng không có là trở ngại khiến bác sĩ khó có thể thực hiện. May mắn đến khi có một người chết não đồng ý hiến tạng, kíp mổ lập tức được thực hiện.
Do ghép phổi là một trong những kỹ thuật khó nhất trong lĩnh vực ghép tạng, kể cả với những nước có nền y học tiên tiến trên thế giới, kíp trực đã phải chuẩn bị suốt hơn 40 giờ đồng hồ hội chẩn liên viện, hội chẩn quốc tế.
Hơn 60 người vào cuộc, cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu của Pháp, Bỉ, ca ghép phổi cho bệnh nhân H. được tiến hành vào 10 giờ sáng ngày 26/2.
Ca ghép kéo dài suốt 8 tiếng đồng hồ, bệnh nhân H. được điều trị tích cực, có sự phối hợp nhiều chuyên khoa. Một tuần sau ca ghép, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt.
Đến nay đã 16 ngày sau ca ghép phổi, bệnh nhân H đã tự vận động đi lại trong phòng, tự thở, xét nghiệm ổn định, khí phổi và khí máu ổn định, bệnh nhân đã ăn được cháo.
GS.TS Mai Hồng Bàng - Giám đốc Bệnh viện chia sẻ: “Sự chuẩn bị chu đáo, đồng bộ tất cả các khâu, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị, bệnh viện trên nền tảng chuyên môn kĩ thuật cao đã tạo nên một dấu ấn quan trọng trong chuyên ngành ghép tạng của bệnh viện, cứu sống nhiều bệnh nhân”.
Ngoài ra, GS. TS Mai Hồng Bàng cũng cho biết: Nếu như ghép phổi hay ghép tạng khác nói riêng từ người cho sống thì việc ghép này sẽ chủ động hơn nhưng ghép từ người cho chết não phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ nguồn hiến tạng. Đặc biệt là việc hồi sức sau ghép cho người bệnh đòi hỏi rất nhiều công đoạn...
Để có được thành công như một kỳ tích y khoa này, từ tháng 3/2016, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã triển khai Đề án Khoa học công nghệ tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện.
Đến nay Bệnh viện đã thực hiện thành công 18 ca ghép thận, 1 ca ghép gan, 04 ca giác mạc, 05 ca ghép tủy… Tất cả các bệnh nhân sau khi ghép đều ổn định sức khỏe, trở về cuộc sống , sinh hoạt bình thường.
Đây không chỉ là ca ghép phổi từ người cho chết não đơn thuần mà là một trường hợp ghép đa tạng cho nhiều người trong cùng một thời gian rất ngắn.
Từ nguồn tạng của người cho chết não này, 6 người đã được ghép thận, giác mạc, tim. Đó là thận và giác mạc của người này đã được ghép cho 1 bệnh nhân bị bệnh thận và ghép cho hai bệnh nhân bị bệnh lý về mắt tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Đồng thời, từ nguồn tạng của người cho chết não này, các thầy thuốc của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã phối hợp với Trung điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Việt Đức (chuyển một quả thận sang ghép thận tại Bệnh viện Việt Đức) và Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh tiến hành bảo quản, vận chuyển tạng xuyên Việt để thực hiện tiếp các ca ghép thận và ghép tim cho hai bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh.
GS. TS Thiếu tướng Mai Hồng Bàng - Giám đốc Bệnh viện Quân đội Trung ương 108 cho biết.