Kể từ năm 2014 đến nay, trên thế giới đã có 8 ca sinh nở của phụ nữ cấy ghép tử cung – tất cả đều ở Gothenburg, Thụy Điển, tại Bệnh viện Đại học Sahlgrenska.
Tuy nhiên, ở Mỹ, đây là một lĩnh vực mới, là niềm hy vọng cho những người phụ nữ không thể sinh con vì không có tử cung bẩm sinh, tử cung bị cắt bỏ vì ung thư hoặc do các biến chứng khi sinh.
Các nhà nghiên cứu dự đoán, ở Mỹ có 50.000 người rơi vào trường hợp này, cần được cấy ghép tử cung.
Ca cấy ghép đi vào lịch sử
Lần đầu tiên ở Mỹ, một phụ nữ không có tử cung có thể sinh con sau khi được cấy ghép cơ quan này.
Ca phẫu thuật tử cung được thực hiện ở Trung tâm Y tế Đại học Baylor ở Dallas và em bé cũng được sinh ra tại đây vào tháng trước, hiện vẫn đang khỏe mạnh.
Julie Smith, người phát ngôn của bệnh viên cho hay, theo yêu cầu của gia đình, tên tuổi, quê quán và ngày sinh của đứa bé được bảo mật để bảo vệ riêng tư của họ.
Bác sỹ Liza Johannesson, một trong những người làm nên thành công này cho biết: ‘Chúng tôi đã chờ đợi giờ phút ấy từ rất lâu rồi. Tôi nghĩ mọi người đều xúc động khi em bé ra đời. Tôi cũng không kìm được nước mắt’.
Người hiến tử cung là chị Taylor Siler, 36 tuổi, một y tá ở Dallas. Chị đã có 2 con và muốn những người khác cũng được hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ.
Có thể nói, phẫu thuật cấy ghép tử cung phức tạp hơn nhiều các ca mổ khác.Với ca cấy ghép này, các bác sỹ đã phải mất khoảng 5 tiếng để lấy tử cung ra khỏi cơ thể người hiến và thêm 5 tiếng nữa để cấy ghép.
Theo BS Giuliano Testa, chuyên gia hàng đầu về cấy ghép nội tạng, người đứng đầu cuộc thử nghiệm cấy ghép tử cung ở Đại học Baylor tâm sự: ‘Chúng tôi thường xuyên cấy ghép nội tạng nhưng lần này hoàn toàn khác.
Khi hiến thận, bạn giúp một người sống lâu hơn và không còn phải lọc máu hàng ngày. Còn khi hiến tử cung, bạn hiến tặng một trải nghiệm, trải nghiệm được làm cha mẹ.
Điều này có ý nghĩa thực sự lớn lao với những người tham gia, không từ gì có thể diễn tả được.’
Quy trình hiến và cấy ghép tử cung
Những người phụ nữ tham gia cuộc thử nghiệm được cấy ghép tử cung của cả người còn sống và đã mất.
Người nhận trong độ tuổi từ 20 – 35 và người hiến bắt buộc từ 30 – 60 tuổi. Được biết, Đại học Baylor sẽ thực hiện 10 ca cấy ghép trong cuộc thử nghiệm đầu tiên. Cho đến nay, họ đã thực hiện được 8 ca thành công và ít nhất 3 ca thất bại.
Phần lớn những người tham gia cuộc thử nghiệm phải chuyển đến khu vực Dallas để làm phẫu thuật và kiểm tra hậu phẫu.
Sau khi người nhận được cấy ghép tử cung, họ đợi hồi phục và có kinh nguyệt, thường là 4 tuần sau khi cấy ghép.
Kế tiếp, họ sẽ được thụ tinh trong ống nghiệm – đây là quy trình bắt buộc vì buồng trứng của họ không gắn trực tiếp với dạ con.
Việc cấy ghép này chỉ là tạm thời, đủ thời gian để người phụ nữ sinh từ 1 – 2 con, sau đó lại cắt bỏ để người nhận tạng có thể ngừng uống thuốc chống đào thải.
Hy vọng vào tương lai
Để có được ngày hôm nay, các bác sỹ Mỹ đã trải qua nhiều thất bại. Năm ngoái, ở Bệnh viện Cleveland, một ca phẫu thuật đầy triển vọng đã diễn biến xấu đi và buộc các bác sỹ phải cắt bỏ cơ quan mới cấy ghép.
Thất bại đó có lẽ là động lực để các nhà khoa học đào sâu nghiên cứu và đạt được thành quả tuyệt vời như vậy trong năm nay.
Phần lớn những bệnh nhân tham gia vào nghiên cứu mắc một căn bệnh có tên gọi hội chứng Mayer-Rokitansky-Küster-Hauser (không có tử cung bẩm sinh) và cả đời họ nghĩ rằng mình sẽ không thể có con.
Nhưng phương pháp này có thể cải thiện cuộc sống của họ cùng rất nhiều người với những căn bệnh khác nhau.
Nó mở cánh cửa hy vọng cho cả những người đã cắt bỏ dạ con, các cặp vợ chồng vô sinh và những bệnh nhân chuyển giới.
Cùng với những tiến bộ vượt bậc trong việc cấy ghép tử cung, chúng ta cũng đang nhận được những tín hiệu đáng mừng trong lĩnh vực thụ tinh ngoài.
Khi hiểu biết của con người về vấn đề sinh sản được mở rộng, tử cung nhân tạo có thể là lựa chọn khả thi hơn với các bệnh nhân.
Hình ảnh chú cừu đầu tiên được sinh ra từ tử cung nhân tạo.
Hiện tại, một ca cấy ghép tử cung cực kỳ tốn kém, có thể lên đến 500.000 đô la (tương đương 11 tỷ 359 triệu VNĐ).
Giống những cách điều trị vô sinh khác, hiếm khi công ty bảo hiểm nhận chi trả cho ca phẫu thuật này.
Bệnh viện Baylor đã hỗ trợ chi phí cho 10 ca ghép tử cung đầu tiên trong thử nghiệm nhưng hiện họ đang tìm kiếm tài trợ để có thể tiếp tục.
Họ cho biết, cần phải thực hiện thêm nhiều ca phẫu thuật nữa trước khi biến nó thành cách phương pháp điều trị tiêu chuẩn.
Về phần mình, bác sỹ Testa thừa nhận: ‘Thực tế là nhiều phụ nữ sẽ không có khả năng chi trả cho một ca phẫu thuật như vậy’.
Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng trong tương lai, những ca phẫu thuật cấy ghép tử cung sẽ phổ biến hơn với chi phí thấp hơn.
Quỳnh AnhBạn đang xem bài viết Người phụ nữ đầu tiên sinh con bằng tử cung được cấy ghép, mở ra hy vọng chữa trị vô sinh tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].