Bộ GD&ĐT cần phối hợp để có hướng dẫn chi tiết việc học sinh cấp 2, cấp 3 sử dụng điện thoại phù hợp, phục vụ học tập đạt kết quả.
Mới đây, trong Nghị quyết 178/NQ-CP của Chính phủ nêu rõ Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các địa phương hướng dẫn phù hợp việc sử dụng điện thoại di động và thiết bị công nghệ phục vụ học tập với học sinh, bảo đảm sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, thiết thực.
Trước đó, hồi tháng 9/2020, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT với nhiều đổi mới về Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Theo đó, thay vì cấm hoàn toàn học sinh sử dụng điện thoại như trước đây, quy định mới tại Thông tư 32 cấm học sinh sử dụng điện thoại di động nếu không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.
Theo Bộ GD&ĐT, việc đưa ra quy định này để hỗ trợ trong trường hợp học sinh cần truy cứu, tìm những nguồn học liệu để hỗ trợ cho bài học khi được sự cho phép của giáo viên.
Tuy nhiên, cho đến hiện tại, theo ghi nhận của PV Gia Đình Mới, rất nhiều bố mẹ cho biết, không biết việc sử dụng điện thoại trên lớp được giáo viên quản lý như thế nào, nhưng các học sinh đòi bố mẹ trang bị điện thoại thì đều chểnh mảng học hành hơn.
Có con lớp 8, chị Thu Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) kể: Khi con đòi mua điện thoại để phục vụ việc học trên lớp, tôi cũng đành phải mua mặc dù chưa hề muốn con tự sử dụng điện thoại. Khi mua về tôi cũng đề nghị cháu sử dụng hợp lý, không tải game, chơi mạng xã hội để tránh ảnh hưởng tới học tập nhưng tôi cũng đang rất lo lắng.
Con luôn lấy lý do chờ tin nhắn bài tập thầy cô giao về nhà để cầm điện thoại. Con dùng từ Facebook, zalo, Intagrams, tiktok, xem phim trên Youtuber...
Tôi lo lắng con sẽ bị sa đà quá mức vào các ứng dụng trên điện thoại, mất nhiều thời gian và thậm chí bị ảnh hưởng bởi những nguy hại trên môi trường mạng ảo.
Tôi cũng đã và đang quản lý việc sử dụng điện thoại của cháu theo giờ, tuy nhiên tôi rất mong có hướng dẫn cụ thể việc sử dụng điện thoại trên lớp vào những hoạt động học tập như thế nào để tôi có thể đồng hành trong việc con sử dụng điện thoại trên lớp".
Hoàn toàn bất bình với việc cho học sinh cấp 2, cấp 3 dùng điện thoại trên lớp, trao đổi với PV Gia Đình Mới, cô giáo Đặng Mai Hoa (cựu giáo viên quận Bắc Từ Liêm) cho rằng: "Dù thời đại 4.0 nhưng việc cho học sinh dùng điện thoại trong lớp học là không hợp lý.
Việc truyền tải kiến thức trong sách giáo khoa đến học sinh để học sinh hiểu bài đã là vất vả rồi, trong khi học sinh còn lén dùng điện thoại trong giờ, thì sẽ dẫn tới chểnh mảng, thiếu hụt kiến thức. Mà giáo viên dạy học đã phải rất căng thẳng rồi nay thêm nhiệm vụ quan sát rồi nhắc nhở học sinh không dùng "trộm" điện thoại thì sẽ phân tán tập trung.
Nếu Bộ GD&ĐT đã có hướng như vậy, thì tại sao mỗi lớp học không trang bị 6-7 máy tính nối mạng, để học sinh học nhóm, tra cứu nếu cần? Hoặc diện tích lớp học lớn hơn, vừa có màn chiếu lớn, vừa có bảng.
Việc tra cứu hãy để GV giới thiệu với học sinh về nghiên cứu, tìm hiểu chứ dung lượng bài học như hiện nay thực sự là không có thời gian để cho học sinh vừa học vừa... nghiên cứu trên điện thoại".
Không khó để ghi nhận, trong giờ ra chơi và giờ tan trường của học sinh, đa số các em đều tay 'lướt' điện thoại, túm tụm với nhau tham gia bàn luận trên mạng, quay video...
Những lo lắng của các phụ huynh về việc con dùng điện thoại sai mục đích cả trên trường và ở nhà là hoàn toàn có cơ sở. Do đó, Bộ GD&ĐT cần có những hướng dẫn cụ thể đối với việc học sinh sử dụng điện thoại trên lớp để các bậc phụ huynh yên tâm, cũng như học sinh dùng điện thoại phù hợp, đạt hiệu quả.