Phát hiện hóa thạch rùa 228 triệu năm không có mai, mảnh ghép mới của bài toán tiến hóa

Khi nhắc đến rùa, chúng ta thường nghĩ ngay đến đặc điểm nhận dạng của chúng, đó là mai. Tuy nhiên theo hóa thạch rùa cổ đại mới được các nhà khảo cổ học Trung Quốc công bố mới đây thì tổ tiên loài rùa lại không hề có mai.

Hình ảnh phục dựng của loài rùa mới được phát hiện (Ảnh: China Daily)

Theo nghiên cứu mới trên tạp chí Nature, các nhà khoa học đã phát hiện loài rùa cổ đại có tên Eorhynchochelys sinensis, có nghĩa là "loài rùa đầu tiên có mỏ".

Sinh vật này tồn tại khoảng 228 triệu năm trước và có kích thước khá lớn, dài hơn 1,8 m (6 feet). Chiếc mỏ không răng giống rùa hiện đại và thân dẹt của chúng khiến mọi người nghĩ ngay đến loài rùa, chỉ trừ một điểm là chúng không có mai.

Theo các nhà khoa học, sinh vật này thích sống dưới nước, nạo vét bùn đất bằng móng vuốt lớn để tìm thức ăn như động vật thân mềm và động vật chân đốt. Chúng không hề phát triển phần vỏ cứng như những con rùa ngày nay. Đây là điều khiến các nhà khoa học tò mò vì thân thể loài động vật lớn, dẹt, thân mềm này sẽ có lợi hơn nếu được bọc lớp vỏ cứng.

"Loài sinh vật này dài hơn 6 feet, có thân hình kỳ lạ như chiếc đĩa dẹt, đuôi dài, hàm trước phát triển thành một chiếc mỏ. Có lẽ chúng thường sống ở vùng nước nông, đào bùn kiếm ăn."

Điều thú vị là hóa thạch những loài rùa cổ đại khác vẫn có mai nhưng không có mỏ. Hóa thạch rùa mới tìm thấy này là loài rùa đầu tiên có mỏ nhưng lại không có mai. Còn rùa hiện đại thì có cả mỏ và mai. Điều này cho thấy sự tiến hóa của các sinh vật trên Trái Đất phức tạp hơn những gì chúng ta tưởng.

Hình ảnh rùa biển ngày nay

"Hóa thạch lớn này là một phát hiện thú vị, cho chúng ta một mảnh ghép mới trong bài toàn tiến hóa của loài rùa" - nhà nghiên cứu Nick Fraser cho biết. "Nó cho thấy loài rùa cổ đại không tiến hóa trực tiếp, từng bước các đặc điểm riêng của loài mà là một chuỗi sự kiện phức tạp hơn nhiều, và chúng ta chỉ mới bắt đầu tháo gỡ chuỗi rắc rối đó."

(Theo BGR)

Trang Đặng/giadinhmoi.vn

Tin liên quan