Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Tộc người đầu tiên tiến hóa để thích nghi với cuộc sống dưới biển

Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện ra tộc người Bajau ở Indonesia dành phần lớn thời gian trong ngày để lặn và đánh bắt cá đã có những biến đổi gene để thích nghi với cuộc sống dưới nước.

Tộc 'người cá' này mang biến thể gene khiến lá lách lớn hơn bình thường, nhờ đó cung cấp nhiều hồng cầu được oxy hóa hơn, giúp họ nhịn thở tốt hơn.

Lá lách lớn hơn 50%

Nghiên cứu mới cho thấy con người khi sống trong điều kiện thiếu oxy có thể tiến hóa theo nhiều cách để đối phó với tình trạng ấy - nhà sinh lý học Gabriel Haddad của Đại học California, San Diego cho biết.

Người Bajau có thể lặn tự do rất sâu (Ảnh: James Morgan)

Người Bajau có thể lặn tự do rất sâu (Ảnh: James Morgan)

Người Bajau đã sống hơn 1000 năm trên những nhà thuyền nổi trên mặt nước ở Philippines, Indonesia và Malaysia.

Trong 8 giờ làm việc ban ngày, các ngư dân phải dành tới 60% thời gian ở dưới nước bắt cá và các sinh vật biển, thu thập san hô đen để làm trang sức.

Cuộc sống kỳ lạ của họ đã cuốn hút Melissa Ilardo - cô lần đầu được nghe kể về tộc 'người cá' khi mới là sinh viên vừa tốt nghiệp đang nghiên cứu san hô ở Đông Nam Á.

Lấy cảm hứng từ những nghiên cứu trước đó trên các tộc người Tây Tạng, Ethiopia và Nam Mỹ đã tiến hóa để thích nghi với việc sống ở những vùng cao thiếu oxy, Ilardo - hiện đã là tiến sĩ ở Đại học Utah đã cùng các cộng sự tiến hành nghiên cứu tương tự trên tộc người Bajau.

Các nhà sinh lý học đã biết rằng phần lớn các loài động vật có vú - trong đó có con người - khi lặn dưới nước lạnh sẽ có "phản xạ lặn": giảm nhịp tim, co mạch ngoại vi, co lá lách để giải phóng hồng cầu được oxy hóa mà lá lách dự trữ.

Năm 1990, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng lá lách của những ngư dân chuyên lặn mò ngọc trai ở Nhật Bản co nhiều hơn bình thường và đẩy lượng oxy trong máu lên tới 9% trong quá trình lặn.

Do đó, tiến sĩ Ilardo quyết định tìm hiểu liệu lá lách của tộc người Bajau có đặc biệt như vậy hay không.

Kết quả siêu âm cho thấy lá lách của người Bajau lớn hơn 50% so với người Saluan làm nghề nông cùng khu vực.

Hơn nữa, siêu âm giữa thợ lặn và những người khác trong cùng cộng đồng Bajau cho kết quả kích thước lá lách của họ giống nhau. Điều này chứng tỏ sự phát triển kích cỡ của lá lách không đơn giản chỉ là hệ quả của việc lặn thường xuyên.

nguoi bajau

Ilardo ở lại Jaya Bakti, Indonesia vài tháng để lấy mẫu gene và siêu âm người Bajau và người Saluan. Kết quả cho thấy lá lách của người Bajau lớn vĩnh viễn chứ không phải chỉ tạm thời do lặn.

Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell.

Biến thể gene và chọn lọc tự nhiên

Sau đó, tiến sĩ Ilardo tiếp tục so sánh ADN của người Bajau với người Saluan và người Hán. 

Cô phát hiện người Bajau có 25 gene khác hẳn hai nhóm còn lại. Điều này cho thấy gene nhiều khả năng là yếu tố gây ra quá trình tiến hóa hay chọn lọc tự nhiên.

Trong 25 gene đó có 1 gene là PDE10A đã được phát hiện là có liên quan tới kích thước lá lách.

Việc chứng minh gene tiến hóa trên người sống không phải dễ dàng, nhưng trong trường hợp này, những bằng chứng mạnh mẽ đã cho thấy sự tiến hóa của tộc người Bajau, dù tộc người này mới chỉ sinh sống dưới biển vài ngàn năm.

Empty

Nhà khảo cổ học Mark Aldenderfer cũng đồng tình: "Có lẽ điều lớn nhất rút ra được từ nghiên cứu này chính là quá trình chọn lọc tự nhiên vẫn tiếp tục diễn ra với loài người."

Chưa rõ chính xác người Bajau có thể ở trong nước bao lâu. Một người trong bộ tộc nói với tiến sĩ Ilardo anh ta từng lặn suốt 13 phút. 

Tiến sĩ Ilardo hi vọng qua nghiên cứu trên tộc người Bajau có thể giúp tìm ra cách điều trị cho những bệnh nhân bị chứng giảm oxy máu cấp tính, như những người bị ngưng thở khi ngủ (sleep apnea) hay chấn thương não.

Ảnh: Internet

Theo Science Mag

Khải Huyền

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính